Mẹ của một nạn nhân trong buổi làm việc với cảnh sát quốc gia Thái Lan ngày 25/4 tại Bangkok. Ảnh: AFP. |
Khi các quan chức cấp cao về làng của ông Boonyarit làm việc, quy trình tiếp đón thường bao gồm đồ ăn đặc sản, rượu ngon và cuối cùng "tráng miệng" bằng các thiếu nữ chưa đến tuổi thành niên, theo AFP.
"Truyền thông này đã có từ rất lâu", ông Boonyarit Nipavanit, một quan chức cấp huyện ở Mae Hong Son, một tỉnh nghèo và hẻo lánh ở miền núi phía bắc Thái Lan, cho biết, "Đôi khi, chính quyền địa phương còn nhận được yêu cầu cụ thể về độ tuổi của các thiếu nữ hoặc họ phải chuẩn bị trước từ 5 đến 10 cô gái để một quan chức chọn lựa".
Ai cũng biết "truyền thống" tiếp đón quan chức này nhưng không ai thảo luận nó công khai. Tuy nhiên, gần đây, Thái Lan đã phanh phui nạn mua bán dâm thiếu nữ vị thành niên liên quan đến quan chức và công an tại tỉnh của ông Boonyarit.
Vụ việc bị phanh phui sau khi mẹ của một nạn nhân 17 tuổi đến thủ đô Bangkok để tố cáo. Bà mẹ đã tiết lộ cho báo chí biết con gái mình và nhiều bé gái vị thành niên khác bị quan chức và cảnh sát địa phương tống tiền, bắt làm gái mại dâm và phục vụ quan chức cấp cao.
Theo người mẹ này, một số cô gái bị những kẻ cầm đầu đường dây xăm hình con cú lên người như cách đánh dấu "quyền sở hữu".
Dưới sức ép của truyền thông, cảnh sát quốc gia đã bắt giữ một trung sĩ cảnh sát ở tỉnh Mae Hong Son với cáo buộc mua bán các cô gái vào những động mại dâm, đồng thời buộc tội 8 cảnh sát khác vì quan hệ với trẻ em gái.
Bên cạnh đó, 5 quan chức hành chính của tỉnh miền trung Nonthaburi bị cáo buộc đã dùng ngân sách địa phương để thuê các thiếu nữ trong muốn chuyến công tác tới tỉnh Mae Hong Son.
Sau khi nhà chức trách mở cuộc điều tra 41 vụ có liên quan đến đường dây mại dâm do cảnh sát địa phương điều hành tại tỉnh nhà, ông Boonyarit giờ không còn phải e dè nói về "phong tục" tha hóa trên.
"Kể từ khi vụ việc vỡ lở, chúng tôi cảm thấy nhẹ cả người vì bây giờ không còn phải làm việc này nữa", ông Boonyarit nói.
Tuy nhiên, các chuyên gia về nạn buôn bán người cho biết "phong tục" này không chỉ có ở tỉnh Mae Hong Son vì Thái Lan là một quốc gia coi trọng tôn ti, thứ bậc, các chính quyền địa phương và doanh nghiệp tư nhân thường phải chiều lòng cấp lãnh đạo bên trên để tiến thân.
"Thái Lan không có hệ thống chọn lọc người tài thế nên chúng tôi buộc phải hối lộ sếp", nhà báo chuyên viết về các vấn đề xã hội Lakkana Punwichai nhận xét.
Và "phong tục" thiết đãi các quan chức cấp cao bắt nguồn từ "văn hóa coi phụ như như một món hàng chứ không phải con người", bà Punwichai nói thêm.
Tác giả: An Hồng
Nguồn tin: Báo VnExpress