Tin

Thực phẩm chức năng: Hàng giả, hàng nhái “đua nhau” ra thị trường

Qua khảo sát thị trường cũng như theo nhận định của các cơ quan quản lý, có thể nói giá bán các loại thực phẩm chức năng (TPCN) đang ở mức rất cao. Chính lý do này đã làm phát sinh và bùng nổ các mặt hàng nhái, hàng giả những nhãn hàng TPCN được người tiêu dùng ưa chuộng. Nhưng để chống loại TPCN phái sinh nêu trên quả là không dễ, nhưng không thể không làm.

Hoảng hồn với TPCN “nhái”

Trên các trang mạng bán hàng trực tuyến đều giới thiệu rất rõ, sản phẩm tảo xoắn Spirulina Algae Nhật Bản có các loại 600 viên, 1.500 viên, 2.200 viên, với mức giá dao động từ 380.000 – 800.000đ/lọ.Thế nhưng, theo Cty Châu Đại Dương (OCEANIA) – đơn vị phân phối độc quyền sản phẩm tảo Spirulina (Japan Algae Nhật Bản) tại VN- Cty của họ chỉ nhập về 2 loại tảo: 600 viên và 1.500 viên, không có loại 2.200 viên đang được bán trên thị trường.

Lực lượng chức năng đã phát hiện rất nhiều sản phẩm TPCN không rõ nguồn gốc, hàng nhái, hàng giả. Cụ thể, đội kiểm tra của TP.Hà Nội phát hiện và thu giữ tại số nhà 166B, cụm 13, Thái Hà, phường Trung Liệt (Hà Nội) gần 100 thùng TPCN với các sản phẩm như sữa ong chúa, tỏi đen, vi cá mập, tảo, collagen… được gắn mác xuất xứ từ Mỹ, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, đều là hàng hóa không nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, được đóng gói, dán nhãn mác ngay tại chỗ.

 Sản phẩm TPCN Đào Hồng Đơn bị phát hiện là hàng giả.

Theo bà Trần Thúy Hằng – Giám đốc Cty TNHH Long Vân (chuyên nhập khẩu và phân phối TPCN) – những loại TPCN có tên gọi như collagen, vi cá mập, sữa ong chúa… bày bán trên thị trường đa phần có xuất xứ Trung Quốc và được bán với mức giá nào cũng có. Đơn cử như sản phẩm Super Collagen+C (Mỹ) có giá khoảng 750.000 – 800.000đ/hộp, nhưng nhiều cửa hàng bán sản phẩm này chỉ từ 300.000đ, thậm chí thấp hơn.

Điều khiến người tiêu dùng Việt Nam tỏ ra lo ngại là gần đây, cơ quan chức năng của Trung Quốc phát hiện vi cá mập được bán ở Bắc Kinh, Quảng Đông, Chiết Giang, Phúc Kiến, được làm từ hỗn hợp bột đậu, gelatin, natri và một số hoá chất khác, và đáng quan tâm là trong loại sản phẩm này có chứa dư lượng kim loại độc hại như thủy ngân, cadmium. Kiểm tra ngẫu nhiên 10 mẫu vi cá mập thì không hề thấy thành phần nào của vi cá mập, nhưng các độc tố có trong các chất để làm giả sản phẩm này thì lại tồn dư khá lớn.

Theo cảnh báo của các chuyên gia Trung Quốc, người tiêu dùng ăn phải những “vi cá mập giả” này có thể sẽ tổn hại phổi cùng các cơ quan khác, đặc biệt nguy hiểm cho sự phát triển của não và hệ thần kinh thai nhi.

Còn sữa ong chúa cũng bị phát hiện có pha thêm sữa bò, bột mì, phấn hoa, chất tạo màu nhằm tăng khối lượng sản phẩm. Do các chế phẩm này không phải là dược phẩm, nên không chịu sự quản lý của cơ quan quản lý thuốc, vì vậy nguy cơ mua phải hàng giả là rất cao.

Được biết, mới đây nhất, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã yêu cầu Cty TNHH Trung tâm Vân Sơn phải dừng ngay việc lưu hành và tự thu hồi sản phẩm TPCN hỗ trợ giảm cân Super Fat Burner nhập từ Mỹ, vì các sản phẩm này chứa sisbutramine và phenolphtalein – rất nguy hại đến sức khỏe con người. Trong đó, sisbutramine có thể làm tăng nguy cơ động kinh, nhồi máu cơ tim, loạn nhịp tim và đột quỵ. Chất này bị cơ quan chức năng Mỹ cấm lưu hành từ tháng 10.2010. Còn phenolphtalein là một thành phần có nguy cơ gây ung thư.

“Siết” TPCN giả, nhái

Nhằm quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh TPCN, đồng thời ngăn chặn nạn hàng nhái, hàng giả đối với mặt hàng TPCN đang hoành hành hiện nay, các cơ quan chức năng đang đề xuất hàng loạt giải pháp đấu tranh chống gian lận thương mại và giả mạo trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhập khẩu TPCN trên thị trường nội địa.

Để thực hiện được vấn đề này, bên cạnh việc thu thập số liệu thống kê về hoạt động nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh TPCN làm căn cứ đánh giá hoạt động quản lý, sản xuất, kinh doanh TPCN.

Qua đó, làm rõ mức độ hoạt động sản xuất kinh doanh TPCN tác động đến thị trường Việt Nam, phát hiện tồn tại và vướng mắc để khắc phục những vi phạm trong thời gian qua. Đồng thời hiệu chỉnh các quy định pháp luật về quản lý và xử lý những vấn đề sai phạm trong việc sản xuất và kinh doanh TPCN.

Để thực hiện, các cơ quan chuyên môn sẽ thống nhất với các cơ quan chức năng tại Hà Nội, TPHCM và một số tỉnh có DN sản xuất nhiều TPCN như Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nam, Bình Dương… về kết quả và hiệu quả kiểm tra, kiểm soát cùng các kiến nghị đề xuất để quản lý chặt chẽ hoạt động sản xuất và kinh doanh TPCN trên địa bàn.

Lập phương án kiểm tra toàn diện các nhóm DN và cá nhân chuyên nhập khẩu TPCN, chuyên sản xuất, cung cấp nguyên liệu, bao bì, nhãn mác, để truy tìm và triệt tiêu nạn làm hàng giả, hàng nhái các mặt hàng TPCN, nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến liên quan đến hoạt động kiểm tra, kiểm soát về TPCN và thông tin đến bạn đọc.

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP