Hương Khê: Cách làm hay từ “ 1 tăng, 3 giảm, 4 không”
Bên cạnh việc duy trì ổn định mức sinh thấp. Trung tâm Dân số – KHHGĐ huyện tiếp tục chú trọng triển khai nhiều hoạt động nhằm cải thiện và nâng cao chất lượng dân số. Công tác dân số cũng gặp không ít khó khăn phong tục tập quán trọng nam khinh nữ vẫn còn nặng nề, chất lượng dân số còn thấp cả về thể lực, trí tuệ, tinh thần… Để khắc phục, nhằm hỗ trợ các xã đặc biệt khó khăn, xã có tỷ số giới tính khi sinh cao và thuộc vùng có mức sinh cao và không ổn định, cần tăng cường tuyên truyền, vận động, hỗ trợ nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGĐ tới các đối tượng. Trước đây, phương thức truyền thông dân số chủ yếu chỉ hướng vào lĩnh vực KHHGĐ . Thì nay, truyền thông dân số có thêm nhiệm vụ là nâng cao chất lượng dân số. Xác định rõ công tác truyền thông giáo dục là giải pháp và nhiệm vụ quan trọng trong công tác Dân số – KHHGĐ, nên các hoạt động truyền thông được ngành dân số duy trì thường xuyên. Trong đó, hiệu quả nhất là hình thức truyền thông trực tiếp tại hộ gia đình, thông qua mạng lưới cộng tác viên dân số và cán bộ y tế cơ sở với những nội dung, hình thức phù hợp tới người dân. Chủ động đón đầu trong công tác tuyên truyền Với những nỗ lực của đội ngũ cán bộ làm công tác dân số từ huyện xuống tận cơ sở trong công tác tuyên truyền, vận động thì quy mô dân số của huyện Hương Khê ngày càng ổn định, sau 5 năm ( 2011- 2015 ), dân số huyện đã giảm 1755 người, thời điểm 31/12/2010 dân số toàn huyện là 106.070 người thì đến 30/6/2015 là 104.815 người. Tỷ số chênh lệch giới tính khi sinh cũng là một trong những địa phương có tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh thấp so với toàn tỉnh, năm 2010 tỷ số giới tính là 115 bé trai/100 bé gái, năm 2014 là 109 bé trai/100 bé gái và 10 tháng đầu năm 2015 là 106 bé trai/100 bé gái. Tính đến nay, Đề án can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh duy trì hoạt động ở 16 xã, thị trấn với 35 câu lạc bộ phụ nữ không sinh con thứ ba, câu lạc bộ gia đình trẻ đa thu hút đông đảo các cặp vợ chồng tham gia sinh hoạt. Đi vào hoạt động từ năm 2012 đến nay, CLB Tiền hôn nhân các xã Hà Linh, Hòa Hải và Phúc Đồng, đã thu hút được nhiều bạn trẻ tham gia và có những hoạt động thiết thực, mang lại những lợi ích trong việc nâng cao kiến thức, kỹ năng chăm sóc SKSS cho các thành viên, giúp các bạn trẻ có suy nghĩ đúng và hình thành mối quan hệ lành mạnh, trong sáng về tình bạn, tình yêu, hôn nhân gia đình. Công tác dân số còn rất nhiều rất khó khăn vì tư tưởng “ trọng nam khinh nữ” còn tồn tại, gia đình có 1 hoặc 2 con chưa thật sự là chuẩn mực sống của một bộ phận người dân, tỷ lệ sinh con thứ 3 hằng năm có giảm nhưng chưa thật sự bền vững. Do đó ngành dân số cần tiếp tục đổi mới phương pháp truyền thông, tăng cường truyền thông đại chúng, tư vấn trực tiếp việc tuyên truyền, giáo dục, vận động để người dân nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi góp phần nâng cao chất lượng dân số. Đi âm thầm mà nhiều người biết Ở Hương Khê, nhiều người dân không quá xa lạ khi bắt gặp những