Ngày 28/10 vừa qua, một chiếc xe jeep trắng đã lao thẳng vào đám đông người đi bộ, đâm qua rào chắn tại khu vực quảng trường Thiên An Môn (Bắc Kinh, Trung Quốc) và phát nổ lớn, khiến 5 người thiệt mạng và 38 người khác bị thương.
Cảnh sát Bắc Kinh đã phát đi một thông báo tới tất cả các khách sạn tại thủ đô, truy tìm 2 nghi phạm nam được cho là tới từ Tân Cương, trong khi đó, một cuộc điều tra đã được tiến hành, thông tin về vụ việc được chính phủ Trung Quốc kiểm soát rất chặt chẽ. Với vị trí quan trọng và nhạy cảm của quảng trường này, giới chức Trung Quốc có nhiều lí do để thận trọng.
Nơi tập trung quyền lực Trung Quốc
Trong tiếng Trung Quốc, Thiên An Môn có nghĩa là Cánh cổng của Hòa bình ở Thiên đường.
Quảng trường Thiên An Môn nằm ngay giữa trung tâm thủ đô Bắc Kinh, nơi từ đó tỏa đi khắp các hướng trong thành phố và được coi là biểu tượng quốc gia của Trung Quốc.
Quảng trường Thiên An Môn
Các công trình quan trọng nằm xung quanh quảng trường này được đánh giá là mạng lưới quyền lực Trung Quốc – không có bất cứ nơi nào khác trên khắp quốc gia này xứng tầm với sự quan trọng cả về tính thực tế lẫn tính biểu tượng như tại đây.
Quảng trường Thiên An Môn nằm giữa hai cánh cổng lớn đã có từ lâu đời: phía bắc là Thiên An Môn, phía nam là Tiền Môn, tiếp giáp với Trung Nam Hải – trụ sở làm việc của các nhà lãnh đạo cấp cao Đảng Cộng sản Trung Quốc. Phía bên trái quảng trường là Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh, nơi diễn ra các hoạt động chính trị lớn của Trung Quốc, phía bên phải là Viện bảo tàng quốc gia về Lịch sử Trung Hoa, nơi lưu trữ các tài liệu và cổ vật liên quan tới sự hình thành và phát triển của Trung Quốc.
Phía sau quảng trường là lăng Mao Trạch Đông, còn đối diện là Tử Cấm Thành – từng là cung điện của các triều đại phong kiến Trung Quốc. Con đường nằm giữa quảng trường và cổng Thiên An Môn là đại lộ Trường An, nơi diễn ra các cuộc duyệt binh, diễu hành trong các sự kiện lớn của Trung Quốc.
Vị trí một số công trình quan trọng tại khu vực xung quanh quảng trường Thiên An Môn
Chứng nhân lịch sử
Quảng trường Thiên An Môn đã chứng kiến nhiều sự kiện chính trị, xã hội lớn của Trung Quốc.
Ngày 1/10/1949, tại quảng trường Thiên An Môn, Mao Trạch Đông đã tuyên bố thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, mở ra một trang sử mới cho quốc gia này.
Tại quảng trường Thiên An Môn, Mao Trạch Đông đọc tuyên ngôn khai sinh nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Cũng tại đây, chưa đầy hai thập kỉ sau đó, Mao Trạch Đông đã có bài phát biểu trước hàng trăm nghìn thành viên trẻ tuổi của lực lượng Hồng vệ binh vào thời kỉ đỉnh cao của Cách mạng Văn hóa.
Tháng 1/1976, một ngày sau khi Thủ tướng Chu Ân Lai qua đời, những người dân Trung Quốc từ khắp mọi miền đất nước đã tự nguyện kéo về Thiên An Môn để bày tỏ sự tiếc thương vô hạn với nhà lãnh đạo này.
Người dân Trung Quốc kéo về quảng trường Thiên An Môn, bày tỏ sự thương tiếc trước sự ra đi của Thủ tướng Chu Ân Lai.
Tháng 4/1976, khi nhiều tầng lớp dân chúng biểu tình quy mô lớn ở quảng trường Thiên An Môn để tưởng nhớ cố Thủ tướng Chu Ân Lai và bày tỏ sự phẫn nộ với Bè lũ bốn tên, khi đó đang nắm quyền kiểm soát chính phủ Trung ương Trung Quốc, nhóm 4 tên này đã ra lệnh cho lực lượng an ninh đàn áp nhằm giải tán đám đông, gây ra một cuộc náo loạn lớn.
Thiên An Môn cũng là nơi chứng kiến một giai đoạn bi thảm của lịch sử Trung Quốc trong những năm 1980.
Năm 2000, cái tên Thiên An Môn mang một sắc thái tươi sáng hơn thì người Trung Quốc hân hoan kéo về đây, ăn mừng sự kiện nước này giành quyền đăng cai Olympic mùa hè 2008.
Tri Thức Trẻ