Trung Quốc

TQ leo thang ở biển Đông, đối đầu Nhật ở Senkaku/Điếu Ngư

Trung Quốc tiếp tục xây dựng trái phép các dự án trọng điểm tại đảo Phú Lâm, Hoàng Sa; Thủ tướng Shinzo Abe trở lại và tỏ rõ sự cứng rắn trong vấn đề biển đảo với Trung Quốc… là tin tức thời sự chính ngày 17/12.


Giới truyền thông Trung Quốc ngày 17/12 dẫn nguồn tin Tân Hoa Xã cho hay, hôm 15/12 chính quyền của cái gọi là “thành phố Tam Sa” và Tập đoàn Dầu khí Trung Quốc chi nhánh Hải Nam vừa ký hiệp định khung hợp tác về việc cung cấp xăng dầu thành phẩm cho lực lượng Trung Quốc đồn trú trái phép ngoài quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam).

Một quan chức của cái gọi là thành phố Tam Sa nói với Tân Hoa Xã, hiện tại các dự án (trái phép) xây dựng trọng điểm tại đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa đang được triển khai liên tục nên việc cung cấp xăng dầu thành phẩm trở thành vấn đề sống còn, lĩnh vực trọng điểm trong kế hoạch xây dựng thành phố Tam Sa.

Trong khi đó, theo kết quả tổng tuyển cử ngày 16/12 tại Nhật vừa được công bố, đảng Dân chủ tự do đã chiến thắng lớn, đưa ông Shinzo Abe trở lại ghế Thủ tướng. Ngay trong phát biểu đầu tiên ông Abe tỏ rõ sự cứng rắn trong vấn đề biển đảo với Trung Quốc.

“Trung Quốc đang thách thực thực tế rằng những quần đảo đó là lãnh thổ vốn có của Nhật Bản. Mục tiêu của chúng tôi là ngăn chặn sự thách thức đó. Chúng tôi không có ý định làm xấu đi quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc” Thủ tướng Shinzo Abe phát biểu.

Phản ứng trước thông tin ông Shinzo Abe trở lại ghế Thủ tướng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hua Chunying cho biết “Chúng tôi lo ngại cao độ mà hướng đi Nhật Bản sẽ chọn”.

Cũng trong ngày 16/12, hãng thông tấn Kyodo Nhật Bản đưa tin, Cảnh sát biển Nhật Bản cho hay vào lúc 7 giờ 40 phút sáng ngày 16/12, tàu Ngư chính Trung Quốc số hiệu 206 lại bất ngờ tìm cách đột nhập vùng biển 12 hải lý xung quanh nhóm đảo Senkaku.

Cảnh sát biển Nhật Bản đã ngăn chặn và yêu cầu tàu này rời khỏi vùng biển Nhật Bản, sau 50 phút lượn lờ vòng quanh khu vực này, cuối cùng tàu Ngư chính 206 cũng rời khỏi Senkaku. Tuy nhiên chiếc tàu Trung Quốc vẫn cố bắc loa kêu gọi Cảnh sát biển Nhật Bản “hãy rời khỏi vùng biển chủ quyền của Trung Quốc”.

Mạng tin Sankei của Nhật Bản cũng dẫn nguồn tin đăng trên báo Thanh niên Bắc Kinh cho biết Cục Hải dương Quốc gia Trung Quốc đã quyết định tăng cường năng lực tuần tra vùng trời trên biển Hoa Đông với kế hoạch trang bị các loại máy bay có tầm hoạt động trên 4.500 km từ nay đến năm 2015.

Tờ báo nhấn mạnh Cục Hải dương Quốc gia Trung Quốc đang bắt tay vào việc phát triển các máy bay tuần tra tầm trung và xa. Tờ báo dẫn lời một quan chức cơ quan này xác nhận hiện Cục Hải dương Quốc gia Trung Quốc đang sở hữu 6 phi cơ và 4 trực thăng phục vụ cho các hoạt động tuần tra biển.

Cũng liên quan đến Senkaku/Điếu Ngư, Mỹ đã thể hiện sự kiên định về chính sách của mình: ““Tránh những hành động gây căng thẳng và ngăn chặn việc tính toán sai có thể làm xói mòn hòa bình, an ninh và tăng trưởng kinh tế trong khu vực là điều rất quan trọng. Chính sách và những cam kết của Mỹ liên quan đến quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là kiên định và không thay đổi” – AFP dẫn lời người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ Patrick Ventrell.

Trên mặt trận Syria, ngày 16/12 các nhà hoạt động đối lập Syria cho biết, máy bay của chính phủ đã oanh kích một trại tị nạn người Palestine trong khu ngoại ô nằm về hướng nam thủ đô Damascus, giết chết ít nhất 8 người.

Trong khi đó, một nhật báo của Lebanon trích lời Phó Tổng thống Syria Farouk al-Sharaa cho hay, cả phe nổi dậy lẫn chính phủ đều không thể thắng trong cuộc xung đột quân sự. Ông Sharaa cũng khẳng định tình hình Syria đang trở nên tồi tệ và việc thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc là cần thiết để chấm dứt xung đột. (Theo GDVN, VNE, Dân Trí)

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP