Theo Daily Beast, lần gần đây nhất Nga can thiệp quân sự vào một trong những quốc gia láng giềng của mình, tình báo Mỹ đã hoàn toàn bị bất ngờ – Đó là trường hợp của Gruzia năm 2008. Khi đó, đã có những dấu hiệu về việc Moscow sẽ “động thủ”, ví dụ như cung cấp hộ chiếu cho người gốc Nga ở Gruzia, giống như những gì Nga đang làm tại Ukraine. Nhưng các nhà phân tích tình báo Mỹ thì không tin rằng Nga có thể hành động quyết liệt như vậy.
“Vấn đề ở đây không phải là việc chúng ta thu thập được bao nhiêu thông tin từ Nga, mà rộng hơn, đó là những thách thức trong việc phân tích để hiểu được suy nghĩ của Putin”, ông Michael Hayden, cựu giám đốc CIA (Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ) và NSA (Cơ quan An ninh Quốc gia) dưới thời Tổng thống George W. Bush nhận định. “Ngoại trưởng của chúng ta thì nói rằng đây không phải là Chiến tranh Lạnh mà là tình huống cả hai bên cùng có lợi. Nhưng với Putin, đây là cuộc chơi một mất một còn. Chúng ta cần phải hiểu điều này”.
Tất nhiên, Nga và Mỹ cùng chia sẻ lợi ích ở một số lĩnh vực. Cả hai nước đang hợp tác để duy trì hoạt động của Trạm Không gian Quốc tế ISS. Các tàu không gian Soyuz của Nga được dùng để chuyên chở các phi hành gia Mỹ lên trạm này. Hai nước cũng vài lần phối hợp để cấm vận Iran vì chương trình hạt nhân của nước này. Thêm vào đó, Nga và Mỹ cũng vừa nhất trí về một kế hoạch đầy tham vọng tại Syria nhằm giải giáp kho vũ khí hoá học của nước này.
Tuy nhiên, theo Daily Beast, với các vấn đề liên quan đến tình hình của những quốc gia từng là thành viên của Liên bang Xô Viết cũ thì Nga và Mỹ thường ở vị trí đối lập. Cuối tuần trước, các nghị sĩ và các chuyên gia phân tích tình báo Mỹ dự đoán rằng lực lượng quân sự Nga tập trung gần biên giới Ukraine sẽ không tiến vào nước này. Thượng nghị sĩ Carl Levin, chủ tịch Ủy ban quân lực Thượng viện Mỹ, tuyên bố hôm 27/2 rằng ông không rõ ý định của Putin, nhưng tin chắc Nga sẽ không can thiệp quân sự vào Ukraine.
Thế nhưng, trên thực tế, mặc dù không phải là một cuộc đổ bộ ồ ạt qua biên giới, nhưng lính đánh thuê cùng một số đơn vị của quân đội Nga đã nhanh chóng chiếm quyền kiểm soát Crimea. Ngày 2/3, ngoại trưởng Mỹ John Kerry gọi hành động đó là một “cuộc xâm lược”.
Ông Hayden đã so sánh vấn đề của Mỹ trong việc hiểu rõ Putin với các cuộc cách mạng Mùa xuân Ả Rập tại Ai Cập, Tunisia, Libya và các quốc gia trong thế giới Ả Rập, điều mà tình báo Mỹ cũng hoàn toàn “mù tịt”. Ông này cho rằng, “đó không phải là điều bí mật đến mức không thể tìm ra được. Nhưng cần phải có sự hiểu biết sâu rộng để nắm bắt vấn đề”.
Quân đội Nga tại Gruzia năm 2008
Ông Damon Wilson, Giám đốc bộ phận châu Âu của Hội đồng An ninh Quốc gia năm 2008, người điều hành chung về vấn đề khủng hoảng Gruzia tại Nhà Trắng dưới thời Tổng thống Bush, thừa nhận sự yếu kém trong việc phân tích những dấu hiệu trước khi Nga hành động ở Gruzia. Theo ông này, một trong những lí do quan trọng là việc Mỹ không hiểu rằng Putin không xem nước này là bạn hay đối tác.
“Năm 2008, chúng tôi nhận được nhiều cảnh báo về việc Nga sẽ kích động một cuộc đối đầu với Gruzia và cuối cùng là xâm lược nước này, nhưng chúng tôi vẫn không tin rằng họ sẽ thực sự làm như vậy”, Wilson nói.
Nhà phân tích này cho biết có 3 lí do khiến Mỹ bất ngờ trước hành động quân sự của Nga tại Gruzia năm 2008. Thứ nhất, đa số các phương tiện tình báo của chính phủ Mỹ khi đó (và hiện nay) vốn được sử dụng cho mục tiêu chống khủng bố và nhằm vào các quốc gia như Pakistan, Afghanistan hay Iran, chứ không phải nhằm vào Nga và những nước lân cận, những nước từng là thành viên của Liên bang Xô Viết cũ.
Cũng theo ông này, trong suốt 13 năm qua, chống khủng bố là ưu tiên số một của tình báo Mỹ. So với al-Qaeda, Nga đã là một đối thủ của quá khứ, việc do thám Moscow chỉ là ưu tiên số hai. Chắc chắn rằng các cơ quan tình báo Nga hiện vẫn đang là một trong số những tổ chức phức tạp nhất thế giới, và việc đối phó với họ vẫn là một trong những thử thách khó khăn nhất với Mỹ, song mức độ quan trọng đã không còn như trước. “Rõ ràng Nga hiện nay không phải là ưu tiên chính như Liên Xô trước đây. Khá nhiều nguồn lực tình báo đã được rút ra để tập trung vào hoạt động chống khủng bố và chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt”.
