Cơn lũ lịch sử
Hoàn lưu của cơn bão số 11 và lũ quét ở Hương Sơn làm chết bốn người, trong đó hai xã Sơn Kim I và Sơn Kim II có hai người chết. Sáng 16-10, khi cơn lũ quét đang về, chị Nguyễn Thị Thiện (SN 1968, trú thôn Kim Cương 2, xã Sơn Kim I) ra sau nhà xem mực nước để chuẩn bị dọn dẹp đồ đạc, không may bị lũ cuốn mất tích. Sau hai ngày tìm kiếm, thi thể của chị được phát hiện mắc kẹt ở sông Ngàn Phố đoạn qua thị trấn Phố Châu (Hương Sơn), cách xã Sơn Kim I khoảng 50km.
Anh Nguyễn Văn Dương (chồng chị Thiện) kể lại, trong lúc chị ra sau nhà, anh vẫn còn say ngủ. Nước đổ ập xuống như “sóng thần”, mãi không tìm thấy vợ đâu, anh mơ hồ đoán nhưng không muốn tin vợ mình đã bị cuốn theo dòng nước lũ. “Nhìn đứa con út năm tuổi hồn nhiên không biết mẹ mất, vẫn chơi đùa với bạn bè quanh xóm mà xót xa”, anh Dương nghẹn ngào.
Cũng trong buổi sáng định mệnh ấy, khi thấy nước sông Khe Chè dâng lên quá nhanh, em Nguyễn Thế Oanh (con ông Nguyễn Văn Linh, thôn Hạ Vàng, xã Sơn Kim II) vội vàng mang áo mưa, lội qua sông để lùa trâu về. Tuy nhiên, do nước ống đổ về quá nhanh, trâu thì bơi về được nhưng em thì bị lũ cuốn mất tích. Phải đến đêm hôm đó, thi thể em mới được tìm thấy. 18 tuổi, tương lai còn đang ở phía trước vậy mà em đã vĩnh viễn ra đi. Nước mắt lẫn nước mưa, người đầu bạc tiễn đưa kẻ đầu xanh trong nỗi đau đớn khôn cùng…
Tháp báo lũ quét bị đổ lẫn cùng với rều rác.
Ông Nguyễn Văn Thành – Chủ tịch MTTQ xã Sơn Kim II cho biết: “Từ khi sinh ra đến giờ, tôi mới thấy cơn lũ to và nhanh đến như thế. Mưa nhỏ nhưng nước đầu nguồn tràn về rất nhanh. Nhanh đến nỗi, tôi còn không kịp mở tủ lấy giấy tờ của con cái để cất đi”.
Thống kê toàn xã Sơn Kim II, có hai ngôi nhà ở thôn Làng Chè bị cuốn trôi, chỉ còn lại mỗi nền nhà. Có khoảng bảy ngôi nhà xiêu vẹo, sập đổ một góc; 402 hộ bị ngập, trong đó có 268 nhà bị trôi và hư hỏng toàn bộ tài sản và lương thực, vật dụng gia đình. Hơn 100 ha chè và 45 ha đất sản xuất hoa màu bị bồi lấp; trên 50 con trâu, bò bị trôi mất, chết; trên 100 con lợn, trên 2.700 con gia cầm các loại bị chết, trôi; trên 350 tấn lương thực lúa gạo, ngô bị ngập lụt gây hư hỏng, làm hơn 1.850 người dân rơi vào cảnh thiếu đói.
Đồ dùng của nhân dân xã Sơn Kim II lẫn cùng rều rác.
Xã Sơn Kim II có bốn cây cầu vượt lũ thì có tới ba cầu bị lún móng, cầu còn lại bị trôi mố cầu. Hiện tại, hai thôn Tiền Phong và Thanh Dũng vẫn đang bị cô lập, gây khó khăn cho việc đi lại, sản xuất của nhân dân và học tập của con em học sinh.
Cầu Khe Lành, thôn Làng Chè bị trôi mố cầu.
Sự sống nảy sinh từ cái chết…
Ngay sau khi lũ rút, cùng với sự hỗ trợ kịp thời của các tổ chức, đoàn thể, nhân dân trong cả nước, nhân dân xã Sơn Kim đã thoát khỏi cảnh đói rét, từng bước ổn định cuộc sống trước mắt. Riêng tại Sơn Kim 2, từ khi xảy ra lũ đến nay, có trên 50 đoàn cứu trợ gạo, mỳ tôm, quần áo, tiền… Hai ngày sau lũ, có 100 chiến sĩ biên phòng đã giúp dân khắc phục, sửa chữa nhà cửa, làm đường để cho nhân dân đi lại.Trên 70 đoàn viên, thanh niên và người dân ở các thôn không bị thiệt hại nặng trong lũ cũng giúp thu dọn rều rác, cào bùn…
Chúng tôi đến thăm nhà vợ chồng anh Đặng Văn Huy, chị Nguyễn Thị Lan, thôn Làng Chè. Căn nhà ba gian, kết quả của bao năm trời tích cóp của vợ chồng anh chị đã bị lũ quét chỉ trong tích tắc. Khoảng đất trống hoác, móng nhà vung vãi từng mảng lớn. Chuồng mới xây và đàn lợn vừa mua được nhờ 30 triệu vay tiêu chuẩn hộ nghèo cũng trôi theo dòng nước lũ, để lại cho vợ chồng anh chị khoản nợ không biết bao giờ trả được.
Những gì còn sót lại của ngôi nhà được bộ đội vớt về giúp gia đình anh Huy.
“Lúc đó, đứng ở nhà hàng xóm nhìn về phía nhà mình bị lũ quét mà không thể làm được chi, tui chỉ biết dẫm chân, hét lên và khóc”, chị Lan nhớ lại.
Sáng hôm 16-10, trước khi lũ vào, anh Huy kịp chở ba con đến nhà bà ngoại cách đó mấy trăm mét. Dòng nước lũ lên nhanh, hai vợ chồng anh Huy nhanh trí ngồi lên lưng con trâu sang nhà hàng xóm. Trâu đứng trên giường, người thì trú trên chạn, nhờ vậy mà thoát được.
Những ngày đầu sau lũ, năm người trong gia đình mỗi người tá túc một nơi, con ở nhà bà, chồng ở nhà chú, vợ ở nhà bác. Sau đó vài ngày, bạt được căng trên khoảng nền sân bằng xi-măng làm nhà, quần áo, đồ đạc, xoong nồi… thứ thì được bộ đội vớt cho, thứ thì được làng xóm, đồng bào khắp nơi ủng hộ.
Trên nền sân còn sót lại, bạt xanh căng lên làm nơi trú ngụ tạm thời của gia đình anh Huy.
Có những điều tưởng như ngẫu nhiên như việc con trâu – “đầu cơ nghiệp” đã cứu sống hai vợ chồng anh Huy, hay đơn giản như sự chia sẻ của xóm giềng, đồng bào trên khắp mọi miền đất nước… chính là những tia hy vọng được thắp lên sau mất mát. Rồi đây, tại Sơn Kim, nhiều mái nhà mới, vững chãi chắc chắn sẽ được xây lên từ sự ủng hộ, chia sẻ của những nhà hảo tâm. Hơn tất thảy, những người dân nghèo nơi đây được tiếp thêm sức mạnh để vực dậy cuộc sống của mình sau bão lũ. Như nhà văn Nguyễn Khải từng viết: “Sự sống nảy sinh từ trong cái chết, hạnh phúc hiện hình từ trong những hy sinh, gian khổ. Ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy…” (Mùa lạc).
Gia đình anh Huy nhận được nhiều sự ủng hộ, chia sẻ của nhân dân trên cả nước.
HỒNG MINH – AN NGUYÊN
Nhân Dân