Tin Hà Tĩnh

Tết không điện, không nước sạch ở vùng mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á

10 năm qua, với hàng vạn dân vùng mỏ sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh), để có cái Tết ấm no là điều xa xỉ.

Con đường dẫn vào các xã xung quanh dự án vùng mỏ sắt Thạch Khê (huyện Thạch Hà) chằng chịt ổ gà, ổ voi.

Gia đình ông Nguyễn Hữu Phượng (68 tuổi) thuộc hộ nghèo khó trong thôn. Ông bà kể, năm ngoái, con gái lấy chồng xa biếu ít tiền đủ mua ít bộ giấy áo, chục bánh thắp hương cho tổ tiên. Năm nay chỉ mua cân hoa quả về hương khói, còn ít tiền mua vài chục cá mắm, canh rau ăn như ngày thường.

Căn nhà ông Phương đã bị bong tróc, nhưng do chạy ăn từng bữa nên ông bà không có điều kiện để tu sửa nhà

Đối với hộ gia đình ông Nguyễn Văn Cử (47 tuổi, trú thôn Vân Sơn, xã Thạch Đỉnh), Tết đến xuân về, trong nhà có bánh chưng, thịt lợn chỉ còn trong hoài niệm.

Một thập kỷ qua, gia đình ông, 6 con người sống lay lắt, bám trụ trong cái chòi không có điện thắp sáng, không có nước sạch.

Ông Cử trải lòng, mấy năm trước, Tết đến phải đi mua nợ nhu yếu phẩm, đồ dùng. Qua Tết chăn nuôi con gà, con bò bán trả dần.

Bây giờ, ruộng không có, chưa hề nhận được tiền bù vì vướng giải phóng mặt bằng, ông lại mắc bệnh tim nên có được bao nhiêu tiền là đi viện, gia đình nghèo đói triền miên.

Ông Nguyễn Công Thành (67 tuổi, thôn Vân Sơn, Thạch Đỉnh) phải quay về chỗ cũ để ở, chấp nhận cảnh sống không có điện, nước sinh hoạt. Ông phải dùng bình ắc quy để tích điện.

Tết năm nay, con cái không có nổi bộ quần áo mới. Chiều 30 chỉ làm mâm cơm canh cúng tổ tiên, cả nhà có gì ăn đó như hằng ngày.

Ông Võ Văn Khiên, trưởng thôn Thượng Hải, xã Thạch Hải chia sẻ: “Dân khổ lắm rồi, sức chịu đựng cũng có hạn. Là nông dân nhưng không có đất sản xuất. Nếu mỏ sắt cứ bất động thì dân chúng tôi không còn khái niệm ăn Tết".

Không dám về quê ăn Tết

Chủ tịch xã Thạch Hải Nguyễn Hải Lý cho biết, nhiều năm nay vì sự chậm trễ của mỏ sắt mà đời sống của người dân khó khăn, các xã bị ảnh hưởng có hộ nghèo và cận nghèo cao nhất huyện. Hai vấn đề bi hài ở xã là tách hộ và dân bỏ làng mà đi.

Chủ tịch xã Thạch Hải Nguyễn Hải Lý

Chủ tịch xã Thạch Hải Nguyễn Hải Lý

Tái định cư còn nằm trên giấy nhưng đất đai không cấp cho dân ở. Hơn 200 hộ ở xã Thạch Hải có 3-4 thế hệ chung sống trong một gia đình, họ khẩn thiết cấp đất làm nhà ra ở riêng.

Chuyện tưởng như đùa thuộc gia đình ông Nguyễn Văn Huyên (thôn Nam Hải), căn nhà 300m3 là nơi sinh hoạt của 15 người, 4 thế hệ chung sống. Cảnh nhà chật chội mà nhiều cái tết ông bà không được sum vầy đầy đủ con cháu.

Ông kể, gia đình ông 4 người con trai, 10 năm nay ông đã viết hàng chục lá đơn xin cấp đất tách hộ nhưng vô vọng. Con trai cả của ông bà đi làm ăn xa, đã lập gia đình nhưng 5 năm không dám đưa vợ con về ăn Tết vì không có đủ chỗ ngủ.

Nhiều ngôi nhà để hoang do dân bỏ làng đi

Nhiều ngôi nhà để hoang do dân bỏ làng đi

“Tết là dịp gia đình sum vầy nhưng tui chỉ biết động viên con cháu ăn Tết nơi đất khách. Cứ tiếp tục chờ cấp đất thì không biết đến bao giờ cháu đích tôn được ăn Tết ở quê hương”, ông Huyên ngậm ngùi.

Ông cũng thông tin, ở thôn có hơn 20 hộ vì đói khổ, không có việc làm nên bỏ làng đi làm ăn xa, nhà cửa để hoang.

Sát nhà ông, gia đình ông Như (67 tuổi), phải tha hương theo con cái vào Nam đi làm xe ôm mưu sinh, nhiều năm rồi dịp Tết cũng không thấy họ về quê. Ngày Tết ở thôn xóm ảm đạm, đìu hiu.

Tảo mộ chung

Về vùng mỏ nghe dân than thở câu cửa miệng “người sống đã khổ, người chết chẳng được yên”.

Đặc biệt vào dịp Tết đến nhiều dòng họ lại tiếp tục hành trình tìm lại mồ mả đã bị vùi lấp trong cát.

Ông Nguyễn Tuấn Tứ, Trưởng tộc dòng họ Nguyễn ở Thạch Đỉnh

Ông Nguyễn Tuấn Tứ, Trưởng tộc dòng họ Nguyễn ở Thạch Đỉnh

Ông Nguyễn Tuấn Tứ (Trưởng tộc dòng họ Nguyễn ở xã Thạch Đỉnh) cho biết, từ khi bóc đất tầng phủ, xuất hiện những núi cát vùi lấp mồ mả, kể cả những ngôi mộ to nhất.

Ở quê thường có tục tảo mộ cuối năm, có nhiều trường hợp ngôi mộ tổ của dòng họ này mới tảo xong thì dòng họ khác tiếp tảo mộ. Việc tảo mộ chung giữa các dòng họ không tránh khỏi.

Ông Tứ phải luân phiên cho con cháu ban đêm đi canh giữ mồ mả của dòng họ mình, để tránh tình trạng bị những người dân không có việc làm, đói quá làm liều đi xúc trộm cát vào ban đêm nên vô tình xúc luôn cả mồ mả.

Có nhiều hộ trong dòng họ không thể xác định được mồ mả tổ tiên do bị vùi lấp trong cát nên đành phải tảo mộ tại các ngôi mộ gió ngày Tết.

Phó chủ tịch huyện Thạch Hà, ông Nguyễn Quốc Hương chia sẻ: "Mỏ sắt Thạch Khê là dự án lạ lùng, 10 năm qua vẫn nằm trên câu chuyện hồ sơ, khiến đời sống bà con rơi vào cảnh khổ sở nhất tỉnh.

Mỏ sắt hiện đang dừng hoạt động kéo theo nhiều hệ lụy, quan điểm của huyện là nếu mỏ sắt có dừng lại thì cũng phải giải quyết những hệ lụy mà họ đã gây ra, để bà con ổn định đời sống".

Ông Nguyễn Công Thành (67 tuổi, thôn Vân Sơn, Thạch Đỉnh) phải quay về chỗ cũ để ở, chấp nhận cảnh sống không có điện, nước sinh hoạt. Ông phải dùng bình ắc quy để tích điện.

Tác giả: Đậu Tình

Nguồn tin: Báo VietNamNet

  Từ khóa: Đông Nam Á

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP