Bên hành lang Quốc hội ngày 26/10, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, sau khi có thông tin vụ người dân ở Cần Thơ đổi 100 USD và bị phạt 90 triệu đồng, ông đã giao Giám đốc Ngân hàng Nhà nước cơ quan phía Nam tiếp cận, kiểm tra hồ sơ vụ việc. "Sau quá trình này, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước phía Nam sẽ tư vấn cho UBND thành phố Cần Thơ hướng xử lý phù hợp", ông nói.
Thống đốc Hưng cũng cho biết, Ngân hàng Nhà nước đang có kế hoạch sửa đổi Nghị định 96/2014 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ ngân hàng. "Việc phân loại mức vi phạm cũng là một cách khi sửa nghị định này", ông nói.
Thống đốc Lê Minh Hưng bên hành lang Quốc hội ngày 26/10. Ảnh: Võ Hải |
Còn theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa, việc mua bán ngoại tệ trái pháp luật xảy ra nhiều nhưng "đánh" cần có trọng tâm, trọng điểm. "Hành vi đổi 100 USD mà bị phạt 90 triệu đồng là quá nặng, không hợp lý", ông nói.
Nói cụ thể vụ việc, ông Nghĩa phân tích, với tiệm vàng, nếu theo dõi thấy quá trình kinh doanh vi phạm đã lâu thì cơ quan chức năng có thể xem xét xử lý, thậm chí xử lý hình sự và đây là vụ việc khác. Còn từ một giá trị quá nhỏ đối với cá nhân người dân khi được tặng 100 USD đi ra tiệm vàng đổi mà bị phạt 90 triệu đồng là quá nặng, không hợp lý với thu nhập thấp của người công nhân lao động.
Đại biểu TP HCM nói thêm, nếu có xử lý người dân đến đổi 100 USD thì chỉ cần lập biên bản tịch thu số tiền đổi được đó. Có người sẽ đặt vấn đề còn nếu bao nhiêu vụ lớn hơn mà cơ quan chức năng bỏ lọt thì phải chịu trách nhiệm thế nào?
“Trước đây, đã có những vụ như bắt trộm con gà, vịt hay bánh mỳ bị xử lý hình sự gây nhiều ý kiến trái chiều. Còn với vụ việc này, theo tôi, trong luật có quy định, nếu tác động, mức độ nguy hiểm quá bé nhỏ, hành vi cá biệt sẽ xử nhưng chỉ xử nhẹ thôi", ông Nghĩa nói
Đại biểu Bùi Văn Xuyền - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng cho rằng việc một người dân đổi 100 USD mà bị phạt tới 90 triệu USD "đúng quy định nhưng chưa hợp lý".
Ông cho hay, theo Nghị định số 96/2014 việc xử phạt anh Cà Rê là đúng theo quy định. Tuy nhiên thực tế đa số người dân, thậm chí cán bộ công chức cũng chưa biết việc có Nghị định xử phạt nêu trên.
Nếu người đi đổi là chuyên nghiệp và số tiền lớn lên tới một vài nghìn hay chục nghìn USD, thậm chí hơn, có thể xem xét đây là kinh doanh, mua bán trái phép và phải xử phạt nghiêm người vi phạm. Với 100 USD của người công nhân đi đổi trong vụ việc, xét ra không lớn và là tài sản của họ chứ không phải đi chiếm đoạt hay dùng tiền của người khác. Chưa kể, việc đi đổi chỉ với mục đích phục vụ tiêu dùng, do vậy, việc bị phạt 90 triệu là không hợp lý chút nào.
Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Nghị định đưa ra mang tính răn đe, giáo dục, cho thấy sự nghiêm minh của pháp luật, nhưng vụ việc đổi 100 USD bị phạt 90 triệu sẽ tạo dấu ấn hoặc một điều gì đấy không hay.
"Nhiều người dân có thể đặt vấn đề, việc xử phạt như vậy không công minh, đánh đố người dân. Bao nhiêu người vi phạm lớn không xử lý được mà lại đi xử người dân vô tình đổi số tiền không đáng bao nhiêu. Luật pháp khuôn mẫu, nghiêm khắc nhưng khi ban hành ra cần có thời gian để chuẩn bị, phổ biến cho người dân biết được. Khi vi phạm lần đầu, không gây nguy hại cần xử lý nương nhẹ, mang tính giáo dục còn nếu tái phạm mới cần xử nặng", ông Xuyền nhấn mạnh.
Hồi đầu tuần, UBND thành phố Cần Thơ đã có quyết định xử phạt hành chính 90 triệu đồng với ông Nguyễn Cà Rê (38 tuổi, ở phường An Hòa, quận Ninh Kiều) vì đã đổi 100 USD tại một tiệm vàng. Ông Rê, đồng thời, cũng bị tịch thu gần 2,3 triệu đồng đã đổi được.
Pháp lệnh Ngoại hối năm 2005 quy định, trên lãnh thổ Việt Nam, mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo không được thực hiện bằng ngoại hối, trừ các giao dịch với tổ chức tín dụng hoặc thanh toán qua trung gian gồm thu hộ, uỷ thác, đại lý. Do đó, hành vi của ông Rê, được xem là vi phạm pháp luật và áp theo khung xử phạt hành chính, theo Nghị định 96/2014, từ 80 đến 100 triệu đồng.
Tác giả: Hoài Thu - Võ Hải
Nguồn tin: Báo VnExpress