Thông tin về cục Nghệ thuật Biểu diễn sẽ lấy ý kiến về việc bỏ phần thi bikini ở các cuộc thi nhan sắc Việt đang gây tranh cãi. Trên cương vị là người đã cầm cân nảy mực tại nhiều cuộc thi nhan sắc, chị hãy chia sẻ?
Thực chất cuộc thi Hoa hậu Mỹ không phải cuộc thi đầu tiên không có màn trang phục áo tắm. Trước đó, cách đây vài năm, cuộc thi Miss World (Hoa hậu Thế giới) cũng chính thức bỏ phần thi áo tắm.
Ở các nước châu Âu, đặc biệt tại Vương quốc Anh, nơi sáng lập ra cuộc thi Miss World, đã có rất nhiều các tổ chức phụ nữ đấu tranh vì quyền phụ nữ, phản đối các cuộc thi sắc đẹp từ nhiều năm. Bởi, họ cho rằng, các cuộc thi sắc đẹp coi phụ nữ là "object" (món hàng) khi đánh giá người phụ nữ qua sắc đẹp, thân hình. Họ cho rằng phụ nữ không nên chịu sức ép khi bị đánh giá về vẻ bề ngoài.
Trong quan điểm của tôi, tôi hiểu rõ vì sao có các động thái phản đối ở châu Âu và trên thế giới nhưng xét về quan điểm chuyên môn, nếu đã tổ chức một cuộc thi Hoa hậu có nghĩa đây là một cuộc thi sắc đẹp. Vậy, không thể bỏ qua yếu tố vượt trội trong vẻ đẹp hình thể, bên cạnh vẻ đẹp gương mặt lẫn sự thông minh, cá tính trong trí tuệ.
Hà Anh là một trong những siêu mẫu nức tiếng của làng giải trí Việt. Cô cũng là gương mặt quen thuộc ở hàng ghế giám khảo các cuộc thi nhan sắc Việt. |
Trong các tiêu chí đánh giá, chấm điểm, thang điểm chấm về cơ thể của thí sinh dự thi cũng nắm phần trăm cao trong tổng thể số điểm. Đối với tôi, là một người làm nghề, tôi thấy sự khắt khe trong yêu cầu đánh giá về hình thể là điều bình thường, đặc biệt khi người phụ nữ đã đủ tuổi thành niên và tự chủ động đăng ký tham gia vào hoạt động này.
Tôi nghĩ rằng một cuộc thi Hoa hậu thực chất là một cuộc thi nhằm mục đích giải trí! Một cuộc thi, dù cô gái ấy có thắng cuộc cũng không thực sự có nghĩa, cô ấy là cô gái đẹp nhất đất nước, đẹp nhất thế giới... cũng không có nghĩa, cô ấy là người có trí tuệ ưu việt nhất, tâm hồn đẹp nhất! Vì vậy, việc bỏ màn thi bikini không có nghĩa sẽ "giúp" tập trung đánh giá trí tuệ và tâm hồn một người phụ nữ. Bởi, bản chất giá trị trí tuệ và tâm hồn của một người phụ nữ không thể đánh giá được qua một cuộc thi chỉ diễn ra vỏn vẹn 2-3 tuần; lại càng không thể bởi một dàn giám khảo 7-10 người.
Còn nếu coi các cuộc thi nhan sắc là một chương trình mang tính giải trí thì không việc gì phải bỏ màn thi bikini, vì thực chất đây là màn thi mang lại sự hấp dẫn.
Chị nghĩ sao về đề xuất đổi bikini bằng đồ thể thao hay trang phục bó sát người?
Bản chất thì không một trang phục nào có thể giúp người xem, giám khảo đánh giá được tỷ lệ, vẻ đẹp hình thể của thí sinh chuẩn bằng trang phục bikini. Chưa kể đến việc, khi thí sinh mặc đồ bikini, không có nhiều vải để che những khuyết điểm trên cơ thể, sẽ đòi hỏi sự tự tin của cô ấy toả sáng. Và trong quan điểm của tôi, đó cũng là một yếu tố để đánh giá sự chênh lệch của thí sinh.
Nhiều người nói rằng, nếu bỏ phần thi bikini, các cuộc thi nhan sắc Việt sẽ chẳng còn gì hấp dẫn nữa. Chị có thấy điều này?
Không chỉ riêng cuộc thi nhan sắc Việt mà tất cả các cuộc thi nhan sắc nói chung, vẻ đẹp hình thể là một điểm quan trọng để đánh giá vẻ đẹp tổng thể của một thí sinh. Và như tôi đã từng nói, một cuộc thi sắc đẹp mà không có màn thi bikini thì chẳng khác gì một trận đấu bóng đá bỏ đi màn sút phạt penalty.
Một trong những lý do nhiều người đề cập đến khi đồng ý bỏ phần thi bikini chính là, việc phô diễn hình thể trên sân khấu khiến phụ nữ trông như một món hàng, nó khiến phụ nữ bị rẻ rúng, Hà Anh thì sao?
Cái đó tuỳ cảm nhận của từng người. Tôi hiểu và tôn trọng ý kiến của những người có thể nghĩ như vậy. Và cũng hiểu sức ép của các cô gái trẻ khi nhìn vào hoa hậu, người mẫu và cảm thấy mình không có được vẻ đẹp hoàn hảo như thế dẫn đến tự ti,... Nhưng, xét về góc nhìn chuyên môn của tôi và là một người mẫu nhiều năm trình diễn ở các show nội y quốc tế, tôi không cảm thấy mình giống như “món hàng” khi trình diễn những món đồ thời trang gợi cảm này.
Sự hấp dẫn cơ thể của phụ nữ khi đặt vào môi trường chuyên nghiệp, lịch thiệp và người thưởng thức nó là những người có trình độ văn hoá nhất định, thì nó sẽ thăng hoa!
Ngược lại, nếu mặc bikini hay đồ lót trong môi trường quán bia, hộp đêm, hội chợ... để nhảy múa, mua vui cho khách đến uống rượu tiêu khiển, thì lúc đó phụ nữ sẽ bị coi như một món hàng tiêu khiển. Và cái này thì tôi không ủng hộ.
Hà Anh thị phạm catwalk cho các thí sinh của cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2016. |
Chị có nghĩ việc nói không với phần thi bikini sẽ khiến các thí sinh Việt Nam giảm sức cạnh tranh khi chinh chiến ở đấu trường quốc tế?
Vâng, bởi bản chất thí sinh Việt Nam của chúng ta đã thua thiệt nhiều so với các thí sinh quốc tế về hình thể! Nếu chúng ta không tuyển chọn khắt khe về hình thể từ "nhà" thì ra bên ngoài, giữa những sắc vóc nổi trội quốc tế chúng ta sẽ càng thua thiệt.
Người ta cũng đang nói đến việc nâng cao chất lượng của các cuộc thi nhan sắc. Theo chị, để nâng cao chất lượng hơn nữa, chúng ta cần phải làm gì?
Chúng ta phải chấn chỉnh lại format chấm điểm cho theo chuẩn quốc tế. Các giám khảo được mời phải là những người có chuyên môn cao, có cái nhìn thống nhất về tiêu chí, tiêu chuẩn quốc tế.
Và đặc biệt, các thí sinh phải ý thức được rằng, họ phải đầu tư về trí tuệ từ những ngày ngồi ghế nhà trường cho đến cập nhật tìm hiểu về những thông tin xã hội, văn hoá, thậm chí chính trị trong và ngoài nước. Họ phải tập thói quen rèn luyện cá tính, kỹ năng bày tỏ quan điểm riêng cũng như hình thành quan điểm riêng, bên cạnh việc hoàn thiện các kỹ năng trình diễn, các chiến lược giúp họ toả sáng!
Hiện tại, đa số các cô gái trẻ và thậm chí giám khảo chỉ tập trung vào tìm gương mặt đẹp nhất (theo nghĩa đen). Trong khi đó đến một cuộc thi quốc tế họ đòi hỏi vẻ đẹp toàn diện từ cơ thể, làn da, hàm răng, mái tóc đến cá tính, thần thái, phong cách, trí tuệ và tầm nhìn.
Tác giả: Lê Anh
Nguồn tin: Báo Người đưa tin