Nhiều giáo viên đã bật khóc khi trình bày nguyện vọng được trở lại giảng dạy sau khi bị chấm dứt hợp đồng |
Sai thì phải nhận, sai đến đâu xử lý đến đó
Sáng 26/10, tại trụ sở UBND huyện Kỳ Anh, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cùng đoàn công tác của Bộ nội vụ đã về làm việc với lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, các Sở ban ngành liên quan và thị xã Kỳ Anh, huyện Kỳ Anh về vấn đề chấm dứt hợp đồng lao động đối với 214 giáo viên.
Trong buổi làm việc, Thứ trưởng đã lắng nghe báo cáo của tỉnh, Sở nội vụ, Sở GD&ĐT, huyện và các trường.
Thứ trưởng Bộ nội vụ Trần Anh Tuấn (bên trái) đã có buổi làm việc với tỉnh Hà Tĩnh về việc chấm dứt hợp đồng 214 giáo viên tại huyện Kỳ Anh |
Trong đó, hai bài phát biểu của ông Bùi Đăng Hoàn – Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh và ông Nguyễn Quốc Hà – Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh đều cho rằng: Đa số giáo viên không bức xúc về chế độ lương thưởng mà họ muốn tiếp tục được làm việc. Mong muốn được tỉnh xem xét, đồng ý để hai địa phương tiếp tục tuyển dụng cho đủ chỉ tiêu, có chính sách ưu tiên đối với các giáo viên hợp đồng có đủ tiêu chuẩn và điều kiện. Nghĩa là những giáo viên vừa bị chấm dứt hợp đồng có điều kiện thi tuyển lại.
Hiệu trưởng một số trường cũng thừa nhận rằng, do trong quá trình giảng dạy thiếu chỉ tiêu nên đã đề nghị được tuyển dụng thêm. Có những hợp đồng thông qua huyện, có những hợp đồng do chính trường tự tuyển dụng.
Sau khi cắt hợp đồng thời gian qua, nhiều trường tại huyện Kỳ Anh bị thiếu giáo viên bộ môn – đó là ý kiến của ông Nguyễn Phú Hoàng, hiệu trưởng trường Tiểu học Kỳ Phú.
Việc chấm dứt hợp đồng “lỗi” ở đây là do huyện tuyển dụng bừa bãi không theo quy chế, chỉ tuyển dụng làm việc theo yêu cầu của huyện, của trường mà không tính đến chỉ tiêu biên chế. Vì thế năm 2013, Sở đã thành lập đoàn thanh tra kiểm tra, xử lý nhưng huyện vẫn tiếp tục sai phạm – Ông Nguyễn Phi Quang, Giám đốc Sở nội vụ Hà Tĩnh cho hay.
Ông Nguyễn Thiện – Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho rằng: Huyện đã làm sai thì phải nhận, phải sửa, không được vòng vo, đổ lỗi. Sai đến đâu xử lý đến đó. Khi tuyển dụng phải có chỉ tiêu biên chế thì mới được làm. Người lao động được tuyển phải đảm bảo đủ điều kiện, tiêu chuẩn về trình độ.
Rồi ông Thiện đưa ra dẫn chứng ở huyện Kỳ Anh, theo như số liệu báo cáo thì bậc THCS còn thừa 24 giáo viên nhưng vẫn nhận hợp đồng đến 109 người, bậc tiểu học thiếu 77 giáo viên nhưng lại hợp đồng đến 103 người… Những sai phạm này rất rõ ràng.
Phó chủ tịch tỉnh cũng nhấn mạnh, việc cần làm bây giờ là giải quyết chế độ cho 214 giáo viên. Đối với lao động hợp đồng có đóng BHXH thì phải giải quyết theo chế độ, còn lao động chưa đóng BHXH thì phải có sự phối hợp với các cơ quan chức năng để có hướng xử lý một cách thấu tình đạt lý.
Ông Trần Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nội vụ cũng cho rằng, việc huyện Kỳ Anh ký hợp đồng lao động mà không quan tâm thực hiện chính sách đối với giáo viên, như vậy là không đúng. Lúc này khi chấm dứt hợp đồng cũng phải đảm bảo sự thống nhất, đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
Đặt biệt, đối với 214 giáo viên bị cắt hợp đồng, tỉnh nên phân loại, đánh giá các giáo viên. Ai dạy tốt, đảm bảo các yêu cầu đề ra (như giáo viên giỏi…) thì nên có chính sách ưu tiên trong quá trình tuyển dụng – thứ trưởng Tuấn nhấn mạnh.
Phải có đặc cách cho giáo viên lâu năm, đủ điều kiện?
Thứ trưởng Bộ nội vụ Trần Anh Tuấn đã lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của các giáo viên trong buổi làm việc. Vấn đề giáo viên quan tâm hiện nay là phương án xử lý đối với các giáo viên bị chấm dứt hợp đồng? Liệu các giáo viên ở Kỳ Anh có được hưởng chính sách đặc cách như trường hợp ở Bắc Ninh hay không?
Trước những chất vấn trên, ông Nguyễn Thiện – Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, nếu có chỉ tiêu các giáo viên đủ điều kiện và thi hoặc xét tuyển, đạt các yêu cầu sẽ được tuyển dụng. Trường hợp gia đình có hoàn cảnh khó khăn và gia đình chính sách đã có ưu tiên theo quy định của pháp luật…
Thứ trưởng cũng tiếp xúc, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của các giáo viên |
Thứ trưởng Trần Anh Tuấn đã lưu ý tỉnh Hà Tĩnh nên xem xét áp dụng Nghị định 29/2012/NĐ-CP của Chính phủ đối với các giáo viên có thâm niên lâu năm và đủ điều kiện để xem xét đặc cách như trường hợp các giáo viên ở huyện Yên Phong (Bắc Ninh) nếu như có chỉ tiêu tuyển dụng.
Thế nhưng với các giáo viên, việc chờ đợi để được đặc cách là ‘’phải chờ”, ‘’phải có chỉ tiêu’’ như lời ông Nguyễn Thiện nói trong buổi làm việc thì hy vọng được quay lại làm việc vẫn còn mông lung.
Buổi làm việc với Thứ trưởng Bộ nội vụ Trần Anh Tuấn và UBND tỉnh, Sở nội vụ và huyện Kỳ Anh vẫn chưa đưa ra được một lối đi cho tương lai của các giáo viên bị chấm dứt hợp đồng. Chưa đưa ra được các giải pháp cụ thể, chưa trả lời “thỏa đáng” các ý kiến, nguyện vọng mà giáo viên mong mỏi vào thời điểm này.
Theo báo cáo của lãnh đạo hai địa phương, trong số 214 giáo viên bị cắt hợp đồng, tại thị xã Kỳ Anh có 72 trường hợp, tại huyện Kỳ Anh có 142 trường hợp. Trong đó, chỉ có 92 người lao động hợp đồng có đóng bảo hiểm xã hội (Thị xã Kỳ Anh 33/72 người, huyện Kỳ Anh 59/142 người) , còn lại 122 người hợp đồng giảng dạy nhưng không được tham gia bảo hiểm xã hội.