Thêm vào đó, Moscow luôn là một mục tiêu khó nhằn trong các hoạt động gián điệp và thu thập tin tình báo của Mỹ, mặc dù các nghị sĩ nước này có nhiều kênh để liên lạc với lãnh đạo các quốc gia thân phương Tây trong khối các nước láng giềng của Nga.
Nhưng vấn đề lớn nhất, theo ông Wilson, đó là việc Mỹ không hiểu rằng Putin không đánh giá lợi hại theo cách mà nước này tin rằng ông sẽ làm. Một nhà phân tích tình báo kỳ cựu trong quân đội Mỹ cho biết những đồng nghiệp trẻ của ông thường tin rằng “Putin sẽ không dám làm gì cả” trong cuộc khủng hoảng hiện nay, nhưng thực tế lại ngược lại.
Một đặc vụ Mỹ đã từng công tác nhiều năm tại Ukraine cho rằng: “Rất có thể, chỉ có vũ lực mới có thể giải quyết được vấn đề, ngay cả khi nhiều người cho rằng chỉ bà Samatha Power (Đại sứ Mỹ ở LHQ) là đủ khiến ông Putin nghĩ lại về quyết định đảm bảo lợi ích của người Nga” khi can thiệp quân sự vào Ukraine.
Ông John Schindler, cựu nhân viên phản gián của NSA, chuyên gia phân tích nước Nga, cho biết nhiều người trong cộng đồng tình báo Mỹ thích sử dụng mô hình “quyết định hợp lý” để xác nhận các quan điểm riêng của người Mỹ về cách mà các nhà lãnh đạo sẽ hành động. Tuy nhiên thực tế thường phức tạp hơn nhiều, và sự ‘hợp lý’ cũng chỉ mang tính tương đối.
“Có thể nói việc Putin dùng vũ lực theo cách này để đối phó với Crimea là không hợp lý. Điện Kremlin có thể kiểm soát Crimea theo những cách âm thầm và ít rủi ro hơn, nhưng họ lại chọn cách rủi ro nhất có thể về chính trị”.
Cũng theo ông Schindler, tình báo Mỹ đã gặp vấn đề này từ thời Chiến tranh Lạnh. Trong những năm 1950, họ quả quyết rằng Liên Xô đang chế tạo nhiều tên lửa đạn đạo liên lục địa hơn so với Mỹ, mặc dù điều này không chính xác. Giữa những năm 1980, nhà nghiên cứu chính trị Liên Xô Robert Gates, người sau này trở thành giám đốc CIA và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, cho rằng Mikhail Gorbachev cũng giống như mọi lãnh đạo Liên Xô trước đây. Nhưng thực tế thì ông này đã mở đường cho sự sụp đổ của Liên Xô.
Năm 1962, giám đốc trung tâm tình báo dưới thời Tổng thống Kennedy, John McCone, đã yêu cầu các chuyên gia phân tích CIA đánh giá xem liệu Liên Xô có đang triển khai tên lửa tại Cuba hay không. Các nhà phân tích cho rằng, mặc dù có một số bằng chứng xác nhận việc này, song việc đặt tên lửa ở Cuba là một việc rất thiếu sáng suốt, và do đó Liên Xô sẽ không làm như vậy. May mắn là ông McCone sau đó đã yêu cầu một bản phân tích khác, và qua đó xác định đúng là có việc Liên Xô đang triển khai tên lửa ở Cuba.
Gần đây hơn, trong sự kiện năm 2008, Mỹ chỉ có thể gửi viện trợ nhân đạo đến Gruzia bằng máy bay quân sự khi Nga đã can thiệp vào lãnh thổ nước này. Binh lính Nga vẫn ở lại đó cho đến ngày nay và Nga không chịu phải bất kì hậu quả đáng kể nào. Không lâu sau cuộc chiến đó là thời gian bầu cử ở Mỹ, và rồi một tổng thống mới, Obama, lên nắm quyền. Khi đó quan hệ Nga và Mỹ được tái khởi động và tập trung vào việc hợp tác giữa 2 nước hơn là xoáy sâu vào bất đồng ở Gruzia.
Theo Daily Beast, trong một khoảng thời gian nhất định, sự hợp tác này đã có kết quả. Hai nước đã ký hiệp định cắt giảm vũ khí hạt nhân vào 2010. Nga cũng dừng việc ép Mỹ phải ngừng sử dụng các sân bay quân sự ở Kyrgyzstan, vốn rất quan trọng cho cuộc chiến tại Afghanistan. Tuy nhiên, Nga vẫn quyết tâm thể hiện sức mạnh của mình tại Syria, và giờ là Ukraine.
Hôm 3/3, ngoại trưởng Mỹ John Kerry khẳng định rằng nước này đang cân nhắc nhiều biện pháp trừng phạt đối với hành động của Putin tại Crimea, ngoài việc tẩy chay hội nghị G8 tại Sochi. Khi được hỏi về chính sách “tái khởi động” giữa Mỹ và Nga, Kerry nhận định rằng đó đã là quá khứ: “Chúng ta đã bước vào một giai đoạn khác với Nga. Tuy nhiên, từ quan điểm của Putin, chúng ta đã bước vào giai đoạn này từ nhiều năm trước”.