Tên lửa Unha-3 được phóng từ bãi thử Sohae ở Tongchang-ri hồi năm 2012. Ảnh: AP. |
Triều Tiên đang "nhanh chóng xây dựng lại" một bãi thử tên lửa tầm xa tại khu phóng vệ tinh Sohae ở Tongchang-ri, phía tây bắc nước này, theo hình ảnh vệ tinh và phân tích từ các nhà nghiên cứu thuộc dự án Beyond Parallel. Triều Tiên từng sử dụng Sohae để phóng thử vệ tinh và chúng sử dụng công nghệ phóng tương tự tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM).
Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc (NIS) ngày 5/3 cũng cho biết họ phát hiện Triều Tiên đã lắp lại một phần mái che và cánh cửa tại bãi phóng tên lửa ở Tongchang-ri, nơi Bình Nhưỡng tuyên bố phá bỏ hồi năm ngoái tại hội nghị thượng đỉnh lần đầu tiên giữa lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump ở Singapore.
Những hoạt động mới này, được thực hiện chỉ hai ngày sau hội nghị thượng đỉnh không có kết quả ở Hà Nội giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim Jong-un, có thể là dấu hiệu cho thấy Triều Tiên đang muốn thể hiện phản ứng trước sự khước từ của Mỹ đối với yêu cầu dỡ bỏ 5 trong tổng số 11 lệnh trừng phạt mà Bình Nhưỡng đưa ra tại hội nghị, giới phân tích nhận định.
Lý giải cho việc hội nghị thượng đỉnh ở Hà Nội tuần trước khép lại mà không có thỏa thuận nào được ký, Tổng thống Trump nói Triều Tiên yêu cầu xóa bỏ toàn bộ các biện pháp trừng phạt, một điều kiện Mỹ không thể chấp nhận. Tuy nhiên, sau đó, Ngoại trưởng Triều Tiên lại thông báo rằng Bình Nhưỡng chỉ yêu cầu xóa 5 trên 11 lệnh trừng phạt.
Beyond Parallel, dự án được tài trợ bởi Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), mới đây xác định Triều Tiên vẫn còn 20 địa điểm thử tên lửa chưa công bố. Theo dự án này, có "những hoạt động" tại một bệ phóng thử nghiệm động cơ thẳng đứng và cấu trúc đưa tên lửa tới bệ phóng. Báo cáo kết luận những hoạt động trên là "có chủ đích".
"Hoạt động họ đang thực hiện giống như chuẩn bị cho một cuộc thử nghiệm dù các hình ảnh vệ tinh tới nay chưa cho thấy tên lửa nào được đưa tới bệ phóng", Victor Cha, một trong những tác giả của báo cáo từ Beyond Parallel, cho hay.
"Hoạt động trên mặt đất cho chúng ta thấy họ thực sự có năng lực tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và nó không phải ở giai đoạn phát triển mà đã tới giai đoạn thử nghiệm nguyên mẫu", Cha đánh giá. "Họ đã thử một số mẫu và dường như đang chuẩn bị bệ phóng cho một vụ thử khác".
Tuy nhiên, theo một số nhà phân tích và chuyên gia, hình ảnh vệ tinh cung cấp nhiều thông tin hữu ích nhưng không nên làm trầm trọng hóa vấn đề khi chưa có đủ thông tin tình báo.
"Nếu Triều Tiên làm điều gì mà họ muốn chúng ta biết, họ sẽ nói ra. Đến giờ, họ chưa nói bất kỳ điều gì", Joseph Yun, cựu đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ về chính sách Triều Tiên, bình luận. "Chúng ta chưa có đủ thông tin để đánh giá. Suy đoán của tôi là còn quá sớm để nghĩ rằng đây là động thái nhằm đáp trả những gì diễn ra ở Hà Nội".
Joel Wit, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, người sáng lập dự án 38 North nghiên cứu về Triều Tiên, cho rằng những động thái ở Tongchang-ri không cung cấp đủ căn cứ để khẳng định rằng Triều Tiên đang chuẩn bị thử ICBM.
Dù vậy, giới quan sát nhận định việc nối lại hoạt động ở Tongchang-ri vẫn là một hành động gây bất ngờ bởi sau hội nghị thượng đỉnh đầu tiên ở Singapore hồi tháng 6 năm ngoái, Tổng thống Trump ngụ ý rằng Triều Tiên đã bắt đầu phá hủy bãi phóng vệ tinh Sohae, tên gọi khác của Tongchang-ri.
Theo Dave Schmerler, chuyên gia tại Trung tâm nghiên cứu Không phổ biến vũ khí hạt nhân, sự phát triển đáng chú ý hơn cả là những công việc đang được thực hiện trên bệ thử động cơ, nơi Bình Nhưỡng về mặt lý thuyết có thể cải tiến các động cơ cho tên lửa hạt nhân.
Triều Tiên từng thử thành công hai loại ICBM trên bệ phóng di động, vì thế họ không cần thiết phải có bệ phóng cố định để thử tên lửa tầm xa.
Schmerler nhận định cũng có khả năng các hoạt động ở Tongchang-ri là một nước cờ trong chiến lược đàm phán của Triều Tiên nhằm gia tăng sức ép lên Mỹ.
Tổng thống Trump và Ngoại trưởng Pompeo từng không ít lần lấy việc Triều Tiên không thử hạt nhân hay tên lửa trong hơn một năm qua làm dẫn chứng cho thành công của nỗ lực đàm phán.
"Bản thân bãi thử đó đã mang ý nghĩa riêng và người Triều Tiên biết chúng ta luôn quan sát họ", ông nói. "Khi họ làm gì đấy ở Sohae, họ biết nó có thể dễ dàng trở thành đề tài bàn luận công khai trên chính trường Mỹ".
Hiện chưa rõ những thộng thái ở Tongchang-ri sẽ ảnh hưởng như thế nào tới các bước đi tiếp theo của Nhà Trắng đối với Triều Tiên.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Robert Palladino mới đây không trả lời trực tiếp câu hỏi các nhà ngoại giao Mỹ có liên lạc với quan chức Triều Tiên kể từ khi rời Hà Nội hay không. Ông chỉ nói rằng hai bên vẫn duy trì "liên lạc thường xuyên".
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton hôm 5/3 cho biết sau hội nghị thượng đỉnh ở Hà Nội, ông hy vọng Triều Tiên sớm cho thấy "liệu họ có nghiêm túc trong các cuộc đàm phán hay không" và "liệu họ có thực sự cam kết từ bỏ vũ khí hạt nhân cùng mọi thứ liên quan hay không".
"Nếu họ không sẵn sàng làm vậy, Tổng thống Trump đã nêu rõ ràng rằng họ sẽ không thể xóa bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế đang phải chịu và chúng tôi sẽ tìm cách gia tăng chúng", ông nhấn mạnh.
Tổng thống Mỹ trong khi đó từng tuyên bố hai bên đã rời khỏi hội nghị thượng đỉnh ở Hà Nội với thái độ thân thiện và để ngỏ cánh cửa cho đàm phán.
Vị trí bãi phóng tên lửa Tongchang-ri (chấm tròn màu đen). Ảnh: SPACE.com. |
Tác giả: Vũ Hoàng
Nguồn tin: Báo VnExpress