Tiếp tục đổi mới, sắp xếp lại bộ máy tổ chức theo hướng tinh gọn, hiệu quả, tỉnh Quảng Trị đặt ra mục tiêu đến năm 2021 giảm 58 phòng chuyên môn cấp tỉnh, huyện, 185 đơn vị sự nghiệp công lập, 1.786 biên chế; giảm từ 300 đến 400 thôn và 18 xã, thị trấn. Đến năm 2030, tỉnh này sẽ giảm 5.440 chỉ tiêu biên chế so với năm 2015.
Tỉnh Quảng Trị cũng là một trong những địa phương sớm triển khai các Nghị quyết của Trung ương về tinh giản biên chế.
Nhiều trường học ở Quảng Trị phải thực hiện sáp nhập để tinh gọn bộ máy. |
Ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị là một trong những ngành sớm triển khai việc sắp xếp lại bộ máy tổ chức theo hướng tinh gọn. Bà Lê Thị Hương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị cho biết, những năm tới phải giảm 107 trường học, năm học 2018-2019 sáp nhập để giảm 64 trường. Sau khi sáp nhập, ngành sẽ tính toán, bố trí lại đội ngũ cán bộ quản lý.
Đây là áp lực lớn dễ nảy sinh tư tưởng bất an, lo lắng trong đội ngũ cán bộ giáo viên. Theo bà Lê Thị Hương, ngành sẽ tổ chức thi tuyển chức danh Hiệu trưởng đối với các trường sau khi sáp nhập, bảo đảm tính công khai, minh bạch.
“Khó khăn nhất là giải quyết cán bộ, giáo viên, nhân viên dôi dư, đặc biệt là cán bộ quản lý. Sở Nội vụ chủ trì cùng với Sở Giáo dục và Đào tạo cùng chính quyền địa phương xây dựng đề án thi tuyển cán bộ quản lý tạo sự khách quan, công bằng; lựa chọn đúng người có năng lực quản lý điều hành các trường học sau khi sáp nhập” – bà Hương cho biết thêm.
Theo Đề án của tỉnh Quảng Trị về việc sắp xếp bộ máy đối với các cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND tỉnh, tới đây sẽ hợp nhất một số Sở chuyên môn và sáp nhập Ban Dân tộc vào Ban Tôn giáo trực thuộc Sở Nội vụ, đảm bảo cơ quan chuyên môn cấp tỉnh còn 17 đơn vị theo tiêu chí của Trung ương. Tỉnh Quảng Trị tiến tới giải thể các Ban Quản lý dự án chuyên ngành cấp Sở; Hợp nhất 3 Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội, HĐND và UBND tỉnh, thực hiện mô hình Trung tâm hành chính công.
Đối với các cơ quan Đảng cấp tỉnh sẽ chuyển giao Văn phòng các Ban Đảng về Văn phòng Tỉnh ủy; Tổ chức lại các đầu mối Đảng ủy Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh theo hướng chỉ có Ban Xây dựng Đảng và Văn phòng. Ở cấp huyện, nhất thể hóa các chức danh Trưởng Ban Tuyên giáo kiêm Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị; Trưởng Ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Trưởng Ban Tổ chức kiêm Trưởng phòng Nội vụ; Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra kiêm Chánh Thanh tra.
Hội nghị Tỉnh ủy Quảng Trị lần thứ 13 thông qua kế hoạch, chương trình hành động thực hiện các Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6, khóa XII. |
Thực hiện chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính, Nghị quyết Trung ương yêu cầu hoàn thành năm 2020 nhưng tỉnh Quảng Trị chủ động triển khai sớm trong năm 2018, tránh tâm lý chờ đợi, e dè. Sau khi tiến hành sáp nhập, toàn tỉnh giảm từ 300 đến 400 thôn và 18 xã, thị trấn.
Ông Phan Ngọc Tư, Bí thư Huyện ủy Vĩnh Linh cho biết, sáp nhập thôn, xã là công việc khó hiện nay đối với địa phương. Căn cứ theo tiêu chí của Trung ương, huyện Vĩnh Linh có 8 xã không đạt chuẩn phải sáp nhập và hàng trăm cán bộ xã trong diện tinh giản cần phải có chính sách phù hợp.
“Cái khó là quy trình lấy ý kiến tham vấn cộng đồng, ngay trong đội ngũ cán bộ cũng vướng, vì liên quan đến vị trí việc làm. Hai xã nhập lại thì một bộ máy phải nghỉ, một bộ máy làm, có thể tăng thêm thì cũng ít thôi. Sáp nhập lại là giảm 6 xã, đồng nghĩa với thừa 130 người thì có một bộ phận bố trí công việc thế nào đây. Nếu cho họ về nghỉ thì phải có chính sách đi kèm, đúng luật, đòi hỏi Nhà nước phải có chính sách hỗ trợ” – ông Phan Ngọc Tư trăn trở.
Tỉnh Quảng Trị phấn đấu đến năm 2021 sẽ giảm 1.786 biên chế và đến năm 2030 sẽ giảm 5.440 chỉ tiêu biên chế so với năm 2015. Ông Nguyễn Văn Hùng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị cho rằng, việc này ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của cán bộ, đảng viên. Vì thế, các cấp ủy, tổ chức Đảng, nhất là người đứng đầu mỗi cơ quan, đơn vị cần làm tốt công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận triển khai thực hiện.
Theo đó, ông đề nghị trong quá trình thực hiện chủ trương này, cần chống thiên vị nể nang, cả sự tác động tiêu cực từ bên ngoài, có như thế mới tránh được tình trạng người kém ở lại, người giỏi ra đi.
“Phải nhất quán ngay trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện để đảm bảo sự đồng thuận, phải có sản phẩm cụ thể chứ không phải dừng lại ở hô khẩu hiệu hoặc bắn chỉ thiên. Triển khai thực hiện ngay không để chậm trễ. Các con số này, sản phẩm này phải được tổ chức thực hiện theo lộ trình trong đề án đã nêu, đạt được yêu cầu đề ra theo tinh thần Nghị quyết” – ông Nguyễn Văn Hùng chia sẻ./.
Tác giả: Đình Thiệu
Nguồn tin: Báo VOV