Thượng tá Trần Hồng Phú, Phó cục trưởng C72 - Tổng cục Cảnh sát (Ảnh: Thế Kha). |
Bên lề cuộc họp báo của Bộ Công an sáng 7/11, trao đổi với PV Dân trí, Thượng tá Trần Hồng Phú - Phó cục trưởng Cục Cảnh sát đăng ký quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư (C72 – Tổng cục Cảnh sát) khẳng định, việc cấp hộ khẩu cho người dân vẫn diễn ra bình thường.
“Công tác quản lý Nhà nước về cư trú, cấp chứng minh nhân dân - căn cước công dân là rất quan trọng, nếu bảo bỏ thì không thể nào bỏ được. Khi Bộ Công an xây dựng xong Cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia, các ngành làm xong cơ sở dữ liệu chuyên ngành của mình thì kết nối với nhau, người dân sử dụng mã số công dân trên thẻ căn cước thì khi đó bản thân cơ quan Nhà nước không cần, công dân cũng không cần quyển sổ hộ khẩu nữa thì sẽ bỏ thôi.
Tức là quyển sổ hộ khẩu giấy có thể bỏ, nhưng công tác quản lý dân cư và cấp chứng minh nhân dân - căn cước công dân vẫn làm bình thường. Kể cả không cấp sổ hộ khẩu giấy nữa thì công an vẫn thu thập thông tin, đưa về hệ thống và quản lý”- ông Phú nói.
Ông Phú khẳng định, trong khoảng thời gian từ nay đến năm 2019-2020, tất cả thủ tục hành chính liên quan đến sổ hộ khẩu hay chứng minh thư nhân dân vẫn tiến hành bình thường như cũ. Ngay trong Nghị quyết 112 của Chính phủ đã chỉ đạo các bộ ngành phải tự rà soát các thủ tục hành chính liên quan đến sổ hộ khẩu để đơn giản hóa thủ tục.
Nghiêm cấm lạm dụng yêu cầu xuất trình sổ hộ khẩu
- Sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 112, Bộ Công an có rà soát, đánh giá lại việc nhiều cơ quan nhà nước lạm dụng việc yêu cầu người dân phải có/ xuất trình sổ hộ khẩu hiện nay?
- Qua theo dõi thông tin phản hồi của người dân trên các báo điện tử tôi thấy có 2 chiều hướng: Công dân sợ phiền hà, nhưng công dân sợ bị ảnh hưởng tới quyền lợi của mình lại chiếm phần đa. Bản thân sổ hộ khẩu chỉ để quản lý nơi cư trú của công dân. Công an cấp ra sổ đó chỉ để xác định nơi cư trú, còn các ngành đang dựa vào đó thực hiện thủ tục hành chính của mình, nên Luật Cư trú và Nghị quyết của Chính phủ đã nghiêm cấm lạm dụng sổ hộ khẩu để hạn chế quyền của công dân.
Các ngành có công tác quản lý, phải dựa vào chứng minh nhân dân và sổ hộ khẩu là đúng và phù hợp, nhưng nếu lạm dụng để ngăn cấm công dân thì vi phạm. Các ngành phải tự sửa chứ bản thân sổ hộ khẩu không có lỗi gì cả.
- Lộ trình thu thập 15 trường thông tin cơ bản của công dân để xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ được Bộ Công an triển khai như thế nào, thưa ông?
- Dự kiến ngày 14/11 tới Bộ Công an sẽ tổ chức hội nghị toàn quốc, sau đó sẽ tổ chức tập huấn ở các địa phương về nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ thu thập thông tin. Tiếp đó sẽ tiến hành phát phiếu cho các địa phương để Công an phường, xã, thị trấn phát đến từng hộ gia đình, để người ta kê kai, ký xác nhận. Sau đó công an đối chiếu xác minh, xác thực rồi tiến hành nhập dữ liệu lên hệ thống.
- Đến nay cơ sở hạ tầng cho công an các địa phương đã được đầu tư như thế nào?
- Năm 2018 sẽ triển khai. Chính phủ giao cho Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) ứng vốn ra để thực hiện, triển khai hạ tầng, đường truyền, phần mềm. Có chủ trương của Chính phủ, có vốn thì triển khai hạ tầng nhanh thôi vì họ có hệ thống chi nhánh đến tận cấp xã, cấp huyện rồi.
