Vấn đề pháp lý liên quan đến việc ông Lê Nguyên Hưng - Phó Giám Đốc Ngân hàng Eximbank Chi nhánh TP.HCM chiếm đoạt số tiền 245 tỷ đồng rồi bỏ trốn, là khách hàng hay ngân hàng mới là người bị hại?
Trước hết, phải xác định bà Chu Thị Bình gửi tiền vào Eximbank dưới hình thức gửi tiền tiết kiệm. Theo đó quan hệ pháp luật được xác lập giữa hai bên không phải là hợp đồng gửi giữ tài sản mà là hợp đồng vay tài sản theo quy định tại Điều 463 BLDS 2015.
Eximbank nhận tiền gửi của bà Bình đó là một hình thức huy động vốn. Sau khi nhận tiền của bà Bình, Ngân hàng cho vay lại (cấp tín dụng) hoặc thực hiện các hoạt động đầu tư khác (đầu tư tài chính). Đổi lại Ngân hàng phải trả tiền lãi suất và tiền nợ gốc cho bà Bình khi đến hạn.
Ông Lê Nguyên Hưng hiện nay đã bỏ trốn. Ảnh: Internet |
Nói cách khác bà Bình là chủ nợ của Eximbank kể từ ngày giao 245 tỷ đồng cho Ngân hàng. Bởi lúc đó bà Bình không còn là chủ sở hữu đối với số tiền này nữa mà chuyển giao cho Eximbank theo Điều 464 BLDS 2015
Chính vì Eximbank là chủ sở hữu đối với số tiền này nên mọi rủi ro Eximbank phải gánh chịu (Điều 162 BLDS 2015). Do đó, việc ông Lê Nguyên Hưng chiếm đoạt 245 tỷ đồng tại Ngân hàng Eximbank tức là chiếm đoạt tiền của Eximbank chứ không phải tiền của bà Bình.
Từ đó có thể khẳng định Eximbank là bị hại, còn khoản nợ mà Eximbank nợ bà Bình vẫn nguyên giá trị. Eximbank phải có trách nhiệm và nghĩa vụ trả cho bà Bình khi đến hạn, mà không hề liên quan đến quá trình tố tụng trong việc xử lý ông Hưng.
Liên quan đến vụ việc này, nhiều ý kiến cho rằng người bị hại là bà Bình. Có thể nhận định này dựa trên yếu tố hồ sơ, tài liệu của bà Bình đã bị làm giả, trên hệ thống ngân hàng không còn định mức số tiền này. Nhưng tiền không phải là vật đặc định, nên không thể đồng nhất với việc bị chiếm đoạt tài sản là vật đặc định.
Không có chuyện Eximbank sau khi nhận tiền của bà Bình sẽ đem niêm phong bỏ vào két sắt, chờ đến hạn lấy ra trả lại cho bà. Bởi vì tiền mà bà Bình gửi đã được Ngân hàng đem đi sử dụng, nên tài sản mà bà Bình nắm giữ là quyền đòi nợ đối với Eximbank. Do đó việc dựa vào hồ sơ, tài liệu của bà Bình bị làm giả, để đi đến khẳng định tiền của Bà bị mất là không đúng về pháp lý. Việc giả mạo hồ sơ, tài liệu của bà Bình chỉ là phương tiện/phương thức mà ông Hưng nhằm chiếm đoạt tài sản của Ngân hàng.
Từ vụ việc này nên chăng việc gửi tiền giữa khách hàng và Ngân hàng phải lập một hợp đồng trong đó ràng buộc trách nhiệm của các bên, bao gồm dự liệu cả việc tiền gửi bỗng nhiên biến mất như vụ việc này.
Tác giả: Luật sư ĐẶNG BÁ KỸ - Đoàn LS TP.HCM
Nguồn tin: Báo Pháp luật TP HCM