Các sản phẩm nông cụ do làng nghề sản suất được người tiêu dùng khắp nơi tin cậy lựa chọn. Tuy nhiên, trong cơ chế thị trường, việc tìm lối đi bền vững cho làng nghề vẫn đang là bài toán chưa có đáp số.
Bền bỉ giữ nghề
Mới tới đầu làng đã nghe tiếng búa máy đập chan chát, tiếng giũa mài nông cụ xoèn xoẹt… các lò rèn ở đây gần như đỏ lửa suốt ngày đêm. Đến thăm những lò rèn, ấn tượng đầu tiên với chúng tôi là những người thợ có thân hình rắn rỏi, khỏe mạnh, đôi tay thoăn thoắt, quai búa đều và nhịp nhàng như múa. Mồ hôi nhễ nhại lăn dài trên khuôn mặt đỏ ửng của các bác, các anh. Để làm ra một sản phẩm, người thợ rèn phải trải qua rất nhiều công đoạn, từ cắt sắt tạo hình, nung, đập, nhúng nước, rồi lại nung, đập cho tới khi định hình, hoàn thiện sản phẩm… Và dường như những công đoạn ấy đã “ngấm vào máu” nên chẳng ai bảo ai mà vẫn làm thoăn thoắt. Lau vội những giọt mồ hôi trên trán, anh Kiều Đình Sơn, một chủ lò rèn kể: “Thường thì các lò rèn có từ 2 – 3 người làm và phần lớn là họ hàng, anh em, chú bác với nhau. Nghề rèn cần sự bền bỉ, kiên trì và tỉ mỉ. Có nhiều người chỉ “trụ” được một thời gian đã phải bỏ cuộc…”.
Nghề rèn truyền thống của Trung Lương đòi hỏi sự tài hoa, khéo léo của đôi bàn tay con người. Cao hơn nữa là sự kiên trì và sáng tạo của người thợ rèn để có thể cho ra lò những sản phẩm tinh xảo vừa có giá trị sử dụng vừa thể hiện bản sắc văn hóa truyền thống độc đáo riêng của làng nghề đó. Ông Nguyễn Duy Đăng – Chủ tịch UBND xã cho biết: Hiện nay, toàn xã có gần 350 lò rèn, 3 lò đúc, GQVL cho hơn 1.000 lao động. Đó là chưa tính đến những người phục vụ cho nghề rèn và tiêu thụ sản phẩm rèn. Hiện tại, hơn 60% gia đình ở Trung Lương liên quan đến nghề rèn.
Những điều trăn trở…
Một thực tế là nghề rèn Trung Lương nức tiếng với sản phẩm chất lượng tốt nhưng đến nay, cuộc sống của người làm nghề vẫn chỉ đủ ăn, chưa thể vươn lên làm giàu… Do sản phẩm chính vẫn là nông cụ, quy mô sản xuất hộ nhỏ lẻ, làm theo đơn đặt hàng từ các mối buôn nên nhiều khi bị ép giá. Trừ một số hô, các nghệ nhân sản xuất những sản phẩm chất lượng cao, phần lớn các hộ trong làng vẫn quanh quẩn với các sản phẩm bình dân, mẫu mã, hình thức còn hạn chế, thiếu tính cạnh tranh nên chưa thâm nhập được vào thị trường hàng gia dụng cao cấp. Ông Kiều Đình Tiệm – một chủ lò rèn cho biết: “Muốn tiếp cận thị trường thì phải thay đổi mẫu mã sản phẩm, xây dựng các mô hình hợp tác sản xuất lúc đó cơ may nghề rèn mới phát triển nhanh được”.
Đã có một thời, các làng nghề rèn ở Trung Luơng chao đảo trước sự xuất hiện ồ ạt của các loại dao, kéo nhập từ Trung Quốc, Thái Lan với mẫu mã đẹp, màu trắng sáng, giá rẻ hơn. Nhưng nhờ chất lượng tốt, sản phẩm của Trung Lương đã lấy lại được thị trường. “Chúng tôi chỉ làm những nông cụ giản đơn như liềm, quắm hay dao… Còn những sản phẩm khách hàng yêu cầu cao hơn về mẫu mã, chất lượng thì rất khó vì chúng tôi chủ yếu sản xuất bằng thủ công. Vẫn biết nếu không cải tiến được mẫu mã, chất lượng sẽ khó cạnh tranh nhưng đến nay, các lò rèn trong xã vẫn chưa được đổi mới. Ngay tôi đây đã hơn 20 năm làm nghề cũng chỉ quanh quẩn với mấy cái liềm, cái dao” – anh Kiều Đình Sơn cho biết.
Thị trường tiêu thụ không ổn định là nỗi trăn trở lớn của người làm nghề. Sản phẩm chủ yếu là nông cụ nên nghề rèn cũng theo mùa vụ. Vào mùa, lượng tiêu thụ tăng, nhưng hết mùa vụ, lượng tiêu thụ giảm, người làm nghề chỉ làm cầm chừng. Một vấn đề nữa là nghề rèn ở Trung Lương chủ yếu tồn tại theo kiểu “cha truyền con nối”, chưa có chiến lược duy trì, phát triển nên đang dần mai một. Những thợ rèn tay nghề cao mất đi, trong khi giới trẻ lại không còn nhiều người mặn mà với nghề. Hiện người thợ rèn ít tuổi nhất ở Trung Lương cũng đã xấp xỉ 40, còn gọi là thợ bậc cao thì hầu như đều đã ngoài 50, 60 tuổi… Bên cạnh đó, nhà xưởng sản xuất của các hộ dân chủ yếu nằm trong vùng dân cư sinh sống, bởi vậy, ô nhiễm mỗi trường và và vệ sinh an toàn lao động cũng đang đặt ra những thách thức không nhỏ cho nghề rèn Trung Lương trong những năm gần đây. Với nhiều khó khăn, trăn trở đang đè nặng, nghề rèn truyền thống Trung Lương đang cần sự định hướng, hỗ trợ lớn hơn của các cấp chính quyền, ban, ngành liên quan để phát triển ổn định, bền vững.
Loan Nguyễn – Kiều Diễm
Báo Hà Tĩnh