TP Hà Tĩnh

Thạch Quý: Dân khổ vì nước thải gây ô nhiễm nghiêm trọng

Nhiều năm nay, hơn 80 hộ dân Tổ dân phố Tiền Tiến và Tiền Giang thuộc phường Thạch Quý (TP Hà Tĩnh) phải sống trong cảnh ô nhiễm vì nguồn nước thải. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống và hoạt động sản xuất của nhân dân.

Thạch Quý: Dân khổ vì nước thải gây ô nhiễm nghiêm trọng
Mương dẫn đang thi công dang dở, khiến nước thải bị ứ đọng, gây ô nhiễm môi trường tại Tổ dân phố Tiền Tiến.

Đi sâu vào tổ dân phố Tiền Tiến, mùi thối nồng nặc xộc thẳng lên mũi. Đập vào mắt chúng tôi là nguồn nước thải đen ngòm, đặc quánh, đầy ruồi nhặng chảy quanh khu vực sinh sống của nhân dân. Cả cánh đồng rộng lớn giờ phải nhường chỗ cho bèo tây, cỏ tạp. Nước thải tràn ngập cả cánh đồng, len lỏi vào tận vườn nhà các hộ dân.

Bà Trịnh Thị Hồng bức xúc: “Có đến đây mới thấy hết nỗi khổ của bà con chúng tôi. Mùa nắng còn đỡ, mùa mưa có lúc nước tràn cả vào nhà, rất bẩn thỉu. Ở đây, buổi sáng còn “dễ chịu”, nhưng chiều về nếu có trận gió nam thì đứng ngồi không yên. Nhà tôi phải đóng cửa lại, nhưng bức bí quá, đành phải đeo khẩu trang cho đỡ mùi hôi thối”.

Ông Võ Tá Lực – Tổ trưởng tổ dân phố cho biết: “Tổ dân phố Tiền Tiến có 156 hộ thì gần 60 hộ chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi nguồn nước thải. Cả cánh đồng trước đây đầy tôm cá nhưng nay chỉ là ổ chứa chuột và rắn rết. Bà con đành phải bỏ ruộng, bởi có sản xuất cũng không mang lại hiệu quả. Năm ngoái, gia đình tôi làm 2 sào lúa và vận động bà con cùng làm nhưng không ăn thua. Lúa vào thì con gái rất tốt, nhưng cứ trổ đòng là bông lại chuyển màu khô bạc. Khi chín, gạo cũng không ăn được. Hai sào lúa chỉ được vẻn vẹn 70 kg, nhưng phải gặt tới 5 ngày vì rễ cây thối mục, đổ rạt giữa đồng”.

Phó Chủ tịch UBND phường Thạch Quý – Điện Văn Minh cho biết: “Từ năm 2011 lại nay có gần 17 ha đất sản xuất của bà con tổ dân phố Tiền Tiến, Tiền Giang và một phần của phường Tân Giang phải bỏ hoang, trong khi đó, ngày trước, đây là vựa lúa của cả vùng…”.

Không chỉ ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống dân sinh, thực trạng ô nhiễm môi trường trầm trọng này là điều kiện thuận lợi để các mầm bệnh phát triển. Ông Trần Hậu Cư – Trạm trưởng Trạm Y tế phường Thạch Quý cho biết: “Những năm gần đây, tỉ lệ người dân Thạch Quý mắc các bệnh ngoài da, tiêu chảy, kiết lị, hô hấp… tăng cao”.

Thạch Quý: Dân khổ vì nước thải gây ô nhiễm nghiêm trọng
Bà Trịnh Thị Hồng thường phải đeo khẩu trang để chống đỡ lại mùi hôi thối

Giải thích nguyên nhân của thực trạng này, Phó Chủ tịch UBND phường Thạch Quý cho biết: “Đây chính là điểm cuối của mương dẫn nước thải từ thành phố đổ về, nhưng chưa được xây dựng xong. Cụ thể, mương T1 bắt đầu từ đường Trung Tiết (phường Thạch Quý) đến cách đường Mai Thúc Loan khoảng 30m đã xây dựng xong, phần còn lại chưa xây dựng. Vì thế, nước thải chảy tới đây, cứ thế ứ đọng, không thoát ra được cống Đập Bợt để đổ ra sông Rào Cái. Thêm vào đó, từ tháng 2/2013 lại nay, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) TP Hà Tĩnh đi vào hoạt động, nước thải của bệnh viện cũng đổ trực tiếp ra đây”.

Được biết, để khắc phục tình trạng này, UBND thành phố Hà Tĩnh đã trợ cấp kinh phí để phường Thạch Quý tiến hành duy tu, bảo dưỡng, nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy. Thế nhưng, giải pháp tạm thời này chỉ như “muối bỏ bể”, bởi sau khi khơi thông một thời gian ngắn thì đâu lại vào đấy. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Việt Hùng – Trưởng phòng TN&MT thành phố cho biết: “Dự án đô thị loại 2 – ADB giai đoạn 1 được thực hiện từ năm 2008-2010 trên 5 hệ thống kênh mương chính và một số hồ điều hòa thì hết vốn. Các điểm đấu nối từ giai đoạn 1 đến cống đê và ra sông chưa hoàn thành. Mương phần trên được xây dựng bằng hệ thống đá hộc, còn phần dưới vẫn là mương đất nên xảy ra tình trạng trên. Dự án ADB đã được phê duyệt, đang tiến hành giải phóng mặt bằng để xây dựng những phần kênh mương dang dở và dự kiến hết năm 2016 sẽ hoàn thành. Đồng thời, thời gian tới, UBND thành phố sẽ phối hợp Sở TN&MT, Sở Y tế tiến hành kiểm tra các hạng mục liên quan đến bảo vệ môi trường, yêu cầu BVĐK thành phố xây dựng các công trình, hạng mục xử lí rác thải, nước thải theo đúng thiết kế và báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được UBND tỉnh phê duyệt”.

Giám đốc Bệnh viện thành phố Trần Nguyên Phú thừa nhận: “Tất cả chất thải rắn và chất thải độc hại bệnh viện đã hợp đồng xử lý tại BVĐK Hồng Lĩnh và BVĐK tỉnh. Còn nước sinh hoạt và nước khác vẫn chảy qua mương”.

Cũng theo Giám đốc BVĐK thành phố, được sự giúp đỡ của Bộ TN&MT và UBND tỉnh, bệnh viện đã tiến hành xây dựng khu xử lí rác thải y tế và hệ thống xử lí nước thải. Hiện tại, toàn bộ hệ thống đã lắp đặt xong, máy xử lí chất thải và hệ thống xử lí nước thải đã tiến hành chạy thử và đang trong giai đoạn thẩm định. Hy vọng từ 1-2 tháng nữa, dự án sẽ hoàn thành.

Mùa mưa lũ đang đến gần. Người dân tổ dân phố Tiền Tiến, Tiền Giang nói riêng, nhân dân phường Thạch Quý nói chung mong các cấp chính quyền, ngành chức năng vào cuộc một cách mạnh mẽ, trả lại môi trường sống trong sạch, yên lành.

THU PHƯƠNG/Baohatinh.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP