Những chuyên án lãng quên
Từ những năm 1960, người dân miền xuôi mò mẫm lên miền ngược khai hoang, mở đất, hình thành nên xã Hương Quang, cách thị trấn Vũ Quang ngày nay gần 20km đường rừng.
Quanh năm mây mù bao phủ, cuộc sống của người dân xoay quanh ruộng và rừng. Những cụ già cao niên nhớ lại, ngày đầu mới lên khai hoang đại ngàn đất Vũ, đêm đêm tiếng thú dữ kêu vang một góc rừng, từng “con ma” khổng lồ cứ kéo nhau cả đàn gần chục con đi lại nghênh ngang giữa đường.
Sau một thời gian, người dân mới tá hỏa đó là voi đang đi kiếm ăn. “Voi thời ấy sống chung với người dân. Hễ lên nương, lên rẫy là thấy voi đang ăn lá cây.
Nó không tỏ vẻ hoảng sợ hay hung hãn khi người dân lại gần” – Phó Chủ tịch UBND xã Hương Quang, ông Nguyễn Văn Tường, kể.
Thời gian trôi đi, khi cây rừng bị khai thác cạn kiệt dần, sự hiện diện của con người ngày một lớn hơn với những dụng cụ săn bắt hiện đại hơn cũng là lúc những bóng “ma” dần dần đi vào quên lãng trong cuộc sống thường ngày của người dân nơi đây.
Cuối hè năm 1999, người dân xã Hòa Hải, huyện Hương Khê lên rừng đốn củi phát hiện mùi lạ bốc ra từ gốc cây bên khe Mụ Khủa. Một con voi đang bị thối rữa.
Lực lượng công an, kiểm lâm, biên phòng phát hiện một số xương sống, xương sườn, xương đầu bị vỡ, dự tính con voi đã chết khoảng 5 tháng trước. Thế rồi, những dòng báo cáo ngắn ngủi và hơi mơ hồ này cũng không được tìm hiểu thêm.
Hai năm sau, người dân xã Hương Điền lại phát hiện một con “ma” chết tại khu vực khe Xo. Năm 2006, tại vùng đệm hai xã Hương Quang và Hương Minh, liên tiếp hai con voi bị phát hiện chết và bị cắt mất ngà.
Ông Phạm Viết Ngoằn, nguyên Giám đốc Vườn quốc gia Vũ Quang, người đã có hơn 22 năm lăn lộn tại núi rừng của vườn cho biết, năm 1987, đàn voi Vũ Quang có tất cả 8 con, sau đó giảm dần.
Như vậy, cái chết của những con voi này là cả một sự tác động tàn ác của con người chứ không thể kết luận mơ hồ là do chết lâu ngày như con voi được phát hiện đầu tiên tại xã Hòa Hải.
Thế nhưng, kẻ gây ra cái chết của voi vẫn không bị xử lý. Để rồi, những biên bản khám nghiệm, những bản kiến nghị điều tra ngày một dày thêm trong tập hồ sơ lưu tại một góc phòng giám đốc Vườn quốc gia Vũ Quang qua từng thế hệ lãnh đạo.
Nguy cơ tuyệt chủng?
Cuộc sống người dân các xã như Hương Minh, Hương Điền, Hương Quang đang yên ổn bấy lâu bỗng đảo lộn tứ tung vài năm trở lại đây khi xuất hiện một lúc ba con voi thường xuyên vào tận nhà dân phá hoại cây cối, nhà cửa.
Thậm chí, cả ba con dàn hàng ngang trên đường quật ngã cột điện, phá nát đường nhựa và xe máy của người đi đường bỏ lại. “Cả đời sống ở rừng chưa biết sợ con vật nào. Thế mà giờ ra đường là sợ voi quật chết lúc nào chẳng hay.
Học sinh tan trường phải đi thành nhóm để nhỡ gặp voi còn giúp nhau thoát nạn”, ông Nguyễn Văn Quang, xã Hương Minh kể. Nhiều học sinh phải thường xuyên nghỉ học, con đường nối từ thị trấn Vũ Quang vào các xã bên trong vườn quốc gia ngày một vắng người qua lại.
Phòng trưng bày mô hình các loài động vật quý của Vườn quốc gia Vũ Quang đang lưu giữ bộ xương đầu, xương đùi và một số xương sườn của một con voi đực được phát hiện bị sát hại vào năm 2006 tại xã Hương Minh.
Cầm trên tay bộ xương, Giám đốc Vườn Quốc gia Vũ Quang, ông Đào Huy Phiên lắc đầu: “Hy vọng đây là bộ xương cuối cùng được phát hiện. Việc phát hiện xác chết của hai con voi với nhiều dấu hiệu khả nghi là bị bắn hạ khiến lãnh đạo vườn chịu nhiều sức ép. Nhưng tất cả rồi cũng dừng lại trên hồ sơ lưu trữ”.
Qua nhiều năm thị sát với các đoàn chuyên gia trong và ngoài nước về nghiên cứu loài voi, ông Phiên khẳng định, hiện tại Vườn chỉ có ba cá thể voi và. “Oái oăm thay, cả ba con đều là voi cái”.
Để cứu loài voi tránh nguy cơ diệt chủng ở Vườn Quốc gia Vũ Quang, chỉ có cách duy nhất là đưa một cá thể voi đực ở nơi khác đến để chúng thích nghi, sinh sống với nhau sinh con, đẻ cái.
Tuy nhiên, ước nguyện của Vườn bao năm qua vẫn chưa có câu trả lời. “Với đà này, trong vài năm tới, loài voi ở Vườn sẽ bị tuyệt chủng. Không chết bởi quy luật tự nhiên thì cũng chết bởi sự truy sát của con người”, ông Phiên nói.
Minh Thùy
Tiền Phong