Liên hoan dân ca ví giặm xứ Nghệ lần thứ nhất
Từ 24/5 đến 6/6/2012, đã diễn ra Liên hoan Dân ca ví giặm xứ Nghệ ở các cụm. Cụm 1 diễn ra từ 24 – 25/5 tại Diễn Châu, gồm 10 CLB Dân ca của 5 huyện Quỳnh Lưu, Yên Thành, Nghi Lộc, thị xã Cửa Lò và Diễn Châu; Cụm 2 diễn ra tại Tân Kỳ từ ngày 30 – 31/6 gồm 9 CLB thuộc thị xã Thái Hòa, Tân Kỳ, Nghĩa Đàn và Anh Sơn và cụm 3 diễn ra tại Đô Lương từ ngày 5 – 6/6 gồm 13 CLB của các huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn, Thanh Chương, Đô Lương và thành phố Vinh. Liên hoan vòng cụm tụ hội trên 500 diễn viên với đủ các lứa tuổi, nhỏ nhất 5 tuổi và cụ lớn tuổi nhất là 91 tuổi, tuy nhiên số diễn viên từ trung tuổi trở lên vẫn là chủ yếu và có nhiều thành viên CLB rất tâm huyết với sinh hoạt dân ca ví giặm.
Vòng chung kết Liên hoan Dân ca ví giặm xứ Nghệ lần thứ nhất theo kế hoạch gồm 12 CLB đạt giải Nhất, Nhì, Ba tại các liên hoan cụm, 4 CLB dân ca tiêu biểu của các trường phổ thông (do Sở Giáo dục Đào tạo Nghệ An chọn cử); 5 CLB dân ca của tỉnh Hà Tĩnh, sẽ diễn ra vào 20h ngày 23/6 tại Quảng trường Hồ Chí Minh, kết thúc vào 25/6/2012. Bên cạnh đó, sẽ tổ chức 4 điểm giao lưu dân ca phục vụ công chúng tại Quảng trường Bình Minh – Thị xã Cửa Lò, Sân vận động xã Kim Liên – huyện Nam Đàn, Quảng trường Hồ Chí Minh -Thành phố Vinh và tại huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.
Bảo tồn di sản dân ca xứ Nghệ, những thách thức nan giải
UBND tỉnh Nghệ An đang có kế hoạch đến năm 2015 trình hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận dân ca xứ Nghệ là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.Tuy nhiên, việc bảo tồn và phát huy các giá trị dân ca ví dặm xứ Nghệ đang gặp rất nhiều khó khăn. Đến nay, Nghệ An thành lập được khoảng 50 CLB đàn và hát dân ca với khoảng 2.000 thành viên, sinh hoạt 3 tháng 1 lần. Đây là một trong những “cái nôi” lưu giữ hồn dân ca xứ Nghệ. Tuy nhiên, các thành viên CLB phần lớn đã cao tuổi, kinh phí hoạt động khó khăn, nhiều CLB rơi vào tình trạng ngừng hoạt động, việc sưu tầm vốn dân ca cổ, phục hồi môi trường diễn xướng nguyên bản hầu như không thực hiện được.
Phong trào đưa dân ca vào trường học được thực hiện từ năm 1999 đến nay nhưng hiệu quả thực sự không được là bao do nhiều nguyên nhân đến từ giáo viên, giáo trình, cơ sở vật chất, điều kiện và tâm lý tiếp nhận của học sinh.
Các nghệ nhân dân ca hầu hết đã ở tuổi gần đất xa trời, nhiều làn điệu dân ca đã bị mai một theo thời gian. Dân ca xứ Nghệ là loại hình gắn liền với lao động sản xuất, tổ chức phường trong lao động. Nay môi trường diễn xướng đó không còn, nên việc phục hồi nguyên bản không thể thực hiện được. Thị trường âm nhạc hiện đại hấp dẫn giới trẻ, các bà mẹ không còn hát ru con, dân ca ngày càng vắng bóng trong cuộc sống. Hầu hết giới trẻ ngày nay thờ ơ, quay lưng với dân ca, đó là sự thật không thể phủ nhận.Một hướng đi nhằm tìm môi trường mới cho dân ca là đưa dân ca lên sân khấu, hình thành nên thể kịch hát dân ca. Xu hướng này đã triển khai hơn 30 năm qua và thu được một số thành tựu nhất định, với hàng chục vở diễn thu hút đông đảo người xem, giành được nhiều giải thưởng, sáng tạo nên hàng trăm làn điệu dân ca mới. Nhưng dân ca trên sân khấu kịch hát dân ca không còn là dân ca như trong đời sống của người dân, mà chỉ là một phương tiện của nghệ thuật sân khấu. Mặt khác, trong khi chưa tạo ra được một phong cách, hệ thống thi pháp ổn định thì kịch hát dân ca đã gặp phải thời thoái trào của sân khấu, nên gặp rất nhiều khó khăn. Như vậy, mặc dù Nghệ An và Hà Tĩnh (đặc biệt là Nghệ An) trong mấy chục năm qua đã có rất nhiều cố gắng để bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ, nhưng quả thực tình hình ngày càng trở nên khó khăn. Trong hoàn cảnh đó, hi vọng với những nỗ lực nhằm đưa dân ca xứ Nghệ được công nhận là di sản nhân loại, việc bảo tồn và phát huy di sản quý giá của cha ông sẽ có những khởi sắc mới.
Trần Quang Đại/Tầm Nhìn