Xuất hiện nhiều ‘hố tử thần’ sâu hàng chục mét ở miền Trung
Sau lũ lịch sử, nhiều tuyến tỉnh lộ, quốc lộ ở vùng cao Quảng Ngãi và Tây Nguyên bị tắc giao thông do lở núi nghiêm trọng, trong đó nhiều hố tử thần sâu hàng chục mét.
Mưa lũ lịch sử gây vỡ cống thoát nước tạo hố tử thần sâu 12 m, rộng 14 m trên Tỉnh lộ 623 (huyện Sơn Hà đi vùng cao Sơn Tây) gây nguy hiểm cho người dân qua khu vực này.
Hành lang an toàn trên Tỉnh lộ 623 bị mưa lũ gây sạt lở, hỏng chân dảy taluy.
Đường Trường Sơn Đông qua tỉnh Kon Tum những ngày qua xuất hiện nhiều điểm sạt lở, trong đó có hố sụt lún rộng 40 m, sâu 70 m, tạo thành vực thẳm chia cắt toàn bộ tuyến đường, xe không thể qua lại. Ông Nguyễn Minh Cường, Chủ tịch xã Ngọc Tem (huyện Kplong, tỉnh Kon Tum), cho biết đường Trường Sơn Đông bị chia cắt khiến hàng nghìn người dân địa phương bị cô lập với trung tâm huyện suốt nhiều ngày qua. Người dân muốn về trung tâm huyện chỉ có cách đi vòng về Quảng Ngãi gần 180 km, xa gấp ba lần bình thường.
Núi lở, cuốn theo hàng nghìn mét khối đất, đá vùi tuyến đường Trường Sơn Đông từ Quảng Ngãi đi tỉnh Kon Tum. Ông Đinh Văn Treo, Phó chủ tịch UBND xã Sơn Long (huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi), cho hay núi lở vùi lấp, gây xiêu vẹo hỏng nặng nhiều ngôi nhà, phải sơ tán khẩn cấp 20 nhân khẩu của sáu hộ dân đến vùng cao an toàn.
Theo ông Treo, lo ngại nhất là núi sạt lở khắp nơi uy hiếp khu dân cư, người dân lẫn học sinh đi lại dưới chân núi lở dễ nguy hiểm đến tính mạng vì đất, đá vẫn tiếp tục lở xuống đường . “Nếu trời mưa thêm vài ngày nữa, núi tiếp tục sạt lở nặng gây cô lập, nguy cơ 2.000 người dân ở địa phương thiếu đói, thiếu nước uống là khó tránh khỏi”, Phó chủ tịch xã Sơn Long nói.
Núi lở gây sập hoàn toàn nhà dân ở xã Sơn Long (huyện Sơn Tây).
Bé trai co ro bên ngôi nhà sập hoàn toàn dưới chân núi lở ở huyện Sơn Tây.
Chưa hết hoảng sợ, chị Đinh Thị Pa (ngụ xã Sơn Long) sớm mồ côi cha mẹ kể lại, 3h sáng 17/12, hai chị em đang ngủ trong nhà bỗng nghe tiếng đất, đá đổ ầm ầm, mặt đất rung chuyển chao đảo. “Tôi vừa kéo em gái chạy ra khỏi nhà vài trăm mé, đất đá ập xuống làm sập ngôi nhà. Mấy ngày qua hai chị em phải ăn, ở nhờ nhà dân làng trong thôn”, chị Pa thổ lộ.
Trong khi đó, núi lở gây sập ba ngôi nhà kiên cố của bác sĩ Châu Nguyễn Thương, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Tây Trà, cùng một bác sĩ khoa cấp cứu và người dân ở thôn Gò Rô (xã Trà Phong). “Mọi người đang ngủ say thì nghe từ phía núi sau nhà phát ra nhiều tiếng nổ. Linh tính núi lở, tôi gọi mọi người nhanh chóng chạy ra khỏi nhà nên may mắn thoát chết”, bác sĩ Thương thuật lại.
Học sinh trường Tiểu học xã Sơn Long (huyện Sơn Tây) đến trường phải băng qua nhiều điểm sạt lở nguy hiểm.
Người dân đi lại nguy hiểm dưới chân núi lở, bên bờ kè khu tái định cư A Nhua 2, thuộc dự án nhà máy thủy điện Đăkđrinh, xã Sơn Long (huyện vùng cao Sơn Tây).
Núi lở khiến người dân ở các huyện vùng cao Quảng Ngãi phải lội bùn nhão đi lại vất vả, vừa mất thời gian vừa thấp thỏm lo sợ đất đá ập xuống lấy mất mạng.
Mưa lũ lịch sử gây sạt lở núi kéo theo nhiều cây rừng cổ thụ ngã đổ, uy hiếp tính mạng người dân trên Tỉnh lộ 626 (Di Lăng-Trà Trung). “Núi lở sợ lắm nhưng hàng ngày phải đi qua để làm nương rẫy, chăn thả gia súc. Mỗi lúc đi qua khu vực này mọi người phải cố đi nhanh hoặc cắm đầu chạy để tránh đất, đá bất ngờ ập xuống vùi lấp”, bà Nguyễn Thị Hà (ngụ huyện Sơn Hà) nói.
Theo ông Nguyễn Xuân Thảo, Phó phòng kết cấu hạ tầng, Sở Giao thông Vận tải Quảng Ngãi, mưa lũ lịch sử gây thiệt hại cho ngành giao thông tỉnh khoảng 500 tỷ đồng. “Hiện nay trên nhiều tuyến tỉnh lộ, quốc lộ trên địa bàn xuất hiện nhiều điểm sạt lở nền đường, hố sụt trượt, lở núi với hàng chục nghìn khối đất, đá. Sở đang huy động nhân lực, phương tiện, trước mắt khai thông tạm, đảm bảo người dân thoát cảnh bị chia cắt, cô lập”, ông Thảo nói.
Theo ông Thảo, do nhiều điểm lở núi trên các tỉnh lộ, quốc lộ với khối lượng đất, đá quá lớn, thời gian tới, Sở khảo sát, lập thiết kế chi tiết kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải và tỉnh hỗ trợ kinh phí nhằm sớm khắc phục hậu quả thiên tai bền vững, để phương tiện cùng người dân qua lại những khu vực này an toàn.
Thống kê sơ bộ của các địa phương miền Trung, từ 16/12 đến nay, mưa lũ lịch sử gây xuất hiện nhiều điểm sạt lở núi vùi lấp, gây hỏng nặng ít nhất 20 nhà dân. Lở núi đã làm 5 người chết, 12 người bị thương ở các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định.