người cộng tác viên dân số mặc dù đã ngót nghét ở cái tuổi “ xưa nay hiếm” những vẫn luôn tận tụy, nhiệt huyết yêu nghề để “ Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” vận động người dân thực hiện các các biện pháp KHHGĐ là công việc hàng ngày, rất đỗi quen thuộc đối với mỗi cộng tác viên dân số. Đi khắp đường làng, ngõ xóm để tuyên truyền dân số như bà Nguyễn Thị Thủy ( xóm Phú Hương 2- Hương Xuân ), bà Lê Thị Huynh, ( xóm Tân Hội- Hương Trạch), ông Nguyễn Đình Bát, ( xóm 6 Hương Giang), bà Trần Thị Nhung ( xóm Hòa Nhượng- Phú Gia), Bà Trần Thị Ái, ( xóm 13 Hòa Hải )… nhiều người dân gọi với cái tên trìu mến “ ông, bà dân số”. Chị Nguyễn Thị Tứ, cán bộ dân số xã Hòa Hải, một cán bộ đã có thâm niên công tác dân số đã hơn 10 năm nay cho biết: “ Nhờ làm tốt công tác truyền thông vận động nên trong hai đợt chiến dịch chăm sóc sức khỏe sinh sản/KHHGĐ của xã Hòa Hải năm 2015 đã có đông đảo người dân tham gia, chị em phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và phụ nữ mang thai, cung cấp biện pháp tránh thai hiện đại cho nhiều chị em, điều đáng mừng nhất là vận động được 3 ca triệt sản…” Anh Đặng Văn Khanh, cán bộ Dân số xã Hương Vĩnh, thì ví von: “ Với nhiệm vụ của mình, không ngại khó khăn, nắng cũng như mưa đến tận đường làng, ngõ xóm xuống từng hộ tuyên truyền, vận động; cung cấp kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản cho chị em, nhiều lúc vào tận Bản Giàng 2 nơi có đông đồng bào Chứt để tuyện truyền mệt mà vui… Vì là người địa phương, gần gũi với bà con nên tiếp cận với nhân dân dễ dàng hơn. Nhờ vậy, tỷ lệ áp dụng biện pháp tránh thai hiện đại trên địa bàn xã ngày càng tăng. Qua tìm hiểu thực tế cho thấy, hiện nay ở 22 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Hương Khê, quy mô gia đình có 1- 2 con đã được nhiều gia đình chấp nhận, vì vậy tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em đã giảm rõ rệt ( năm 2010 là 21%, năm 2015 ước giảm xuống 15%). Để nâng cao chất lượng dân số. Trung tâm Dân số- KHHGĐ huyện Hương Khê đã triển khai có hiệu quả hoạt động của Đề án Mất cân bằng giới tính khi sinh, Mô hình tiền hôn nhân, Đề án sàng lọc trước sinh và sơ sinh, nhất là Mô hình thí điểm “ kiểm soát chính sách khu vực biên giới” nên mục tiêu của “4 không” đã có nhiều kết quả. Những động thái quyết liệt của mục tiêu “ Một tăng, ba giảm, bốn không” của huyện Hương Khê cho thấy tính tích cực. Bên cạnh đó việc khó nhất trong thực hiện của 4 mục tiêu này chính là tỷ lệ sinh con thứ 3, bởi vì người dân miền núi, tư tưởng còn nặng nề, “ khát con trai” hơn thế nữa nhiều đồng bào theo đạo vẫn quan niệm “ đông con hơn rờm của” cần phải đẩy lùi hủ tục quá xa vời, do đó để thay đổi được ý thức hệ cần phải có thời gian và cần sự vào cuộc cả hệ thống chính trị. Hy vọng, với những biện pháp đề ra, cùng với sự nhiệt tình, cần mẫn của đội ngũ làm công tác dân số cơ sở, công tác dân số kế hoạch hóa gia đình trên địa bàn huyện năm 2015 sẽ đạt được nhiều kết quả tốt, góp phần nâng cao chất lượng dân số , thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển ổn định./.