Cuộc sống

Sinh viên tìm mua 'giấy nghỉ bệnh' để được trường cho thi lại

Với nhiều lý do như ngủ quên, kẹt xe, quên lịch thi... nhiều sinh viên phải tìm cách có bằng được giấy nghỉ bệnh để được trường đại học xem xét cho thi lại.

“Giao dịch” giấy nghỉ bệnh tại phòng khám ở Bến Cát, Bình Dương - Ảnh: VŨ HIÊN

Chuyện "bùa" giấy nghỉ bệnh giả trước đây không hiếm, nhưng hiện một số sinh viên hình thành những "đường dây" mách nhau cách thức này trên mạng xã hội.

Chúng tôi bắt gặp được nhiều tài khoản TikTok của sinh viên chỉ cách xin giấy nghỉ bệnh giả ở phòng khám tư nhân, trong đó có những chia sẻ thu hút hơn 11.000 lượt thả tim và hơn 500 phản hồi.

Chỉ cần 50.000 đến 120.000 đồng

Chúng tôi nhắn tin hỏi T. - một tài khoản TikTok chia sẻ cách "bùa" giấy nghỉ bệnh. Bạn này cho biết mình đang học năm 2 Trường ĐH N. tại TP.HCM.

T. nói mới đây bạn làm giấy bệnh giả ở một phòng khám tư nhân tên M.A. có trụ sở tại TP Bến Cát (tỉnh Bình Dương) rồi đem lên trường nộp với mục đích xin thi lại cuối kỳ do đã lỡ quên ngày thi. T. tâm sự dù biết việc mình làm là không đúng nhưng môn quên thi quy đổi đến 3 tín chỉ, "phải đóng 3 triệu đồng nếu học lại".

Hỏi về cách xin giấy bệnh giả, T. cho biết cứ đến phòng khám rồi yêu cầu bác sĩ ghi một lý do chính đáng như sốt, nhập viện, truyền nước, ngất xỉu... Người đến làm giấy có thể sửa ngày khám bệnh với thời gian mong muốn. Giá cho một giấy bệnh giả này là 50.000 đồng. Với cách làm này, T. đã thành công, được cho thi lại vì có lý do chính đáng.

Chúng tôi bắt gặp thêm tài khoản TikTok T.V. của một sinh viên khác cũng khoe "bùa" giấy trót lọt. Cụ thể, T.V. đến một phòng khám tư nhân ở đường Nguyễn Thị Thập (Q.7, TP.HCM) theo lời hướng dẫn của một người dùng TikTok khác và yêu cầu mua một toa thuốc.

Sau khi xin được giấy, T.V. nộp lên phòng đào tạo và được nhập điểm I (điểm của môn học thể hiện sinh viên vắng thi có phép và chờ thi lại). Giá cho một toa thuốc này là 120.000 đồng.

Theo lời chỉ dẫn của T.V., chúng tôi theo chân một sinh viên đến phòng khám tư nhân tên M.A. tại TP Bến Cát (tỉnh Bình Dương) để xin giấy nghỉ bệnh.

Bác sĩ phòng khám này nhanh chóng hỏi thông tin cá nhân để điền vào "giấy xác nhận nghỉ ốm" và toa thuốc với lý do đau đầu, sốt siêu vi. Trên giấy có đầy đủ chữ ký của bác sĩ và mộc đỏ của phòng khám, với lời dặn dò "tránh làm nặng, nghỉ ngơi và tái khám đúng lịch bác sĩ dặn dò".

Giấy nghỉ ốm do phòng khám M.A. ở Bến Cát, Bình Dương cấp - Ảnh: VŨ HIÊN


Sinh viên xin giấy sau đó kiểm tra lại thông tin cá nhân và đóng 50.000 đồng. Thời gian trên giấy sẽ được ghi tùy theo yêu cầu của người mua.

Dù chúng tôi đi mua giấy nghỉ bệnh vào ngày 28-4 nhưng trên giấy vẫn xác nhận ngày bệnh là 9-5 theo đề nghị.

Chúng tôi tiếp tục đến phòng khám tư nhân tên T.H. trên đường Nguyễn Thị Thập (Q.7) theo lời tư vấn của tài khoản TikTok T.V. để xin giấy. Tại đây, phòng khám không chấp nhận bán giấy nghỉ bệnh, chỉ bán toa thuốc ghi bệnh theo yêu cầu.

Các nhân viên y tế tại đây cũng chỉ ghi ngày trên toa thuốc đúng với ngày đi mua hoặc các ngày trước đó.

Chẳng hạn nếu đến khám ngày 1-5 nhưng xin giấy ghi ngày 28-4, 29-4 vẫn được cho phép. Giá của một toa thuốc là 120.000 đồng, có đầy đủ mộc và chữ ký của bác sĩ theo hướng dẫn của nhân viên phòng khám.

Có khó kiểm soát?

TS Nguyễn Trung Nhân, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cho rằng thông thường trường sẽ tạo điều kiện cho những sinh viên không thể dự thi vì trường hợp bất khả kháng.

Sinh viên có thể báo cáo với giảng viên học phần, giảng viên chủ nhiệm, sau đó viết đơn xin thi lại kèm theo các bằng chứng như giấy xác nhận của bác sĩ, giấy nghỉ ốm, nhập viện... Các lãnh đạo khoa sẽ có ý kiến cho từng trường hợp cụ thể, cuối cùng sẽ tổng hợp danh sách về phòng đào tạo sắp xếp tổ chức thi lại cho những sinh viên này.

Theo TS Nguyễn Trung Nhân, thông thường mỗi học phần chỉ ghi nhận khoảng một, hai trường hợp có đơn xin thi lại vì lý do bất khả kháng. Việc thi lại cho những sinh viên này cũng được quản lý chặt chẽ từ đề thi riêng đến công tác coi thi, chấm thi. Nếu có dấu hiệu bất thường, chẳng hạn nhiều giấy nghỉ bệnh từ cùng một phòng khám, thì các thầy cô sẽ dễ nhận ra và vào cuộc tìm hiểu.

ThS Nguyễn Hứa Duy Khang, phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Cần Thơ, cho rằng thông thường với một trường hợp xin phép hoãn thi hay có nguyện vọng thi lại vì một lý do bất khả kháng, quyền quyết định cho sinh viên ấy thi lại hay không phần lớn từ giảng viên bộ môn giảng dạy học phần đó.

Bởi vì các thầy cô là người giảng dạy trực tiếp nên sẽ nắm được quá trình học tập của một sinh viên trên lớp, biết em nào học đàng hoàng, em nào chưa đàng hoàng. Từ đó, thầy cô có thể tìm hiểu lý do các em xin phép vắng thi có chính đáng hay không.

Có thể gọi điện xác minh

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một cán bộ phòng đào tạo của Trường ĐH N. tại TP.HCM cho biết nếu chỉ dựa vào các giấy nghỉ bệnh nộp vào để xin được thi lại sẽ khó có thể nhận biết đâu là giấy giả đâu là giấy thật bởi các giấy tờ đều có ngày tháng, chữ ký, dấu mộc rõ ràng.

Tuy nhiên từ phản ánh, trong thời gian tới, phòng đào tạo sẽ có thể tính toán phương án gọi điện xác minh lại với các phòng khám với những trường hợp dùng giấy nghỉ bệnh để xin phép thi lại.

Tạo thói quen không tốt

Giám đốc trung tâm chăm sóc người học tại một trường đại học tư thục ở TP.HCM cho rằng trong vấn đề này suy cho cùng không thể bắt lỗi sinh viên vì giấy tờ của các em thuyết phục, rõ ràng. Lỗi sâu xa hơn nằm ở cơ chế cấp các loại giấy tờ nghỉ bệnh, toa thuốc một cách tương đối dễ dãi ở các phòng khám hiện nay.

"Dù vậy, tôi nghĩ sinh viên cũng nên nhớ rằng thời gian ở đại học không chỉ là để học kiến thức, không chỉ là qua môn, mà còn là rèn luyện nhân cách. Xin giấy giả một lần, hai lần sẽ tạo thói quen không tốt cho các em sau này khi ra làm việc", vị giám đốc này nói.

Tác giả: VŨ HIÊN - THƯ BÙI - TRỌNG NHÂN

Nguồn tin: Báo Tuổi Trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP