Rất nhiều quy định chế tài những hành vi ăn mặc phản cảm, hở hang, thế nhưng các chuyên gia pháp lý cho rằng vẫn chưa có một định nghĩa rõ ràng như thế nào là ăn mặc “phản cảm” và như thế nào là “không đúng thuần phong mỹ tục”.
Ngày 17.12, thông tin từ Công an P.Hưng Phú, Q.Cái Răng (TP.Cần Thơ) cho biết công an phường này đã lập biên bản xử phạt về hành vi vi phạm quy định nếp sống văn minh theo điều 10, Nghị định 73/2010/NĐ-CP ngày 12.7.2010 của Chính phủ đối với N.T.T.D (16 tuổi), là nhân vật chính cởi bỏ quần áo ngoài trong video clip Anh không đòi quà (Thanh Niên ra ngày 17.12 đã thông tin). Câu chuyện này đã thu hút sự quan tâm của dư luận nhiều ngày qua bởi dường như lâu nay chỉ thấy những nghệ sĩ trên sân khấu bị dính lỗi này, còn “người ngoài đời” thì chưa. Và đây có thể là trường hợp đầu tiên.
“Quần chúng cũng phải phạt”
Ông Phạm Xuân Phúc, Phó chánh thanh tra Bộ VH-TT-DL, giải thích: “Trường hợp này là ăn mặc phản cảm không đúng thuần phong mỹ tục. Có thể xử lý theo Nghị định 75/2010/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa”, vì theo ông: “Đã diễn để quay phim không là biểu diễn thì còn là cái gì. Nên cái đó cũng tính là biểu diễn. Đâu phải chuyện chuyên nghiệp hay không chuyên nghiệp. Nếu đã dính đến hoạt động văn hóa thì kể cả quần chúng cũng phải phạt”.
Tại khoản 1, điều 10, Nghị định 73/2010/NĐ-CP đã quy định: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 60.000 đồng đến 100.000 đồng đối với hành vi không mặc quần, áo hoặc mặc quần áo lót ở nơi hội họp đông người, các địa điểm văn hóa, tín ngưỡng, nơi làm việc của các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội. Mục c, khoản 1, điều 16 Nghị định 75/2010/NĐ-CP cũng quy định rõ: “Phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với hành vi mặc trang phục, hóa trang gây phản cảm, không phù hợp với thuần phong mỹ tục VN”.
Tuy nhiên luật sư Lê Quang Vy (VTL Lawyers, TP.HCM) phân tích: “Luật pháp VN đến nay vẫn chưa có một định nghĩa rõ ràng như thế nào là ăn mặc “phản cảm” và như thế nào là “không đúng thuần phong mỹ tục VN”, do vậy vấn đề xử phạt đối với trường hợp này đều dựa vào cảm tính của người có thẩm quyền”.
Ông cũng lưu ý rằng Nghị định 73/2010 sẽ hết hiệu lực kể từ ngày 28.12.2013 và được thay thế bởi Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12.11.2013, nhưng Nghị định 167/2013 đã bãi bỏ điều khoản về hành vi vi phạm quy định về nếp sống văn minh (trong đó có quy định phạt đối với hành vi không mặc quần, áo hoặc mặc quần áo lót ở nơi hội họp đông người, các địa điểm văn hóa, tín ngưỡng, nơi làm việc của các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội).
Vô tư mặc mà như… không
Trong khi đó, mặc mà như không, khoe thân thể tối đa… dường như ngày càng phổ biến trên đường phố. Và giữa thời đại internet, những hình ảnh này ngay lập tức được tung lên mạng, thành đề tài “nhận đá”.
Khoảng tháng 5.2013, bức ảnh hai cô gái chở nhau mà cô ngồi sau chỉ mặc bộ đồ lót được đưa lên mạng xã hội khiến cộng đồng phản ứng dữ dội trong loạt comment. Trừ một số ít cợt nhả, hầu hết đều tỏ thái độ bức xúc trước cách ăn mặc khó chấp nhận khi ra đường của cô gái này, dù là ban đêm.
Tháng 6.2013, hình ảnh cô gái ngồi sau xe mặc chiếc áo xẻ vạt ở lưng bị gió thổi làm tà áo tung lên, lộ lưng và nội y được lan truyền trên mạng. Trong những nhận xét bên dưới, nhiều người cho rằng kiểu trang phục này… không có gì lạ (hàm ý đã quá lan tràn trên đường phố). Một trường hợp khác cũng bị cộng đồng mạng ném đá ác liệt là hình ảnh cô gái ngồi sau xe một người đàn ông (được đoán là bạn trai vì có cử chỉ thân mật thể hiện trên bức ảnh) mặc áo ren trong suốt. Các nhận xét đều chỉ trích người chở cô gái này vì sao không góp ý cho bạn mình mà lại để ra đường với hình ảnh “nhố nhăng” như thế.
Tháng 7.2013, bức ảnh một phụ nữ không đội mũ bảo hiểm, ăn mặc hở hang (được cho là tại một phố ở Hà Nội) được chia sẻ trên mạng xã hội với tiêu đề “Đi đổ xăng gặp kiều nữ cao bồi”. Trong ảnh, người phụ nữ này mặc chiếc quần short và áo yếm khoe lưng trần chờ đổ xăng. “Cứ tình hình thế này hàng vải ế hết. Tai nạn ngày càng gia tăng. Lăng nhăng sàm sỡ ngày càng nhiều”, một thành viên nhận xét dưới bức ảnh. Trong những nhận xét này, có bạn còn đưa thêm dẫn chứng về một thiếu nữ mặc chiếc quần lộ nửa mông ra đường và đã nhận ồ ạt gạch đá từ cư dân mạng.
Tuy nhiên tất cả những kiểu “hở” ấy đều chưa từng bị phạt.
“Cấm hở hang” ở các nước châu Á – Dù gây nhiều tranh cãi, bộ luật “cấm người dân ăn mặc quá hở hang” đã được Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye thông qua vào giữa năm nay. Theo đó, những người ăn mặc phơi bày một cách khiếm nhã các bộ phận cơ thể cần được che chắn, gây xấu hổ, khó chịu cho người khác sẽ bị phạt 50.000 KRW (khoảng hơn 900.000 đồng). – Vào năm 2006, lần đầu tiên một địa phương trên đất nước đa văn hóa Malaysia đưa ra hình phạt về chuyện ăn mặc. Hội đồng thành phố Kota Baru đã quy định những ai mặc hở ngực, hở mông, hở rốn tại nhà hàng, quán ăn sẽ bị phạt. Các nữ nhân viên quán ăn người Hồi giáo sẽ phải đeo khăn trùm đầu và quần áo trùm tới mắt cá chân. Những ai không phải Hồi giáo thì bị cấm mặc quần chẽn, váy ngắn và quần đùi, hoặc áo mỏng có thể nhìn thấy bên trong. – Các quốc gia Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia, Brunei, Myanmar đều cấm ăn mặc hở hang khi vào chùa chiền, đền thờ. Xuyên Vân (tổng hợp) |
Theo báo Thanh niên