Formosa xả thải

Từ vụ Formosa Hà Tĩnh: Làm thế nào vừa thu hút đầu tư mà không tàn phá môi trường?

Sau thảm họa môi trường từ vụ Formosa Hà Tĩnh, dư luận đặt câu hỏi làm thế nào để thu hút đầu tư để phát triển nhưng không tàn phá môi trường.

Tính hiệu lực nằm dưới luật đấu thầu…

Liên quan đến sự cố thảm hoạt môi trường tại miền Trung liên quan đến nhà máy Công ty TNHH Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh, PV Pháp luật Plus đã có cuộc trao đổi với PGS-TS Nguyễn Ái Việt – Viện trưởng viện Công nghệ Thông tin, Đại học Quốc gia Hà Nội về vấn đề này.

– Thưa ông, việc bảo vệ môi trường là rất khẩn thiết, đặc biệt là sau thảm họa “Formosa Hà Tĩnh”, với tư cách là nhà khoa học, ông đánh giá thế nào về vấn đề tiêu chuẩn và chất lượng công nghệ để “đảm bảo an toàn” cho môi trường?

+ Vấn đề bảo vệ môi trường trong thời điểm hiện nay không chỉ đối với những quốc gia đang phát triển mà làmột vấn đề lớn của toàn cầu. Kinh nghiệm phát triển nhanh của Trung quốc cho thấy việc bảo vệ môi trường không đơn giản chỉ là nhận thức và ý chí chủ quan.

Việc đầu tư vào các công nghệ thân thiện với môi trường thì chi phí rất đắt. Các văn bản pháp quy, tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy phạm về công nghệ đều chưa đầy đủ, tính hiệu lực đều dưới luật đấu thầu, luật đầu tư và các quy định về tài chính. Ở nhiều nước, việc đưa ra một hồ sơ yêu cầu khá tốn kém ngay cả khi người ta biết trước các rủi ro và hiểm họa.

Mặt khác, phát triển không những là một mục tiêu mà còn là quyền lợi đối với một nước đang cố gắng thoát khỏi đói nghèo như nước ta. Tôi đồng ý cần phải xem xét kỹ các dự án đầu tư, đặc biệt là của nước ngoài để không phá hủy môi trường như việc cá chết vừa rồi. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên dư luận xã hội nhận thức được một vấn đề mà các nhà khoa học đã nói rất nhiều và rất lâu.

Đó là một cơ hội tốt để đẩy nhận thức xã hội về môi trường lên một tầm cao mới. Có hiểu biết mới tránh được các vấn đề trước khi nó thành việc đã rồi. Đặc biệt cảnh báo sớm của các nhà khoa học sẽ không còn bị đơn độc như trước.

Hiểu biết vững vàng thì cũng không quá cực đoan, vì chúng ta cũng cần phát triển. Tôi hy vọng các nhà quản lý sẽ không biến môi trường thành một lý do hành chính để gây khó khăn cho sự phát triển chính đáng.

Hình ảnh cá chết trắng tại miền Trung. (Ảnh minh họa).
Hình ảnh cá chết trắng tại miền Trung. (Ảnh minh họa).

– Thực tế hiện nay, vì chiến lược phát triển, nhiều nhà đầu tư, cơ quan quản lý, địa phương bỏ qua sự tác động môi trường, gây ảnh hưởng môi trường nghiêm trọng,  ông đưa ra cảnh báo gì trong thời khắc “nước sôi lửa bỏng” hiện nay?

+ Thực ra, vấn đề vẫn là nhận thức chung của xã hội. Các dự án đầu tư đều có phần đánh giá tác động môi trường bắt buộc. Quy trình đầu tư cũng phải có đánh giá tác động môi trường. Tuy nhiên, do không có hướng dẫn và quy định cụ thể, các dự án công nghệ sạch cũng phải làm luận chứng tương tự như các dự án sản xuất công nghiệp có tác động môi trường. Làm những việc hình thức qua quýt lâu ngày làm người ta “chai sạn” với vấn đề môi trường.

Tóm lại, trong nhiều trường hợp chúng ta quá chặt chẽ và biến các thủ tục hành chính hình thức thành rào cản phát triển, và chính điều đó tạo ra điều kiện cho việc lơ là khi cần thiết. Cũng không thể đòi hỏi các cấp phải có hiểu biết chính xác và sâu sắc trong một sớm một chiều. Tôi nghĩ cách tốt nhất vẫn là minh bạch hóa mọi việc để công luận và những người chịu trách nhiệm chuyên môn có thể có ý kiến kịp thời.

Cố nhiên quyền quyết định và trách nhiệm cuối cùng vẫn ở các nhà quản lý đầu tư. Đừng để quy trình hình thức cũng đừng để các hội đồng hình thức chịu trách nhiệm trong khi các nhà chuyên môn thực sự không có mặt trong hội đồng đánh giá không có một trọng lượng nào. Danh tính và ý kiến của các nhà chuyên môn cũng cần công khai, kể cả bảo vệ môi trường hoặc bảo vệ sự phát triển cũng phải được công luận đánh giá.

Cần minh bạch và công khai

PGS-TS Nguyễn Ái Việt (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
PGS-TS Nguyễn Ái Việt (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

– Theo tìm hiểu của phóng viên được biết Sinhgapore đã trả lại Trung Quốc 26 đầu tầu, vì không đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, ở Việt Nam chưa có sự kiện tương tự. Ông  có bình luận gì về sự việc này?

+ Trung Quốc có một quá trình phát triển diệu kỳ trong nhiều thập kỷ vừa qua. Tuy nhiên, sự phát triển đó có cái giá của nó. Với ưu thế thị trường lớn, hàng Trung Quốc thường rất rẻ nên rất dễ thắng thầu, khi yếu tố chất lượng không được đánh giá thích đáng. Tuy nhiên, điều đó có thể xảy ra với các mặt hàng khác của các nước khác.

Vấn đề vẫn là của chủ đầu tư chứ không phải do nhà cung cấp, ham rẻ, thiếu hiểu biết công nghệ, đầu vào đã kém, khâu kiểm tra, kiểm soát, nghiệm thu, theo dõi thường xuyên cũng có vấn đề về tính trung thực, liêm chính và minh bạch là những bệnh mà một quốc gia phát triển, giàu có như Singapore cũng mắc phải, thì tôi tin rằng những trường hợp hàng chất lượng kém lọt lưới vào Việt Nam không phải là ít.

Tuy không thể một sớm một chiều khắc phục được những căn bệnh nói trên, nhưng tôi nghĩ rằng, chúng ta phải rất chú ý tới việc này. Nếu mọi việc đều minh bạch và công khai như Singapore, tôi nghĩ các vụ việc tương tự sẽ dần dần ít đi.

Làm thế nào để chúng ta phát triển kinh tế, thu hút đầu tư, nhưng không phá hủy môi trường? Nếu mọi thứ đều minh bạch và công khai, đó là câu trả lời đầy đủ nhất. Ông Việt nhấn mạnh.

Xin cảm ơn ông!

Lương Liễu

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP