Kinh tế

Sản xuất công nghiệp Hà Tĩnh tăng gấp 3 lần mức tăng chung của cả nước

Năm 2014, với sự nỗ lực của ngành và các tổ chức, cá nhân sản xuất – kinh doanh trên địa bàn, nhiều chỉ tiêu phát triển công nghiệp và thương mại của tỉnh có sự phát triển, đạt và vượt kế hoạch đề ra. Giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 9.004,64 tỷ đồng, tăng 22,97% so với cùng kỳ năm trước, tăng gấp 3 lần mức tăng chung của cả nước. Một số dự án lớn đi vào hoạt động, đưa lại giá trị sản xuất cao; nhiều cơ sở sản xuất, chế biến tiếp cận được các chính sách hỗ trợ của nhà nước nên hồi phục, sản xuất tốt.

Chiều 24/12, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh tới dự và chỉ đạo hội nghị tổng kết công tác năm 2014, triển khai nhiệm vụ năm 2015 của ngành Công thương Hà Tĩnh.
Sản xuất công nghiệp Hà Tĩnh tăng gấp 3 lần mức tăng chung của cả nước
Sản xuất công nghiệp Hà Tĩnh tăng gấp 3 lần mức tăng chung của cả nước

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Tĩnh Lương Quốc Tuấn: Một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà thành phố tập trung thực hiện quyết liệt là tăng cường quản lý hộ kinh doanh cá thế. Bằng nhiều giải pháp, đến thời điểm này, thành phố đã cấp giấy phép kinh doanh cho 3.053 hộ kinh doanh cá thể (đạt tỷ lệ 41% trên tổng số hộ kinh doanh trên địa bàn).

Thị trường hàng hóa dịch vụ tiếp tục diễn biến theo chiều hướng tích cực. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 32.515,3 tỷ đồng, tăng 119,6% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu năm 2014 ước đạt 138,71 triệu USD, tăng 10,65% so với cùng kỳ 2013. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 2.300 triệu USD, cao gấp 3,7 lần kế hoạch, tăng gấp 4,9 lần so với cùng kỳ 2013.

Công tác xây dựng và thực hiện các quy hoạch, kế hoạch, đề án, chính sách và các nhiệm vụ trọng tâm của UBND tỉnh được triển khai thực hiện có hiệu quả…

Sản xuất công nghiệp Hà Tĩnh tăng gấp 3 lần mức tăng chung của cả nước

Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà Nguyễn Quốc Hương: Địa phương đặt quyết tâm rất cao và triển khai các giải pháp bài bản trong công tác chuyển đổi mô hình quản lý chợ với mục tiêu hoàn thành chuyển đổi 8 chợ trong năm 2014, 15 chợ đến năm 2015 và toàn bộ 24 chợ trong năm 2016. Tuy nhiên thực tiễn đã nảy sinh nhiều khó khăn, vướng mắc đòi hỏi phải có những bước đi căn cơ, phù hợp. Đề nghị Sở Công thương tổ chức sơ kết, đánh giá kết quả, rút ra kinh nghiệm để có cách làm hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của ngành vẫn tồn tại một số khó khăn, như: Công tác tuyên truyền các cơ chế chính sách cho công nghiệp nông thôn, chế biến, tiêu thụ sản phẩm chủ lực của tỉnh chưa sâu; hạ tầng phục vụ sản xuất công nghiệp tập trung chưa đồng bộ; sản xuất công nghiệp gắn với tiêu thụ nguyên liệu nông sản địa phương còn hạn chế; hạ tầng thương mại nông thôn yếu; thực hiện Cuộc vận động “Người Việt ưu tiên sử dụng hàng Việt”, ưu tiên sử dụng sản phẩm sản xuất trong tỉnh chưa thật hiệu quả; kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, không đảm bảo ATVSTP, vi phạm nhãn mác còn diễn ra; hệ thống lưới điện chưa đảm bảo nên tổn thất điện năng cao, chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất, sinh hoạt…

Sản xuất công nghiệp Hà Tĩnh tăng gấp 3 lần mức tăng chung của cả nước

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh trao bằng khen của UBND tỉnh cho các tập thể, cá nhân xuất sắc

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh biểu dương những nỗ lực của ngành Công thương Hà Tĩnh trong thời gian qua, song cũng chỉ rõ công tác tham mưu một số việc chưa đạt yêu cầu; một số địa phương còn lúng túng, thiếu chủ động, chưa quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước. Đặc biệt, ngoài các dự án công nghiệp trọng điểm được đầu tư từ nguồn vốn FDI, trên địa bàn chưa có nhiều dự án lớn, đóng góp vào chỉ số phát triển công nghiệp của tỉnh; vai trò quản lý của ngành trên một số lĩnh vực còn bất cập…

Sản xuất công nghiệp Hà Tĩnh tăng gấp 3 lần mức tăng chung của cả nước

Phó Chủ tịch Nguyễn Hồng Lĩnh phát biểu chỉ đạo hội nghị

Thời gian tới, Sở Công thương và các địa phương cần quan tâm thực hiện tốt việc hỗ trợ khuyến công, công nghiệp địa phương; chuyển đổi mô hình quản lý chợ; tăng cường tiêu thụ sản phẩm sản xuất trong tỉnh; đẩy mạnh thực hiện người Việt ưu tiên sử dụng hàng Việt; quan tâm rà soát, đánh giá kết quả thực hiện các đề án, chính sách để có sự bổ cứu kịp thời…

Trước mắt, yêu cầu ngành Công thương và các địa phương quan tâm đến công tác QLTT, ATVSTP, bình ổn giá, phòng chống cháy nổ, cung cấp điện ổn định… phục vụ nhu cầu sản xuất, sinh hoạt, tiêu dùng của nhân dân trước, trong và sau Tết nguyên đán.

P.V

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP