Hiện xã này có đến 55 GS, TS đang sinh sống và công tác trên khắp mọi miền đất nước.
Hiền nhân từ đất cằn
Xã Kim Lộc nằm ở phía Tây sông Nghèn, vào thời Khải Định được gọi là làng cổ Nguyệt Ao thuộc huyện La Sơn. Bỏ xa sự bụi bặm, ồn ào, đông đúc của phố phường, làng cổ Nguyệt Ao nằm yên bình, khép mình với những nét trầm tư cổ kính. Cũng tại đây, ngôi nhà tưởng niệm vị danh nhân văn hóa La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp được nằm uy nghiêm bên những tán xà cừ hàng trăm năm tuổi.
“Truyền thống hiếu học của xã đã có từ nhiều thế kỷ trước, nhiều bậc hiền nhân đã được trưởng thành từ vùng quê nghèo này”, ông Đỗ Viết Thống – Chủ tịch xã Kim Lộc bắt đầu câu chuyện.
Vị Tiến sĩ đầu tiên của làng là cụ Nguyễn Hành, một danh sĩ thời Lê – Trịnh. Ông là tiến sĩ khoa Hội và Đình năm Quý Sửu (năm 1773) niên hiệu Long Đức Lê Thần Tông, năm thứ 2. Ông cũng từng làm thầy giáo và có nhiều môn sinh hiển đạt như: Phan Khiêm Thụ (đỗ Tiến sĩ khoa Đinh sửu, năm 1757); Nguyễn Khản (Thượng Thư bộ Lại, con đầu của Quận công Nguyễn Nghiễm, anh cả của Nguyễn Du, đỗ Tiến sĩ khoa Canh Thìn, năm 1760); Ngô Phúc Lâm (đỗ tiến sĩ khoa Bính Tuất, năm 1766); La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp (thi Hương đỗ giải Nguyên tức thủ khoa trường Nghệ An năm Quí Hợi, niên hiệu Lê Cảnh Hưng năm thứ 4 là năm 1743). Đại thi hào Nguyễn Du cũng từng có thời gian là học trò của cụ Nguyễn Hành khi còn bé.
Ngoài cụ Nguyến Hành phải kể đến Tiến sĩ Trần Tịnh, La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp… đều là những người con ưu tú của mảnh đất địa linh nhân kiệt này.
Ông Nguyễn Văn Giai (83 tuổi), hậu duệ đời thứ 17 của dòng họ Nguyễn Bật cho chúng tôi xem những bút tích của vua Quang Trung gửi cho Nguyễn Thiếp. Những bút tích này được ông cất công ra tận thư viện Quốc gia và sao chép lại. “Những bút tích này, không chỉ là niềm tự hào cho dòng họ mà còn là để nhắc nhở con cháu thế hệ sau phải phát huy truyền thống của cha ông”, ông tâm niệm.
Phuợng Vũ – Văn Dũng
Dân Trí