Tôi muốn viết một bài báo về làng mình nhưng chưa chọn ra chủ đề ưng ý. Vào quán nước đầu làng, ông già ngồi bàn bên cạnh mách nước viết về cái sự hiếu học của làng Xa Lang. Anh con trai ông Lạng ngồi gần cũng reo lên, đúng đó ông, làng ta giáo sư tiến sĩ, kỹ sư, bác sĩ… cả bầy, đông như lợn con, tha hồ ông vung bút. Tôi quay lại liếc nhìn bác sĩ Đàn, ngồi cạnh, nguyên Trưởng phòng Y tế huyện Đức Thọ đã nghỉ hưu mấy năm qua: bác sĩ, cái thằng ba trợn này nó bảo kỹ sư bác sĩ đông như lợn con mà bác ngồi im à.
Cụ Đàn cười, thằng nớ ăn nói bặm trợn, nó dùng từ bầy là xúc phạm trí thức nhưng cũng có phần đúng ông ạ, vì làng ta có quá nhiều cử nhân các ngành, số có học hàm, học vị cao cũng không đếm xuể, riêng cái xóm ta đang ngồi đây, chưa đầy năm mười hộ, đã có hai ông phó giáo sư tiến sĩ dạy toán ở Đại học Sư phạm Vinh là Lê Quốc Hán và Trần Văn Sinh và hai ông dạy Đại học Sư phạm, một ở Hà Nội và một ở Nghệ An là ông Lê Ngọc Hoàn và Trần Văn Du. Các xóm khác trong xã cũng nhiều giáo sư tiến sĩ không kém gì xóm này, như xóm Đình chẳng hạn, có đến hai ông giáo sư, một làm hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, một dạy đại học ở bên Đức, cả xã có mười ba ông tiến sĩ, xóm Đình đã có đến ba ông…
Dòng sông bao bọc làng Xa Lang. |
Cách đây gần chục năm, tôi về làng lân la chuyện trò với thầy Trần Lê Đệ, thầy cho biết, làng ta thời phong kiến đã có người đậu tiến sĩ, thời thuộc Pháp, Tây học, có người đậu tú tài. Sau Cách mạng Tháng Tám, tuy giặc giã quấy phá, Pháp ném bom đầu làng cuối xóm, dân tình đói nghèo nhưng chính quyền đã quan tâm đến sự học của người dân và người dân nghèo cái chữ nên trọng người hay chữ, bóp bụng nuôi con thành ông trạng, ông nghè…, chẳng nhớ câu thơ này của ai – thầy Đệ hạ giọng, nhưng nó hợp với cách trọng chữ nghĩa của dân làng ta. Thầy Đệ rủ rỉ kể tiếp, hiện nay xã ta có gần hai mươi tiến sĩ đang công tác ở các viện, các trường đại học, riêng ở thủ đô Hà Nội đã có hai giáo sư tiến sĩ làm hiệu trưởng hai trường đại học, đó là Giáo sư tiến sĩ Đinh Quang Báo, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Giáo sư tiến sĩ Nguyễn Duệ, Giám đốc Học viện Ngân hàng Việt Nam.
Nói đến đó thầy Đệ ngừng lại, tôi vỗ vai thầy, thầy quên một người nữa là Giáo sư tiến sĩ Nguyễn Đình Hối, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược TPHCM. Ba ông giáo sư tiến sĩ này, một người xóm Đình, một người xóm Săng và một người ở cuối xã, cùng làm hiệu trưởng cùng một giai đoạn đầu thế kỷ 21.
– Bác đã đến gặp ông bà Nhì thân sinh của thầy Báo chưa? – thầy Đệ hỏi.
– Rồi, hai ông bà này là nông dân chính hiệu, suốt ngày cày sâu cuốc bẫm, nuôi con bằng hạt lúa củ khoai, rau lang rau má mà con trở thành giáo sư tiến sĩ, tôi phục lắm. Còn Giáo sư tiến sĩ Duệ, con ông bà Kiên, dù sao ông bà Kiên là công chức nhà nước có đồng lương nuôi con ăn học cũng dễ dàng hơn, phải không thầy?
– Vậy bác có biết Giáo sư tiến sĩ Nguyễn Đình Hối là con ông bà nào không?
– Con ông Nguyễn Đình Chư, thường gọi là Hàn Chư, gia đình ông Chư còn có họ hàng xa với nhà tôi, nên tôi biết tường tận. Ông Hàn Chư, rời xóm Săng đi làm ăn ngoài Thanh Hóa. Anh Hối sinh ở ngoài ấy, lớn lên học hành thời kháng chiến chống Pháp ở xứ Thanh nên nhiều người làng ta, ngay có ông cán bộ ủy ban xã cũng quên mất anh Hối là người xóm Săng, mà đưa anh vào diện là con cái của làng, họ hồn nhiên bảo Giáo sư tiến sĩ Hối là người Thanh Hóa. Có lần thầy giáo Cát, người xóm Thượng, nghỉ hưu trong Sài Gòn gặp tôi cho biết thầy hiệu trưởng Nguyễn Đình Hối rất buồn vì dân làng quên anh, một con dân của làng. Biết tôi có ý định viết một bài về sự học hành thành đạt của dân làng Xa Lang (xã Sơn Tân), thầy Nguyễn Xuân Phong, người xóm Trại, nguyên Phó hiệu trưởng Trường cấp ba Huỳnh Thúc Kháng, gọi điện nhắc tôi, anh nhớ người làng ta làm hiệu trưởng đầu tiên thời Triều Nguyễn là cụ Nguyễn Quán, Hiệu trưởng Trường Quốc Tử Giám trong Huế, cụ là viện sĩ Hàn Lâm. Nhắc đến thầy Phong, tôi lại nhớ họa sĩ Lưu Công Nhân có lần gặp nhau trên đường phố Sài Gòn cho hay vừa mới đi Ba Lan về.
Những ngày lang thang ở Ba Lan anh có đến sứ quán tá túc mấy ngày, trò chuyện với một ông tùy viên văn hóa là Nguyễn Xuân Lựu, ông cho biết trước đây ông học ở Ba Lan, học xong về nước, ông làm trưởng một khoa ở Đại học Giao thông, mới được nhà nước điều sang sứ quán Ba Lan làm việc vài năm nay. Tôi cho Lưu Công Nhân biết, gia đình Nguyễn Xuân Lựu toàn là thầy giáo, từ ông cụ thân sinh đến các anh em trai, chị em gái đều là giáo viên từ trung học đến đại học, cậu em trai Nguyễn Xuân Lựu là Nguyễn Xuân Hùng đang dạy Đại học Bách khoa.
Trong sổ công tác phóng viên, từ lâu rồi tôi ghi lại làng tôi có ba thầy giáo được phong Nhà giáo nhân dân, hai người là giáo sư đại học, một người là giáo viên cấp ba dạy ở tỉnh Bắc Giang là thầy Trần Văn Chút, thầy ở cách nhà tôi ba xóm. Năm 1956, tôi gặp anh Chút làm thợ cắt tóc ở phố Hàng Long (nay là phố Lê Duẩn) anh cho biết anh làm nghề này từ năm thứ nhất Đại học Sư phạm Hà Nội để lấy tiền lo cơm áo và giấy bút… Tôi hỏi anh ra Hà Nội như thế nào, anh cho biết đã đi bộ gần ba trăm cây số từ quê ra đây – anh nói, chẳng riêng gì mình, làng ta lúc đó có sáu đứa cũng ra Hà Nội thi vào đại học, tất cả đều là con địa chủ, năm thằng bị đội cải cách quy oan. Anh Chút bấm đầu ngón tay kể từng tên cho tôi nghe: Nguyễn Đình Giáp, Nguyễn Quốc Báo, Nguyễn Quốc Túy, Nguyễn Sĩ Lý, Nguyễn Sĩ Bá… chỉ có Nguyễn Đình Báo học Đại học Y khoa, năm đứa còn lại vào sư phạm, Nguyễn Đình Giáp học khoa Toán, còn lại đều học khoa Văn. Ra trường đi dạy khắp các tỉnh trên miền Bắc.
Năm ngoái tôi ghé nhà thầy Lê Văn Bài, người cùng học một khóa Đại học Sư phạm với thầy Chút, hỏi anh: “Anh Chút dạy phổ thông được phong Nhà giáo nhân dân là của hiếm, tại sao anh ấy được phong danh hiệu cao quý này”. Anh Bài cười, Trần Văn Chút dạy giỏi, tốt nghiệp phổ thông trung học, học trò lớp mười hai của Chút, môn Văn, không em nào dưới điểm trung bình và những học sinh đi thi học sinh giỏi toàn quốc môn Văn của tỉnh Bắc Giang, đoạt giải cao phần lớn là học trò của Chút. Thầy Bài nói thêm, hai anh em ruột Nguyễn Sĩ Bá và Nguyễn Sĩ Mai được phong Nhà giáo ưu tú chắc cậu biết rồi. Theo chỗ tôi biết, làng Xa Lang của cậu còn có mấy giáo sư tiến sĩ dạy đại học bên Mỹ, Đức, Thái Lan. Vui chuyện, tôi kể cho anh Bài về những tiến sĩ này lang thang khắp thế giới dạy đại học…
Tôi đi ra phía cánh đồng, nhiều đoạn chưa bê tông hóa, lầy lội, dấu vết của trận lụt vừa rút. Đang dò dẫm từng bước bỗng một cháu bé áng chừng lên mười, tiến lại nắm tay tôi: Để con dắt ông, ông về mô? Tôi bảo cháu xuống xóm Đình. Cháu mau miệng, con là người xóm Đình, ông đến nhà ai ở xóm con. Tôi hỏi cháu có biết nhà cụ Nguyễn Đình Kỳ không? Biết chớ, cụ Kỳ có con trai là tiến sĩ Nguyễn Quang Vinh đang dạy đại học bên Đức. Cháu có biết giáo sư Vinh dạy môn gì bên đó không? Cháu bé lắc đầu, làm sao con biết được. Tôi bảo cháu, giáo sư Vinh dạy môn Sinh học đó con. Tôi dặn cháu, bây giờ ông ra bờ sông ngắm thuyền bè qua lại, con vào nhà ông Kỳ xem thử có ai ở nhà thì ra bến sông gọi ông nhé.
Ngồi ngắm cảnh sông Ngàn Phố chưa nóng chỗ, cháu bé đã ra ngồi cạnh, báo cho biết cả nhà ông Kỳ đi vắng, thôi ông vào nhà con nhởi (chơi). Tôi đứng dậy đi theo cháu, hóa ra cháu là cháu bà Hòa, tất cả con cái gia đình này đã tốt nghiệp đại học cũng như gia đình bà Tâm, bà Thịnh, bà Lam… đều phổ cập đại học. Chữ phổ cập đại học là cách nói của ông bí thư đảng ủy xã khi trò chuyện với tôi, ông bí thư còn nhấn mạnh những gia đình này đều là thuần nông, cày sâu cuốc bẫm.
Tôi rời khỏi nhà bà Hòa khi đã tối hẳn, trời trong xanh cao vời vợi, trăng và sao nhấp nháy ở trên đầu, soi rõ cồn Bút, cồn Nghiên. Ngày nhỏ trẻ con làng Xa Lang đứa nào cũng thuộc sự tích về hai cái cồn này. Chuyện kể rằng: Xưa, trong làng có hai anh học trò nhà nghèo không có gì ăn nhưng lại ham học, không có tiền mua dầu, đêm đêm họ rủ nhau ra bãi tha ma bắt đom đóm bỏ vào chai, thay đèn để học. Sau khi hai người học trò nghèo chết, dân làng chôn cất họ ở bãi tha ma đó. Hai ngôi mộ, năm tháng trôi qua cứ lớn dần lên thành hai cái cồn như hai quả núi đất được gọi là cồn Bút, cồn Nghiên.
Nhớ huyền thoại xưa, lại khâm phục sự ham học, thành đạt của dân làng Xa Lang, Hương Sơn, Hà Tĩnh ngày nay…
XUÂN ĐÀI