Ông Trần Văn Sơn ở xóm Bình Thành cho biết: “Đến nay đã hơn 2 tháng 600 em học sinh gồm 3 cấp mầm non, tiểu học và THCS ở xã Hương Bình không đến trường học, các em chịu thiệt thòi quá. Người dân chúng tôi không đồng tình việc cơ quan chức năng đưa học sinh từ xã vùng đồng bằng lên xã miền núi vùng 135 học. Không chỉ đi lại khó khăn trở ngại cho con em chúng tôi mà còn nguy hiểm đến tính mạng các cháu”.
Còn ông Lưu Văn Tạo ở xóm Bình Tân nói: “Vì việc học của con em, chúng tôi mới phải đi gõ cửa cơ quan chức năng để xin giữ lại Trường THCS Hương Bình cho các cháu đỡ vất vả”.
Ông Tạo cho biết thêm, người dân phản ánh lên huyện, lên tỉnh rồi nhưng không có giải pháp hợp lý nên đã đến phòng tiếp dân của Thanh tra Chính phủ và Thanh tra Bộ GDĐT để kiến nghị. “Đại diện Ban tiếp dân của Thanh tra Chính phủ đã tiếp thu ý kiến phản ánh của chúng tôi và gửi về UBND tỉnh Hà Tĩnh giải quyết. Do đó, hôm nay chúng tôi phải vào trụ sở tiếp công dân tỉnh để hỏi cụ thể” – ông Tạo nói.Hơn 30 người dân Hương Bình vào gặp cán bộ trực nhưng do chỗ ngồi hạn chế nên đoàn cử 6 người vào đăng ký làm việc. Tại buổi làm việc, đại diện Ban tiếp dân có đầy đủ ban bệ từ xã, huyện và tỉnh nhưng không đi đến thống nhất.
“Ban tiếp dân chỉ giải thích với chúng tôi việc sáp nhập trường là đề án lớn của tỉnh, người dân phải chia sẻ với chủ trương của tỉnh.Trong khi đó con em Hương Bình đi học xa vất vả thì không được quan tâm. Chúng tôi yêu cầu Ban tiếp dân trả lời rõ bằng văn bản liên quan đến việc sáp nhập Trường THCS Hương Bình mà người dân gửi lên tỉnh, ra Trung ương nhưng họ chỉ giải thích và nói văn bản sẽ gửi về sau”.
Em Đoàn Thị Anh, năm nay lên lớp 9, con ông Đoàn Hợi ở xóm Bình Trung đi cùng đoàn cho biết: “Hơn 2 tháng nay cháu ở nhà, đi chăn bò về lại quanh quẩn trong nhà. Giờ cháu muốn đi học nhưng phải đi xa rất vất vả, sáng nay cháu xuống đây gặp các bác để xin giữ lại trường cho cháu đi học thuận lợi”.