Khi hoàn thiện Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ Công an mới nghiên cứu đề xuất xóa bỏ sổ hộ khẩu bằng giấy. |
Đảm bảo an toàn thông tin, không ảnh hưởng bí mật đời tư
- Một vấn đề đang được đặt ra hiện nay là Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư có đủ mạnh để chống lại sự tấn công của tin tặc và đảm bảo bí mật về thông tin cá nhân của công dân?
- Chắc là đủ vì trong dự án có quy định về vấn đề bảo mật thông tin và vấn đề đó được đặt lên hàng đầu. Luật Căn cước công dân cũng quy định thu thập thông tin công dân nhưng phải đảm bảo bí mật cá nhân, bí mật gia đình, an ninh an toàn về thông tin.
Bộ Công an, hay Tập đoàn Viettel và các đơn vị chức năng phải cùng tham gia để đảm bảo an ninh an toàn thông tin, vì đây là tài sản quốc gia, được tập trung để bảo vệ, tránh sự truy cập, khai thác thông tin trái phép. Việc chia sẻ, khai thác phải đảm bảo không làm ảnh hưởng bí mật cá nhân, bí mật đời tư.
- Nguồn kinh phí để xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là bao nhiêu?
- Kinh phí của dự án này khoảng hơn 3.000 tỷ, thực hiện bằng ngân sách nhà nước. Quốc hội, Chính phủ sẽ ưu tiên kinh phí triển khai. Nhưng vấn đề là hiện nay dự án này chưa được đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn nên vướng vào vấn đề bố trí vốn. Hiện Chính phủ giao Bộ Công an ứng tiền thực hiện trước một số dịch vụ trong năm nay, đầu năm tới Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội bổ sung dự án này vào, sau khi có kế hoạch sẽ giao Viettel ứng vốn thực hiện dự án, rồi ngân sách sẽ hoàn trả theo kế hoạch vốn được phê duyệt.
Hệ thống kỹ thuật sẽ được đầu tư từ Trung ương đến cấp tỉnh, huyện đến hơn 11.000 xã phường thị trấn; đầu tư đường truyền đến cấp xã luôn, cùng nhiều hệ thống phần mềm, quản trị, đào tạo cho hệ thống nhân lực khổng lồ. Có rất nhiều hạng mục đầu tư.
Bộ Công an sẽ huy động toàn bộ lực lượng quản lý hành chính đang trực tiếp thực hiện công tác đăng ký quản lý cư trú, cấp chứng minh nhân dân để thu thập thông tin từ Trung ương đến cảnh sát khu vực, công an xã. Lực lượng này sẽ là những người tổ chức phát phiếu, hướng dẫn kê khai, thu phiếu và xác thực.
Chính phủ cũng chỉ đạo các bộ ngành, địa phương phối hợp với Bộ Công an tổ chức triển khai, vì đây là hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung chứ không phải có sở dữ liệu riêng của Bộ Công an.
Bộ Công an đã tổ chức khảo sát, đánh giá thực trạng của từng vùng miền, từ thành phố, miền núi đến biên giới hải đảo và đã đánh giá thực trạng về hạ tầng công nghệ thông tin, sổ sách biểu mẫu đang quản lý, rồi trình độ cán bộ. Chúng tôi cũng đã xây dựng nhiều phương án thu thập dữ liệu, hướng dẫn các địa phương để trên cơ sở đó địa phương căn cứ tình hình thực tế có phương án triển khai hiệu quả nhất.
- Đến năm 2020 khi triển khai cấp căn cước công dân trên cả nước thì chứng minh nhân dân vẫn có hiệu lực?
- Hiện tại việc cấp căn cước công dân mới triển khai trên 16 tỉnh, thành phố, còn lại 47 địa phương đang triển khai cấp chứng minh nhân dân cũ 9 số, khi có yêu cầu cấp mới, cấp đổi thì vẫn cấp như bình thường.
Kể cả đến năm 2020 khi có thẻ căn cước công dân rồi thì chứng minh nhân dân vẫn có hiệu lực, vì theo quy định của pháp luật thì chứng minh nhân dân có giá trị sử dụng 15 năm. Nếu người dân không có nhu cầu đổi thì được sử dụng chứng minh nhân dân tới khi hết thời hạn mới phải đi làm thủ tục đổi sang thẻ căn cước.
- Xin cảm ơn ông!
Tác giả: Thế Kha (thực hiện)
Nguồn tin: Báo Dân trí