Việc cơ quan chức năng chậm xác minh làm rõ nguồn gốc 30 tấn cá nục bị nhiễm chất phenol tại cơ sở kinh doanh cá Dũng Thuộc, đã gây thiệt hại rất lớn đến hoạt động đánh bắt cá và đời sống của bà con ngư dân trên địa bàn.
Nguồn gốc lô hàng trên, bà Lê Thị Thuộc, chủ cơ sở kinh doanh cá Dũng Thuộc cho rằng, bà thu mua chúng tại khu vực cảng cá Cửa Tùng, do các tàu thuyền của bà con ngư dân địa phương và nhiều nơi khác cập cảng, mang lên bán tại bờ, vào thời điểm sau 15 ngày kể từ khi phát hiện cá biển ở tỉnh Quảng Trị chết hàng loạt.
Tuy nhiên, qua xác minh cho thấy, việc bà Thuộc đã thu mua số cá nục này ngay tại thời điểm cá biển chết hàng loạt và tại tỉnh Quảng Trị, cá biển chết lúc đó vừa mới tấp vào bờ. Thế nhưng, bà Thuộc quanh co rằng, 30 tấn cá nục cơ quan chức năng phát hiện bị nhiễm chất phenol của cơ sở bà, đều không được thu mua vào thời điểm trên(?!).
Hỏi, vào sáng 20-4-2016, khi kiểm tra kho đông lạnh, bà đã phát hiện số cá nục mua vào sáng 19-4, đã bị vữa ra, bốc mùi hôi rất lạ; đồng thời có 2 công nhân vào ngày 19-4, đã bị ngộ độc do đã ăn 2 con cá trong số cá bà đã thu mua? Bà Thuộc trả lời: “Trong kho đông lạnh của tôi hiện tại không hề có cá bị vữa, hôi như thế; còn 2 công nhân ăn cá bị ngộ độc đó là người ở cảng cá”(?).
Công bằng mà nói, bà Thuộc là một trong những chủ cơ sở kinh doanh cá, làm ăn có uy tín ở Cửa Tùng. Nhờ đó, 14 năm qua, kể từ khi đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh này đến nay, gia đình bà đã nhanh chóng phất lên giàu có. Tuy nhiên, có thể do chủ quan và thiếu thông tin, vào thời điểm cá biển chết hàng loạt, lúc đó vừa mới tấp vào bờ biển Quảng Trị, chủ cơ sở kinh doanh này đã thu mua cá nục với số lượng lớn kể trên.
Vào thời điểm đó, không riêng bà Thuộc, một số cơ sở khác kinh doanh cá ở địa phương này cũng vì ham rẻ mà thu mua hàng tấn cá vừa mới được các tàu thuyền đánh bắt về, trong một ngày. Chưa hết, có cơ sở chế biến cá làm thức ăn cho gia súc còn thu mua tới 3 tấn cá do người dân vớt được dọc bờ biển, chỉ trong buổi sáng 29-4-2016…
Đáng chú ý, những lần lấy mẫu cá để tiếp tục xét nghiệm, làm rõ chất phenol có trong lô hàng hay không, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị đã phát hiện lô cá nục 30 tấn mà bà Thuộc khai báo, thực chất chỉ có 20 tấn…
Số cá nục nhiễm chất phenol tại kho lạnh cơ sở kinh doanh cá Dũng Thuộc. |
Theo báo cáo của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Quảng Trị (thuộc Sở Y tế tỉnh Quảng Trị), tại thời điểm cơ quan chức năng lấy mẫu cá lần đầu ở kho cá đông lạnh của cơ sở Dũng Thuộc, bà Thuộc khai, kho có tổng cộng 110 tấn cá, trong đó có 70 tấn cá nục; 10 tấn cá ngừ; 20 tấn cá trích, cá sòng và 10 tấn cá lẫn lộn khác.
Qua xác minh, số cá nục có 3 lô thu mua ở 3 thời điểm khác nhau; trong đó có 1 lô được cho là 30 tấn nhưng thực chất chỉ có 20 tấn được thu mua ngay vào thời điểm cá biển ở miền Trung chết hàng loạt. Kiểm tra theo hình thức lấy mẫu ngẫu nhiên đại diện cho 3 lô cá nục này đem phân tích kiểm tra và cho kết quả 2 mẫu đại diện cho 2 lô thu mua vào thời điểm trước khi xảy ra việc cá biển ở miền Trung chết hàng loạt và sau 15 ngày kể từ khi có sự việc trên, các chỉ tiêu đều nằm trong giới hạn cho phép và an toàn.
Riêng lô cá nục mua ngay vào thời điểm cá biển chết hàng loạt, kết quả phân tích theo phương pháp sắc ký khí phối phổ, cho thấy 10 chỉ tiêu kim loại nặng như asen, chì, cadimi, thủy ngân, croom, niken, đồng, sắt, kẽm, mangan đều nằm trong giới hạn cho phép; cyanua không phát hiện, nhưng lại phát hiện hàm lượng phenol trong cá nục này nhiễm là 0.037mg/kg cân nặng.
Thiết nghĩ, việc cơ quan chức năng Quảng Trị cần làm bây giờ là tổ chức tiêu hủy ngay số cá nục bị nhiễm chất phenol trên; công bố, thông tin rộng rãi việc số cá nục này được đánh bắt, thu mua vào thời điểm nào; rằng chúng không liên quan gì tới số cá nục do bà con ngư dân Quảng Trị đã vươn khơi đánh bắt được vào thời điểm sau 15 ngày kể từ khi phát hiện cá biển ở vùng biển này chết hàng loạt và sau thời điểm 15 ngày đó đến nay. Có làm như vậy, bà con ngư dân mới yên tâm sản xuất, vươn khơi bám biển; dư luận mới hết hoang mang.