Chính vì khan hiếm nên không phải cứ có tiền là mua được chiếc M55 Terminus, do chính tay hoàng tử Monaco thiết kế và chỉ sản xuất có 250 chiếc. Khách mua xe phải đặt hàng, thanh toán trước và đợi từ một đến hai năm để được giao hàng.
Ngoài ra, các tín đồ sành điệu thường lựa chọn những chiếc xe nhập khẩu nguyên chiếc từ Đức, Mỹ, với giá từ năm mươi đến cả trăm triệu đồng một chiếc. Nhiều mẫu xe có giá ngang, thậm chí hơn tiền một chiếc xe máy cao cấp như SH, Vespa.
Đặc điểm nổi trội của dòng xe này là độ bền cao và rất nhẹ, đặt cả xe lên bàn cân cũng chỉ nặng 8-10 kg. Để làm chủ loại Freeride đổ đèo với kết cấu khung siêu cứng, giảm sóc trước 180-200 mm, giảm sóc sau 200-220 mm, người chơi phải bỏ ra khoảng 8.000 USD.
Đồ phụ kiện đi kèm cũng rất đa dạng, thay đổi theo xu hướng, theo thời gian và theo mùa. Khung xe đắt nhất tầm 3.000 USD, giảm sóc từ 1.600-1.700 USD. Các dòng xe thể thao cao cấp có 3 loại: khung nhôm, hợp kim nhôm và carbon. Dòng khung carbon thuộc hàng cao cấp, còn gọi là dòng xe VIP, có mức giá khủng nhất trên thị trường hiện nay và chỉ dành cho người có thu nhập cao.
Theo các chuyên gia, xe đạp đang là phương tiện di chuyển được nhiều người lựa chọn nhờ ưu điểm gọn nhẹ, không phát ra tiêng ồn và chi phí thấp. Kiểu dáng và mẫu mã cũng đang được thay đổi, thiết kế mềm mại phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng hơn.
Phong trào chơi và sử dụng xe đạp tại Việt Nam cũng khá mạnh. Tới đây, Đại hội liên minh các quốc gia xe đạp châu Á, lễ hội đạp xe vì môi trường sẽ được tổ chức tại TP.HCM vào tháng 12. Bên cạnh đó, triển lãm xe hai bánh cũng sẽ là một diễn đàn thu hút người chơi xe tham gia.
Không chỉ xe đạp hạng sang mà nhiều dòng xe khác cũng đang được giới chơi xe ưu chuộng. Trên thị trường xe hai bánh trong nước có thể kể tới các dòng xe như Jett Cycle, xe đạp nhập khẩu thương hiệu Polygon hay thương hiệu Baamboo bike, Ferrari, Porche, Aston Martin, Veslo Chic Peugeot, Giant,…
Gần đây nhất, chiếc xe đạp Thống Nhất đã xuất hiện trở lại với hình ảnh công an Hà Nội sử dụng làm phương tiện để đi tuần. Loại xe đạp này dựa trên nguyên mẫu xe đạp thông thường nhưng đã được cải tiến, bổ sung một số tính năng riêng biệt, phù hợp với yêu cầu công tác của lực lượng cảnh sát trật tự. Hà Nội dự kiến, trong thời gian tới sẽ áp dụng triển khai thí điểm trên địa bàn 12 phường ở 12 quận nội thành.
Ông Nguyễn Hữu Sơn – Phó chủ tịch Hiệp hội Ô tô, Xe máy, Xe đạp chia sẻ “Tôi vẫn luôn ước mơ đến một ngày, những chiếc xe đạp sẽ lại ngược xuôi trên các đường phố Hà Nội và những con đường ở Việt Nam, để Hà Nội và nhiều nơi sẽ xanh hơn, sạch hơn và bình yên hơn”.
Xu hướng sử dụng xe đạp phát triển mạnh ở nhiều thành phố lớn, ngày càng thu hút nhiều người tham gia, đơn cử như các câu lạc bộ tại Hồ Tây, Hồ Linh Đàm (Hà Nội) hay Hồ con Rùa, Phú Mỹ Hưng (TP.HCM); Cầu Rồng (Đã Nẵng); Cung đường Trần Phú (Nha Trang), hoặc vào facebook, diễn đàn tham gia các nhóm đi xe trong thành phố, hoặc đi xe theo kiểu “phượt”.
Theo ông Sơn, Chính phủ đang đẩy mạnh chính sách hạn chế những loại xe xả khí thải ảnh hưởng đến môi trường, thay thế bằng phương tiện giao thông công cộng và khuyến khích sử dụng xe đạp.
D.Anh / VEF