Trong nước

Án nào cho cựu Bộ trưởng Công Thương?

Ngày 10/7, tin tức lan nhanh, "lò" chống tham nhũng lại "rực lửa": Cơ quan CSĐT Bộ Công an công bố và tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với ông Vũ Huy Hoàng, cựu Bộ trưởng Công Thương để điều tra về tội "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí".

Cựu Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng.


Cùng thời điểm, cơ quan này cũng công bố và tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với bà Hồ Thị Kim Thoa, nguyên Thứ trưởng bộ này để điều tra về tội danh tương tự.

Cả hai vị cựu (bị cách chức) và nguyên (nghỉ hưu) quan chức lãnh đạo cao cấp được cho tại ngoại, cấm đi khỏi nơi cư trú.

Tháng 4/2016, tại kỳ họp thứ 11, khóa XIII, Quốc hội đã phê chuẩn và Chủ tịch nước miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Công Thương đối với ông Vũ Huy Hoàng. Tiếp đó, tháng 11/2016, Ban Bí thư thi hành kỷ luật ông Vũ Huy Hoàng bằng hình thức cách chức Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương thời gian 2011 - 2016.

Như vậy, quá trình xem xét những sai phạm, bắt đầu xử lý về kỷ luật Đảng và chính quyền cho đến thời điểm bị khởi tố, phải đối diện với pháp luật, vị cựu bộ trưởng này đã có thời gian chờ đợi là hơn 4 năm. Sắp tới, còn một thời gian không ngắn nữa để chờ án, và có lẽ, không chỉ án về tội danh khởi tố như vừa công bố.

Vị cựu bộ trưởng này đã có một quá trình đào tạo, rèn luyện và thử thách bài bản và đầy đủ các bước. Ông đã từng bước trưởng thành, từ một cán bộ đi học nước ngoài về, kinh qua các công tác, lên lãnh đạo cấp phòng, rồi cấp vụ, thứ trưởng, sau đó là được đưa đi địa phương, làm phó chủ tịch, quyền chủ tịch, rồi bí thư tỉnh ủy, vào Trung ương trước khi làm bộ trưởng.

Đó là một quá trình dài, không ít môi trường, không thiếu cách thức rèn luyện và phương thức thẩm định, đánh giá. Ông Hoàng cũng đã trải qua gần hai khoá làm bộ trưởng (2007-2016). Khi nhận chức bộ trưởng, ông đã có những phát biểu rất gây ấn tượng, đầy hy vọng về một bộ trưởng có tri thức, thạo việc và sẵn sàng hành động.

Thế nhưng, trái với kỳ vọng, theo như những gì đã công bố về sai lầm và khuyết điểm, ông là một điển hình về sự tha hoá nhiều mặt: Trách nhiệm và trình độ quản lý yếu kém, dung nạp và sử dụng cán bộ đầy sai phạm, lạm dụng quyền lực để bố trí cho con cái, đi nước ngoài như đi chợ...

Ông đã từng được cảnh báo, đã bị Quốc hội đánh giá thấp qua kỳ lấy phiếu tín nhiệm. Vậy mà ông đã không cải thiện tình hình, đã không dừng lại trước khi quá muộn.

Người ta đã bàn nhiều về việc tất yếu sẽ diễn ra với ông. Và điều đó đã đúng.

Người ta đang tiếp tục tục quan sát và chờ đợi việc cơ quan pháp luật làm rõ những sai phạm của ông, chờ đợi cái án sẽ tuyên với ông.

Qua trường hợp ông Vũ Huy Hoàng và những vụ xử lý quan chức cấp cao thời gian vừa qua, đã cho thấy: Không còn chuyện quan chức "hạ cánh an toàn" nữa. Những tội lỗi đều sẽ bị trả giá, vấn đề là nhanh hay chậm một vài bước mà thôi.

Qua trường hợp này còn cảnh báo: Lên vị trí lãnh đạo, càng cao càng nguy hiểm, nếu anh không có bản lĩnh, không giữ được phẩm chất, thì sẽ dễ dàng bị tha hoá, sẽ dễ dàng rơi xuống từ đỉnh cao và rất ê chề!

Cuộc chiến đấu chống tham nhũng và tha hoá trong đội ngũ lãnh đạo vẫn đang được tiếp tục đẩy mạnh.

Đại hội Đảng lần thứ XIII đang đến gần, công tác chuẩn bị nhân sự đang tập trung và khẩn trương.

Bài học từ trường hợp cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng càng trở nên thời sự với cả người có trách nhiệm chuẩn bị nhân sự và cả với chính cán bộ.

Quy trình, phương thức thử thách, thẩm định cán bộ càng cần phải bao quát tiếp tục, theo sát để đề phòng sự tha hóa của cán bộ. Cán bộ được trao chức quyền cũng phải cảnh giác với việc buông lơi rèn luyện để giữ gìn phẩm chất của mình, phải đề phòng với khả năng tha hoá của mình.

Tác giả: Nguyễn Thành Phong

Nguồn tin: Báo Nhà Đầu Tư

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP