Gian nan hành trình “lột xác”Tỉnh lộ 17 – con đường độc đạo dẫn chúng tôi về với bản Rào Tre thuộc xã Hương Liên huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh vào một ngày cuối Đông giá rét. Không hẹn mà gặp, khi chúng tôi đến cũng là lúc cấp uỷ, chính quyền xã Hương Liên đang cùng Tổ công tác bộ đội Biên phòng Đồn 575 tổ chức cuộc họp giao ban định kỳ về công tác phối hợp giúp dân phát triển kinh tế và giữ gìn an ninh vùng biên. Ông Nguyễn Văn Đình – Bí thư Đảng uỷ xã và Đại uý Nguyễn Văn Thiên – Tổ trưởng Tổ công tác, những người đã trực tiếp phát hiện ra tộc người Chứt và có công đầu trong việc vận động và đưa họ về với nền văn minh hiện đại – kể cho chúng tôi nghe về hành trình “lột xác” đầy cam go của tộc người Mã Liềng một trong năm nhóm của cộng đồng dân tộc thiểu số người Chứt.
Vào những năm đầu thập kỷ 60 của thế kỷ trước, trong một chuyến băng rừng truy lùng thổ phỉ tại vùng rừng Cửa Bạ (giáp ranh giữa 2 tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình), bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh đã phát hiện ra sự tồn tại của một tộc người mà trên thân mình không hề mang quần áo, chỉ đóng khố bằng vỏ cây sui, cuộc sống du canh, du cư, săn bắt hái lượm. Đặc biệt hơn là họ không hề biết chữ, biết nói tiếng Kinh. Hễ thấy có người lạ là dắt díu nhau chạy trốn rồi mất hút giữa rừng già. Mãi đến năm 1967 trước nguy cơ tuyệt chủng, cấp uỷ, chính quyền huyện Hương Khê đã phối hợp với lực lượng vũ trang Hà Tĩnh đưa được 8 nhóm người với hơn 40 nhân khẩu về bản Giàng II thuộc xã Hương Vĩnh để sinh sống rồi khai tên, lập họ và bầu trưởng bản. Tuy nhiên một mặt do phong tục tập quán, thói quen du canh du cư mặt khác lại gặp mâu thuẫn với một số dân tộc bản địa nên đến năm 1976 phải đưa toàn bộ nhóm người Chứt về định cư ở bản Rào Tre cho đến ngày nay. Cũng theo đồng chí Bí thư Đảng uỷ xã, thời điểm đó dù đã bao lần tuyên truyền, vận động nhưng việc định cư của bà con hết sức khó khăn, mùa nắng thì dân bản rủ nhau vào rừng săn bắt, hái lượm, mùa mưa mới chịu quay về bản. Năm 1998 khi Nghị quyết của Đảng, Nhà nước ta về xây dựng, phát triển kinh tế xã hội khu vực biên giới được triển khai và đặc biệt từ tháng 6-2001, Tổ công tác bộ đội Biên phòng được thành lập chính là một cuộc cách mạng lớn đối với đồng bào người Chứt. Bởi từ đó người Chứt được những cán bộ, chiến sỹ mang quân hàm xanh ở Hà Tĩnh đùm bọc, cưu mang và lấy họ Hồ làm gốc khai sinh cho đến tận hôm nay.
Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh hướng dẫn bà con bản Rào Tre
trồng cây ăn quả, phát triển kinh tế.
Những đứa trẻ “cõng ước mơ” vượt núi Có lẽ khát vọng vượt núi Ka Đay đã ấp ủ từ lâu trong lòng người Chứt. Nhưng ngặt nỗi, chốn rừng sâu heo hút với những hủ tục lạc hậu, đói nghèo cứ vây chặt lấy bà con, dù có muốn thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn cũng không hề dễ. Với phương châm “mưa dầm thấm lâu” cán bộ, chiến sỹ biên phòng đã không quản ngại khó khăn, thường xuyên bám bản, bám làng nói cho dân hiểu, làm cho dân tin và biết khơi dậy sức mạnh từ quần chúng. Như để minh chứng cho những gì đã làm trong thời gian qua, ông Bí thư Đảng uỷ xã Hương Liên cùng Đại uý Thiên dẫn chúng tôi đi mục sở thị. Khoát tay hết chỉ hướng này lại quay sang hướng khác, Đại úy Thiên tự hào cho biết: Toàn bản Rào Tre hiện có 30 hộ dân với 118 nhân khẩu. Những năm qua được hưởng lợi từ các chương trình, dự án 134, 135 cùng các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước nên hiện nay phần lớn bà con dân bản đều có nhà ngói để ở, có điện sinh hoạt, có nước sạch để dùng, đường làng được nhựa hoá, Trạm y tế quân dân y được đầu tư nâng cấp. Nhân dân đã biết khai hoang, mở đất trồng thêm lúa, thêm ngô, chăn nuôi gia súc, gia cầm để cuộc sống đỡ phần vất vả. Nhờ sự nỗ lực hết mình từ nhiều phía nên đến nay gần 3 ha đất ruộng, đất màu đều được bà con người Chứt gieo cấy bằng những giống lúa, giống hoa màu có năng suất, chất lượng cao. Không những thế toàn bản cũng đã chăn nuôi 40 con trâu bò, hàng trăm con gà vịt, trồng mới được gần 20 ha keo lai, dó trầm và nhiều diện tích cây ăn quả khác.
Kinh tế phát triển đã giúp cái bụng của đồng bào thêm no, đêm ngủ càng thêm ấm áp… Chính những thành quả này đã tạo điều kiện tốt để bộ đội Biên phòng cùng cấp uỷ, chính quyền tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con xây dựng đời sống mới. Các lớp học xóa mù tại bản được triển khai, các chương trình dân số quốc gia được thực hiện đồng bộ, trẻ em trong độ tuổi đều được cắp sách đến trường. Đến nay phần lớn người Chứt đều đã biết chữ và nói tiếng Kinh khá lưu loát. Nổi bật trong số đó có 37 cháu hiện đang theo học từ lớp 1 đến lớp 9 tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú của huyện, 15 cháu theo học ở trường mầm non xã Hương Liên. Đặc biệt có 2 cháu là Hồ Thị Định Xuân và Hồ Văn Kham hiện đang là những sinh viên ưu tú tại Trường Đại học Văn hoá nghệ thuật quân đội. Em Hồ Xinh – học sinh đang theo học lớp 9, trường THCS nội trú huyện không dấu được sự ngượng ngùng khi thổ lộ mơ ước của mình cho tôi nghe: “Quê em còn nghèo lắm. Mấy hôm trước, chứng kiến cảnh người dân phải vật lộn với cơn lũ trong đói lả và bệnh tật mà không giúp được nhiều em thương lắm. Em mơ ước, mai này mình sẽ trở thành một bác sĩ giỏi để có thể giúp người dân quê mình…”
Đồng bào dân tộc Chứt và những nhạc cụ truyền thống.
Có thể khẳng định những cô bé, cậu bé hôm nay biết vượt rừng đến lớp đang là những hạt giống, những mầm xanh tương lai, những niềm hi vọng có thể giúp tộc người Chứt tiến gần với miền xuôi. Việc học hành, nuôi dưỡng ước mơ đã được quan tâm đúng mức, cuộc sống, sinh hoạt, ý thức giữ gìn vệ sinh được nâng lên nên những dịch bệnh như lao, sốt rét từng đeo đẳng, bám víu bà con một thời nay đã được hạn chế đến mức thấp nhất. Trong căn nhà ngói mới khang trang với khá đầy đủ tiện nghi sinh hoạt, tiếp chuyện cùng chúng tôi, bà Hồ Nam cho biết: Những năm qua được sự quan tâm, giúp đỡ của cấp trên nên trong vài năm trở lại đây bình quân mỗi năm gia đình bà thu hoạch được gần 7 tạ lúa, 5 tạ hoa màu, chuồng trại lúc nào cũng có từ 3 con trâu bò, 2 con lợn trở lên. Song có lẽ với bà Nam, niềm vui đó dường như được nhân lên khi hôm nay bản thân bà đã biết viết, biết đọc chữ Việt, các con, các cháu đều được đến trường và được hưởng lợi từ quỹ học bổng Vừ A Dính. Chưa hết, cầm tấm thẻ đảng viên đỏ chói trên tay, bà Nam tự hào khoe: “Năm 2010 miềng vinh dự được đi dự Đại hội đại biểu các dân tộc Việt Nam tại Hà Nội, được vào lăng viếng Bác và được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban dân tộc tặng Bằng khen vì đã có nhiều thành tích trong sự nghiệp phát triển các dân tộc”.
Rời gia đình bà Hồ Nam chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình đi thăm một số hộ dân trong bản. Sau hơn 10 năm làm trưởng bản nhưng có lẽ nguyên trưởng bản Hồ Kính vẫn không thể ngờ rằng bản làng mình đã đổi thay nhanh chóng đến vậy. Cuộc sống đi lên, dân bản có cơm ăn, áo mặc, biết viết cái chữ, biết nói tiếng Kinh, trẻ con được cắp sách đến trường. Nhâm nhi chén rượu, mắt rưng rưng nhìn về phía đỉnh Ka Đay, Hồ Kính cảm động: “Bao mùa rẫy qua đi, bao khó khăn nếm trải có được như ngày hôm nay dân bản mình biết ơn Đảng, ơn Bác Hồ, ơn bộ đội Biên phòng nhiều lắm!”
Nguyễn Chung
DDK