Trong nước

Thủ tướng: Việt Nam kiên quyết không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế

Phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp của Đại hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) lần thứ 6 tại Đà Nẵng sáng nay (27/6), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Chính phủ Việt Nam kiên quyết không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế, làm ảnh hưởng tới phát triển bền vững.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên khai mạc GEF 6 ở Đà Nẵng sáng nay 27/6

GEF 6 là một trong những cuộc họp toàn cầu quan trọng nhất về môi trường trong năm 2018. Sự kiện có sự tham gia của lãnh đạo Nhà nước và Chính phủ, Bộ trưởng các nước, các cơ quan của Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế và các tổ chức phi chính phủ.

Phát biểu tại phiên khai mạc GEF 6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ, kỳ họp lần này là dịp để từng quốc gia, từng cá nhân thể hiện bằng hành động, nhằm chung tay hiện thực hóa ước vọng của biết bao thế hệ người dân của các dân tộc về một “Hành tinh có sức chống chịu tốt, bền vững và tràn đầy sức sống”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, là một quốc gia đang phát triển, Việt Nam phải đối mặt với nhiều vấn đề về suy thoái, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Mặc dù còn nhiều khó khăn, hạn chế về nguồn lực, Chính phủ Việt Nam đã kiên quyết triển khai lồng ghép các hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, huy động nguồn lực, sự sáng tạo, chung tay của cả cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Kiên quyết không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế, làm ảnh hưởng tới phát triển bền vững.

Thủ tướng chia sẻ: “Việt Nam đang nỗ lực thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc (SDGs 2030), cam kết tại COP-21 về biến đổi khí hậu. Tại Hội nghị G7 mở rộng ở Canada, ngày 9/6/2018, tôi đã phát biểu đánh giá cao vai trò quan trọng, sự hợp tác hiệu quả của Quỹ Môi trường toàn cầu và sẽ cùng Quỹ Môi trường toàn cầu thực hiện Dự án vùng, vì một đại dương không có rác thải nhựa”.

Thủ tướng đề nghị các đại biểu tham dự GEF 6 tập trung vào ba nội dung: Một là, cần nhận diện cụ thể những thách thức chính về môi trường đối với nhân loại hiện nay, từ đó đề ra được chính sách ưu tiên nhằm giải quyết một cách tổng thể, hiệu quả những thách thức đó.

Hai là, cần đánh giá được hiệu quả của cơ chế hỗ trợ và hợp tác hiện nay, từ đó có những cải tiến mang tính đột phá, đặc biệt trong khâu huy động và phân bổ nguồn lực để hỗ trợ các quốc gia thành viên, nhất là những quốc gia đang phải đối mặt với những thách thức to lớn do suy thoái, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu toàn cầu gây ra.

Ba là, cần đề xuất được những dự án tổng hợp mang tính toàn cầu, liên vùng, liên lĩnh vực nhằm giải quyết các nguyên nhân sâu xa của ô nhiễm, suy thoái môi trường, suy giảm đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu…; cũng như cần có các dự án trọng điểm để giải quyết những vấn đề cấp bách hiện nay như vấn đề rác thải nhựa nói chung, rác thải nhựa đại dương nói riêng.

Trước phiên toàn thể của GEF 6, bà Naoko Ishii - Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Quỹ Môi trường toàn cầu cũng bày tỏ kỳ vọng kỳ họp lần này là “cơ hội để thế giới chung tay kiến tạo nên một hành tinh an toàn hơn, đảm bảo hơn và đáng sống hơn”.

Bà Naoko Ishii - Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Quỹ Môi trường toàn cầu phát biểu tại phiên khai mạc GEF 6

Bà Naoko Ishii nhấn mạnh: “Kịch bản phát triển thông thường sẽ tạo ra thảm hoạ và thay đổi mang tính gia tăng sẽ không bao giờ đủ. Giải pháp duy nhất chính là quá trình chuyển đổi. Chúng ta cần phải thay đổi hệ thống lương thực, đô thị, năng lượng và chuyển đổi thành nền kinh tế tuần hoàn. Chúng ta cần phải hành động ngay bây giờ, và đó chính là những gì GEF mong muốn thực hiện được trong tương lai”.

Phiên họp toàn thể của GEF 6 sẽ tiếp diễn trong hai ngày 27 và 28/6. Ngoài các phiên toàn thể, trong suốt Tuần lễ GEF 6 đang diễn ra tại Đà Nẵng, còn có các cuộc thảo luận bàn tròn về: Lương thực, khôi phục và sử dụng đất; các thành phố bền vững; kinh tế xanh lam; hợp tác để thực hiện Chương trình nghị sự 2030; các mục tiêu dựa trên cơ sở khoa học; kinh tế tuần hoàn; rác thải nhựa đại dương; cảnh quan bền vững Amazon và Congo; động vật hoang dã; giới và môi trường; đổi mới trong năng lượng sạch; tài chính bảo tồn; đất khô cằn bền vững.

Tác giả: Khánh Hiền

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP