Giáo dục - Đào tạo

Từ vụ 600 trẻ thất học: Mô hình sáp nhập trường nào được lòng dân?

Huyện Hương Sơn có 3 xã miền núi, khi sáp nhập trường, chính quyền và các cơ quan chuyên môn đã sáp nhập tiểu học và THCS thành một điểm trường, đỡ vất vả cho các em phải đi học xa, thay vì tách trường sang địa phương khác. Đây là mô hình có thể áp dụng được ở xã Hương Bình.

Trong khi hơn 600 học sinh ở xã Hương Bình (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) vẫn chưa được đi học vì các tranh cãi về dồn trường, thì cũng ở tỉnh này, huyện Hương Sơn – nơi có địa hình tương tự – việc sáp nhập trường rất được lòng phụ huynh và học sinh vì có mô hình hợp lý.

Đỡ vất vả cho học sinh

3 xã Sơn Hồng, Sơn Lĩnh và Sơn Lễ (huyện Hương Sơn) thực hiện việc sáp nhập trường giữa năm 2014. Thầy giáo Trần Thăng Long – Hiệu phó Trường Tiểu học và THCS Sơn Lễ cho biết: “Thực hiện đề án sáp nhập trường, đầu năm học 2014-2015 Trường Tiểu học và THCS Sơn Lễ nhập lại. Sau khi sáp nhập, trường có 415 học sinh và 18 lớp học, đội ngũ giáo viên 40 người. Trong đó số học sinh hệ tiểu học 214 em và THCS 201 em”.

Cũng theo thầy Long, để đi đến việc sáp nhập 2 trường tiểu học và THCS lại làm một là cả một chặng đường. Lúc đầu chủ trương là sáp nhập Trường THCS Sơn Lễ về Trường THCS Sơn Tiến, mặc dù 2 trường này cách nhau khoảng 4km nhưng đây là vùng núi người dân ở rải rác, nếu sáp nhập về Sơn Tiến có nhiều em phải đi học xa tới 10km, quá vất vả cho các em. Sau khi Ban chỉ đạo của huyện, xã và trường về khảo sát, gặp gỡ và trao đổi với phụ huynh, thấy những bất lợi cho học sinh nên quyết định nhập Trường tiểu học và THCS Sơn Lễ.

Việc sáp nhập Trường Tiểu học và THCS Sơn Lễ rất được người dân đồng thuận.    Hữu Anh

Còn cô giáo Nguyễn Linh Nhâm – Hiệu phó Trường Tiểu học và THCS Sơn Lễ nói: “Khi sáp nhập trường tiểu học và THCS làm một, Ban giám hiệu nhà trường vất vả hơn trong việc bố trí giờ dạy, lên lịch khóa biểu và quản lý học sinh vì tiết học, buổi học và ngày học của học sinh hai cấp khác nhau. Nhưng cái được lớn nhất ở đây là đỡ vất vả cho các em. Vì vậy việc sáp nhập trường ở đây rất được phụ huynh đồng tình”. Không chỉ ở Sơn Lễ mà tại hai xã Sơn Lĩnh và Sơn Hồng việc sáp nhập trường tiểu học và THCS cũng rất được người dân ủng hộ.

Chất lượng dạy và học không giảm

Ông Lê Đức Hùng – Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn cho biết: “Thực hiện lộ trình sáp nhập trường, huyện đã thành lập Ban chỉ đạo từ huyện tới xã phối hợp nhà trường xuống tận nhà phụ huynh khảo sát”.

Thực tế tại 3 xã gồm Sơn Lễ, Sơn Lĩnh và Sơn Hồng, việc đi lại quá xa của học sinh nếu tách trường sang xã khác học. Vì vậy huyện và phòng giáo dục đã quyết định nhập trường tiểu học và THCS trong xã, đây là mô hình mới ở huyện Hương Sơn. Qua khảo sát, đến nay sau 3 tháng vào học, 3 trường trên hoạt động rất tốt, chất lượng dạy và học không giảm sút, chỉ có Ban giám hiệu nhà trường vất vả hơn trong việc phân chia thời khóa biểu và điều tiết giờ dạy.

Ông Hùng cho biết thêm: “Việc sáp nhập này đáp ứng đề án sáp nhập trường của tỉnh. Sau khi sáp nhập hệ thống trường lớp quy mô lớn hơn, đội ngũ cán bộ, nhân viên hành chính giảm bớt, có điều kiện đầu tư cơ sở vật chất tập trung hơn. Cụ thể, trước đây phòng tin học hay phòng thư viện 2 trường có 2 phòng, giờ chỉ có 1 phòng…”. Thầy Trần Thăng Long cho biết: “Dù trường tiểu học và THCS Sơn Lễ mới sáp nhập được 3 tháng nhưng kết quả thi đầu năm cho thấy chất lượng học sinh đi lên, đặc biệt trong kỳ thi học sinh giỏi huyện vừa rồi nhà trường có 2 em đạt giải cao”.

Còn thầy Nguyễn Thế Toàn – Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Sơn Hồng cho hay: “Việc sáp nhập trường tiểu học và THCS của xã lại làm một rất được người dân đồng tình, vì không phải tách trường sang xã khác khiến con em phải đi học xa.

Một điểm rất quan trọng nữa là không phải tách trường sang xã khác nên người dân rất hăng hái khi đóng góp xây dựng trường trên quê hương mình. Riêng tại Trường Tiểu học và THCS Sơn Hồng, sau khi sáp nhập, ngoài vốn nhà nước đầu tư thì người dân hăng hái đóng góp một phần xây dựng trường quy mô khang trang hơn”.

  Chị Trần Thị Tâm ở xóm Thọ Lộc, xã Sơn Lễ cho biết: “Tôi có 2 con, một đứa học lớp 8, một đứa học lớp 4. Rất may là 2 trường sáp nhập lại một không phải tách sang xã khác nên các con đi học gần, đỡ vất vả mà lại thuận lợi đủ đường. Hôm nay mưa gió tôi mới đi đón con học lớp 4, chứ bình thường 2 chị em chở nhau đi học vì cùng chung một trường”.

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP