Kinh tế

Thương mại – dịch vụ: Đầu tàu trong phát triển KT-XH ở TP Hà Tĩnh

Những siêu thị lớn được đầu tư trong thời gian qua đã khẳng định sự phát triển của lĩnh vực thương mại – dịch vụ trên địa bàn thành phố Hà Tĩnh.

Những năm qua, TP Hà Tĩnh tập trung mọi nguồn lực xây dựng và phát triển kinh tế đô thị với mũi nhọn là thương mại – dịch vụ.
Thương mại - dịch vụ: Đầu tàu trong phát triển KT-XH ở TP Hà Tĩnh

Thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/Th.U của BCH Đảng bộ thành phố về tăng cường lãnh đạo phát triển thương mại – dịch vụ – du lịch (TM-DV-DL) đến năm 2020 và những năm tiếp theo, UBND thành phố Hà Tĩnh ban hành Chương trình hành động số 321/QĐ-UBND với những giải pháp cụ thể. Theo đó, thực hiện mục tiêu đưa TM-DV-DL trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, TP Hà Tĩnh đã tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cải cách hệ thống hành chính, kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư lớn.

Với nhiều giải pháp tích cực, đồng bộ, TP Hà Tĩnh đã thành công trong việc kêu gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh xây dựng hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị, nhà hàng, khách sạn đảm bảo tiêu chuẩn. Theo thống kê, trên địa bàn thành phố hiện có 2 trung tâm thương mại với 2 siêu thị lớn là Co.op Mart, Ocean Mall; 27 khách sạn, trong đó, 10 khách sạn có dịch vụ ăn uống; 19 nhà nghỉ; 2 khu sinh thái.

Có thể thấy, số lượng địa điểm mua sắm, nghỉ ngơi không ngừng tăng theo từng năm, đáp ứng nhu cầu của khách thập phương khi đến với Hà Tĩnh. Đặc biệt, hiện nay, khi dự án đầu tư nước ngoài tại các khu kinh tế ngày càng nhiều, cùng với đó, tuyến vận tải Hà Tĩnh – Khăm Muộn – Nakhon Phanom (Lào – Thái Lan) được khánh thành thì số lượt khách đến với TP Hà Tĩnh sẽ ngày càng tăng.

Bên cạnh đó, TP Hà Tĩnh cũng tập trung xây dựng, phân bố hệ thống chợ đồng đều trong các khu dân cư, đồng thời, tiến hành chuyển đổi mô hình quản lý chợ cho doanh nghiệp, HTX theo hướng xã hội hóa. Sau một thời gian triển khai, thành phố đã chuyển đổi thành công 1 chợ và đang tiến hành chuyển đổi 2 chợ trong năm nay. Với mục tiêu nâng cao hiệu quả công tác quản lý thị trường, đảm bảo chất lượng hàng hóa, thành phố siết chặt việc quản lý hoạt động của các hộ kinh doanh. Qua kiểm tra, rà soát, đến nay, trên địa bàn thành phố có 9.253 hộ kinh doanh, trong đó, 8.302 hộ kinh doanh ổn định; 951 hộ nhỏ lẻ; 3.564 hộ đã được cấp đăng ký kinh doanh.

Ông Trần Hậu Tuấn – Trưởng phòng Kinh tế, UBND thành phố Hà Tĩnh cho biết: Với nhiều đổi mới trong phương thức chỉ đạo, thực hiện, có thể thấy, lĩnh vực TM-DV ngày càng phát triển cả về quy mô lẫn chiều sâu. Đặc biệt, thành phố cũng xây dựng nhiều chính sách ưu đãi về thuế, thuê đất… để các tổ chức, cá nhân ổn định đầu tư và tổ chức SXKD. Nhờ đó, chỉ tính riêng năm 2014, giá trị sản xuất TM-DV trên địa bàn ước đạt 3.959 tỷ đồng, bằng 102,83% so kế hoạch, tăng 13,24% so với năm 2013. Ngoài ra, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội đạt trên 8.860 tỷ đồng, bằng 105,7% so kế hoạch và tăng 17,04% so cùng kỳ.

Cũng theo ông Tuấn, để thực hiện mục tiêu tỷ trọng TM-DL-DV đến năm 2015 đạt 45% và 2020 đạt 60% tổng giá trị sản xuất của thành phố; giá trị sản xuất ngành này trong giai đoạn 2014-2020 tăng bình quân hàng năm 20-25%, hiện TP Hà Tĩnh đang tập trung hoàn thành quy hoạch chung thành phố và các vùng phụ cận, trong đó, sẽ mở rộng khuôn viên để tiếp tục kêu gọi đầu tư xây dựng các siêu thị, trung tâm thương mại hạng I, II; đồng thời, thành lập các tuyến phố chuyên doanh trên địa bàn. Ngoài nâng cao chất lượng hệ thống chợ, thành phố cũng tập trung phát triển mạng lưới dịch vụ trên tất cả các lĩnh vực trọng tâm.

Thế Công

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP