Thế giới

Tiết lộ về người phụ nữ duy nhất tại phòng họp Mỹ - Triều

Hai thông dịch viên chính là 2 nhân vật chủ chốt đã giúp hội nghị thượng đỉnh lịch sử Mỹ - Triều thành công và vượt qua rào cản ngôn ngữ giữa 2 nhà lãnh đạo.

Hai nhân vật này thu hút sự chú ý không kém so với Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vì chỉ họ biết được toàn bộ nội dung cuộc họp riêng của 2 nhà lãnh đạo.

Theo thông tin của Nhà Trắng, thông dịch viên của ông Kim là ông Kim Ju-song, một thành viên của Bộ Ngoại giao Triều Tiên. Trong khi đó, người phiên dịch của Tổng thống Trump là bà Lee Yun-hyang, 61 tuổi, trưởng bộ phận thông dịch của Bộ Ngoại giao Mỹ.

Điều đặc biệt là bà Lee cũng là người phụ nữ duy nhất trong cuộc họp của 2 nhà lãnh đạo tại khách sạn Capella - Singapore. Nữ thông dịch viên kỳ cựu, được các tổng thống Mỹ gọi là "Giáo sư Lee", là nhân vật then chốt trong các cuộc họp ngoại giao của Mỹ, từng làm việc qua 2 đời tổng thống George W. Bush và Barack Obama.

Người phụ nữ duy nhất trong phòng họp Mỹ - Triều là thông dịch viên của ông Trump. Ảnh: Kevin Lim

Bà Lee bắt đầu làm việc tại Bộ Ngoại giao Mỹ với tư cách thông dịch viên ngoại giao cao cấp vào năm 2008, sau đó trở thành người đứng đầu bộ phận thông dịch. Bà được biết đến là người đấu tranh cho nữ quyền và quyết định nuôi dưỡng con gái ở Mỹ vì tình trạng trọng nam khinh nữ ở Hàn Quốc.

Bà Lee có bằng thạc sĩ biên - phiên dịch của trường ĐH Ngoại ngữ Hankuk và từng giảng dạy ở Trường Cao học Biên dịch và Phiên dịch tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Monterey trong suốt 8 năm. Năm 2004, bà Lee trở thành người đứng đầu trung tâm dịch thuật của trường Ewha ở thủ đô Seoul chuyên về biên - phiên dịch. Trong giai đoạn này, bà Lee còn lấy được bằng tiến sĩ phiên dịch tại trường ĐH Geneva của Thụy Sĩ.

Một khía cạnh khác, các chuyên gia về chữ viết vừa đưa ra một số phân tích về chữ ký của Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim. Theo nhà phân tích Koo Bon-jin, chữ ký của ông Kim cho thấy ông là một người tham vọng, "thiên về trực giác hơn là lý trí và logic". "Ông ấy viết rất nhanh, cho thấy sự nhạy bén và thiếu kiên nhẫn" - ông Koo nói thêm.

Cận cảnh chữ ký của ông Trump và ông Kim. Ảnh: Twitter

Bà Karen Leong, một chuyên gia về ngôn ngữ cơ thể tại Singapore, nhận định: "Có khoảng cách rất lớn giữa các ký tự trong chữ ký của ông Kim, cho thấy đây là một người sáng tạo, luôn cởi mở với các ý tưởng mới để phát triển. Ngoài ra, nó còn thể hiện ông Kim là người tự tin với nhiều hoài bão và tham vọng lớn".

Ông Ahn Chan-il, một cựu sĩ quan Triều Tiên đã đào tẩu vào năm 1979, cho biết chữ ký độc đáo của ông Kim rất giống với chữ ký của cha và ông nội. "Không chỉ gia đình ông Kim, nhiều người Triều Tiên bình thường cũng cố gắng bắt chước kiểu chữ ký này vì cho rằng nó đẹp và thiêng liêng" - ông Ahn nói thêm. Được biết, cô Kim Yo-jong, em gái của ông Kim, cũng có kiểu chữ ký như vậy.

Trong khi đó, theo lời các chuyên gia, chữ ký của ông Trump cho thấy ông là người đối lập hoàn toàn so với ông Kim. Bà Leong nhận định chữ viết góc cạnh với các ký tự sát vào nhau giống như "mũi tên hay nhà cao tầng" cho thấy tổng thống Mỹ là người "có xu hướng che giấu con người thật".

"Mặc dù 2 nhà lãnh đạo có chữ ký rất khác biệt do tính cách khác nhau, cả hai đều muốn tạo dấu ấn theo cách riêng của họ" - bà Leong kết luận.

Tác giả: Bảo Hạnh

Nguồn tin: Báo Người lao động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP