Liên quan đến vật thể lạ nghi là ấn tín cổ của vua chúa thời phong kiến mà người dân phát hiện trước đó, đại diện Bảo tàng tỉnh Nghệ An cho biết đã về địa phương để cùng phòng Văn hóa huyện Nghi Lộc và chính quyền xã Nghi Lâm, huyện Nghi Lộc làm các thủ tục tiếp nhận cần thiết.
Buổi làm việc còn có sự chứng kiến của người dân xã Nghi Lâm; bà Nguyễn Thị Khương (47 tuổi) và bà Vương Thị Đông (59 tuổi) cùng trú tại xã Nghi Lâm, huyện Nghi Lộc – là hai người phát hiện vật thể này.
Vật nghi là ấn tín vua phong kiến được người dân Nghệ An phát hiện được. |
Cũng tại đây, theo ông Trần Mạnh Cường, cán bộ Thư viện tỉnh Nghệ An – người được mời đi giám định chữ viết trên hiện vật – cho biết: Trên vật thể lạ có hai dòng song ngữ Hán – Mãn. Dòng chữ Hán được viết bằng thể chữ triện là “Đại Thanh tự thiên tử bảo” (tạm dịch: Ấn truyền ngôi triều Đại Thanh) và dòng chữ “Cửu long kim tỷ” (tạm dịch: Ấn vàng chín rồng).
“Tuy nhiên, hiện chưa thể đánh giá vật thể này về giá trị lịch sử cũng như giá trị văn hóa qua những con chữ trên triện ấn này”, ông Cường giải thích.
“Dòng chữ trên triện ở mặt trước với nội dung “Cửu long kim tỷ” thì chữ “tỷ” này lại được viết theo dạng chữ của thời hiện đại. Thời cổ đại, phong kiến không ai viết chữ “tỷ” như vậy. Chữ “tỷ” khắc trên vật thể này là dạng chữ được viết từ năm 1956 trở đi”.
Theo ông Cường, nhiều đồ vật tương tự như thế này được rao bán rất nhiều trên một số trang mạng với giá vài trăm ngàn đồng: “Theo truyền thống, Ấn tín của vua thường được làm bằng vàng hoặc ngọc, những chất liệu vô cùng quý giá. Tuy nhiên, vật thể lạ này không được làm bằng hai chất liệu trên. Vì vậy, cần phải qua thẩm định của những nhà chuyên môn mới có thể đánh giá được giá trị lịch sử, giá trị văn hóa của đồ vật này”.
Rất nhiều ấn tín giả được rao bán trên mạng. |
Ngoài ra, mọi loại ấn liên quan tới vua và triều đình đều có dòng lạc khoản ghi các thông về thời điểm và nơi chế tạo. Trong khi chiếc ấn mới tìm thấy ở Nghệ An hoàn toàn không có dòng lạc khoản nào.
Sau khi được cơ quan chức năng giải thích, người dân đã đồng ý bàn giao lại vật thể lạ này cho Bảo tàng tỉnh Nghệ An. Đơn vị này có trách nhiệm bảo quản vật thể, đồng thời giám định xác minh nguồn gốc, giá trị lịch sử, giá trị văn hóa của vật thể.
Trước đó, vào ngày 26/11, bà Nguyễn Thị Khương và bà Nguyễn Thị Đông (đều trú ở xóm 4, xã Nghi Lâm) rủ nhau vào đồi Khe Gỗ (xóm 5, xã Nghi Lâm) hái rau má.
Tại đây, cả 2 bà đã phát hiện một vật kim loại. Thấy vật lạ, bà Khương cầm lên đem ra khe rửa sạch thì phát hiện trên đó có khắc hình con rồng. Vì vậy, bà đã đưa về cho cả nhà tìm hiểu. Qua quan sát, vật thể lạ này được làm bằng kim loại, màu đen, vàng. Bao quanh có 9 đầu rồng, nặng khoảng 1,6 kg, mặt trước và mặt dưới có dòng chữ Hán.
Biết tin gia đình bà Khương phát hiện vật thể nghi ấn vua, rất đông người dân địa phương tập trung đến để chiêm ngưỡng và xin được chạm vào ấn Vua đề cầu may. Sau khi bàn giao cho chính quyền xã Nghi Lâm, lực lượng chức năng cũng đã phải bỏ vào két sắt và cắt cử công an canh giữ 24/24 để đảm bảo an toàn.
Tuy nhiên, theo nhiều người hiểu biết về đồ cổ thì chiếc ấn này rất giống với một dạng ấn được dùng với mục đích cầu tài lộc, trấn yểm phong thủy và chỉ mới xuất hiện không quá 30 năm trở lại đây.
Việc người dân vô tình đào được ấn tín của vua tại Nghệ An cũng đã khiến nhiều người nghi ngờ. Rất nhiều người nhận định, đây là “hàng nhái” được ai đó chôn dưới đất với mục đích huyền bí hóa cổ vật, bởi vật được phát hiện dưới đất sẽ có giá trị hơn, nhưng bất ngờ bị hai người dân đi hái rau má phát hiện được.
Anh Ngọc
Xem thêm video: