Nhất quyết đưa học sinh trở lại trường
PV: Có thông tin sáng 25/11, Thứ trưởng đã có cuộc họp tại Văn phòng Chính phủ về vụ việc hàng trăm học sinh ở Hương Bình không đến trường. Xin Thứ trưởng cho biết thông tin đó có chính xác không?
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Đúng là có cuộc họp do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì, cùng dự họp có Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cùng lãnh đạo Sở GD &ĐT, lãnh đạo huyện Hương Khê.
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển trả lời phỏng vấn. Ảnh Phương Thảo |
Vụ việc đã báo cáo lên Chính phủ? Xin Thứ trưởng cho biết ý kiến của Bộ GD&ĐT về vấn đề này như thế nào?
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Thực ra, ngay từ giữa tháng 10, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã trực tiếp có ý kiến yêu cầu phải đảm bảo để các cháu học sinh đến trường, tuyệt đối không được để ảnh hưởng xấu đến việc học tập của các cháu. Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cũng đã một số lần trao đổi với lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh trên tinh thần đó.
Chủ trương sáp nhập trường học các cấp tại một số địa phương để đẩy mạnh phát triển giáo dục theo chiều sâu, nâng cao hiệu quả đầu tư và chất lượng dạy học là đúng định hướng phát triển của ngành giáo dục sau khi chúng ta đã hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục theo chiều rộng.
Sau khi sáp nhập, nhiều trường học ở các địa phương được đầu tư mạnh mẽ, có cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại, tạo điều kiện học tập tốt hơn cho học sinh, năng lực giáo viên cũng được nâng lên khi họ có thêm cơ hội sinh hoạt trong các tổ chuyên môn do việc sáp nhập trường mang lại.
Tuy nhiên, quan điểm của Bộ GD&ĐT là sắp xếp lại các trường học để nâng cao chất lượng dạy học nhưng phải đảm bảo quyền lợi giáo dục của trẻ em; các cháu phải được đi học đầy đủ trước khi nói đến việc nâng cao chất lượng dạy và học, nhất là ở miền núi
Giải quyết vụ việc ở Hương Bình thuộc trách nhiệm của chính quyền, gia đình và nhà trường tỉnh Hà Tĩnh, nhưng Bộ GD&ĐT cũng đã xem xét lại các quy định, quy trình hướng dẫn sáp nhập trường học và về tổng thể các văn bản quản lý nhà nước không có vấn đề gì lớn. Trên thực tế các địa phương khi thực hiện chủ trương chỉ có một số nơi có vướng mắc nhưng đã được tháo gỡ kịp thời theo tinh thần trước hết phải đảm bảo quyền được đi học của trẻ em.
Đã gần 3 tháng mà hàng trăm học sinh vẫn chưa đến trường. Thứ trưởng có thấy yên tâm với cam kết của tỉnh không?
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Tỉnh đã báo cáo trước cuộc họp tình hình cụ thể về số học sinh chưa đến trường của THCS và cả số học sinh của trường không sáp nhập (mẫu giáo, tiểu học) mà cũng không đến trường; xác định trách nhiệm thuộc địa phương. Nhận trách nhiệm và cam kết trước Phó Thủ tướng thì tôi tin là tỉnh sẽ có giải pháp thỏa đáng.
Thứ trưởng có thể cho biết thêm về các ý kiến trong cuộc họp với Chính phủ?
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Tại cuộc họp, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đã có báo cáo về công tác, biện pháp chỉ đạo, thuyết phục cũng như những khó khăn, vướng mắc trong quá trình vận động, thuyết phục người dân cho con em đi học trở lại sau khi tiến hành sáp nhập trường THCS Hương Bình và trường THCS Hòa Hải và Phúc Đồng.
Tỉnh cũng báo cáo rõ là việc sáp nhập được chuẩn bị kỹ lưỡng và thực hiện trên địa bàn toàn tỉnh từ mấy năm nay đạt kết quả tốt. Cũng có một vài nơi ban đầu chưa được đồng thuận cao như ở xã Đức Lâm, huyện Đức Thọ năm 2012 nhưng sau đó địa phương tập trung giải thích, thuyết phục nên các cháu đều đi học.
Đối với Hương Bình, lãnh đạo tỉnh, trực tiếp là các đồng chí Bí thư tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh đều đã trực tiếp chỉ đạo để xử lý nhưng quá trình vận động gặp khó khăn hơn. Tỉnh cam kết sẽ thực hiện các biện pháp đảm bảo các cháu học sinh đến trường và tỉnh đã chuẩn bị các phương án để các cháu học bù đảm bảo chương trình năm học.
Địa phương, các cấp phải làm hết trách nhiệm
Trong cuộc họp này, Phó Thủ tướng có chỉ đạo như thế nào thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Tôi không thể nói chi tiết nhưng Phó Thủ tướng đã yêu cầu phải làm tất cả những gì cần thiết trên tinh thần trách nhiệm cao nhất để các cháu đến trường, không thể vì chuyện của người lớn mà ảnh hưởng đến học hành của các cháu, không được để cháu nào mất một năm học vì người lớn.
Đã từng là thầy giáo, là một phụ huynh, cá nhân ông nghĩ thế nào về việc hàng trăm em học sinh đang có nguy cơ bị mất một năm học chỉ vì chuyện sắp xếp lại các cơ sở giáo dục, là chuyện của người lớn chứ không phải chuyện của các em?
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Có lẽ không chỉ cá nhân tôi mà tất cả chúng ta phải đặt lợi ích của con cháu mình lên trên hết. Hãy khoan bàn đến sự tranh cãi, đúng sai của người lớn, điều cần nhất bây giờ là các cháu được trở lại lớp học, càng sớm càng tốt.
Cấp ủy, chính quyền địa phương phải tìm mọi cách để thực hiện bằng được điều này trong thời gian sớm nhất, đồng thời chuẩn bị đầy đủ phương án về thời gian, giáo viên, kinh phí cho việc dạy thêm, học bù để các em học sinh hoàn thành chương trình học đúng quy định của Bộ GD&ĐT.
Xin cảm ơn Thứ trưởng.
Nguyên nhân của vụ 600 học sinh ở xã Hương Bình thất học là do Bộ GD&ĐT chưa có quy định bắt buộc khi giải thể, chia, tách sáp nhập trường phải lấy ý kiến của cộng đồng dân cư. Hiện nay, việc sáp nhập, giải thể, chia tách trường trung học được thực hiện theo quy định của Bộ GDĐT tại Thông tư số 12/2011/TT-BGDĐT ngày 28.3.2011 ban hành “Điều lệ trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học”.
Trong bản văn bản đó, không quy định khi sáp nhập, chia tách, giải thể trường học, cơ quan chức năng phải tổ chức lấy ý kiến của cộng đồng dân cư có con em học tại trường.
Đây là lý do khiến cho các cấp chính quyền nhiều địa phương khi quyết định sáp nhập, chia, tách trường học đã không thăm dò, thông qua hay bàn bạc, lấy ý kiến cộng đồng dân cư. Một số quyết định được ban hành vội vàng, không phù hợp với nguyện vọng của dân nên đã gây ra những hậu quả hết sức nghiêm trọng: Hàng trăm học sinh thất học, lưu ban; người dân kéo nhau đi khiếu kiện tập thể, xảy ra nhiều hành vi phạm pháp như phá hoại tài sản, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ…
Phương Thảo/ GDVN