TX Hồng Lĩnh

Sà lan đâm gãy cầu, 350 hộ dân nhọc nhằn đi vòng canh tác nông nghiệp

Việc cầu Cơn Độ (xã Thuận Lộc, thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh) bị sà lan chở cát đâm gãy không những thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế, mà còn ảnh hưởng nặng nề đến việc lưu thông của người dân, nhất là đối với 350 hộ dân của xã Thuận Lộc hàng ngày phải đi vòng xa gấp nhiều lần để canh tác nông nghiệp.

Anh Trông là một trong 350 hộ dân có đất canh tác ở bên này cầu Cơn Độ. Từ khi cầu bị gãy, hàng ngày họ phải đi vòng rất xa để canh tác. Ảnh: Trần Tuấn
Anh Trông là một trong 350 hộ dân có đất canh tác ở bên này cầu Cơn Độ. Từ khi cầu bị gãy, hàng ngày họ phải đi vòng rất xa để canh tác. Ảnh: Trần Tuấn

Sau gần 3 tuần kể từ khi cầu Cơn Độ bị sà lan chở cát đâm gãy đôi (ngày 12.3), cây cầu này vẫn chưa được khắc phục, đang gây chia cắt, người dân và phương tiện chưa thể qua lại. Ngay trước cầu, người ta vẫn đang đặt một tấm bảng cảnh báo với dòng chữ “cầu sập, cấm các phương tiện qua lại”.

Anh Nguyễn Duy Trông (45 tuổi, trú thôn Thuận Trung, xã Thuận Lộc) đang phun thuốc trừ sâu dưới ruộng lúa, cạnh cây cầu bị gãy) nói “Từ khi cầu bị gãy đến nay, hàng ngày chúng tôi đi làm đồng, hay có việc phải qua lại đều rất bất tiện, phải đi vòng xa gấp 5 đến 6 lần. Mong sao các cấp khẩn trương làm lại cầu mới để người dân qua lại canh tác được thuận tiện, nếu không mùa màng về, chở lúa, chở phân mà đi vòng như thế vất vả lắm”.

Ông Bùi Quang Liêm – Chủ tịch UBND xã Thuận Lộc – cho biết, cầu Cơn Độ dài 40m, rộng 3m, gồm 4 nhịp làm bằng bê tông cốt thép được xây dựng từ năm 2002. Đây là cây cầu nằm trên trục đường chính vào trung tâm xã Thuận Lộc có mật độ người và phương tiện hàng ngày qua lại rất đông.

Người dân đang nóng lòng chờ một cây cầu tạm để qua lại. Ảnh: Trần Tuấn
Cầu Cơn Độ bị sà lan chở cát đâm gãy làm đôi đến nay vẫn đang gây chia cắt. Ảnh: Trần Tuấn
Cầu gãy khiến việc qua lại trên bộ và dưới sông đều không thể. Ảnh: Trần Tuấn
Lát cắt cầu bị đâm gãy làm đôi rất “ngọt”

Việc cầu bị sà lan chở cát đâm gãy gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản và gián đoạn việc lưu thông qua lại. Trong đó, ảnh hưởng trực tiếp đến 350 hộ dân ở 3 thôn: Thuận Trung, Thuận Lộc, Thuận Sơn. Bởi 350 hộ dân này có ½ diện tích đất lúa nằm ở phía bên kia cầu, hàng ngày phải qua lại sản xuất nhưng cầu gãy không thể qua lại được rất bất tiện, phải đi vòng xa hơn nhiều. Thêm nữa, con cái của 50 hộ dân ở khu dân cư mới bên kia cầu đang học tiểu học, THCS hàng ngày phải đến trường bằng đường vòng về trung tâm xã. Học sinh cấp 3, người dân phải đi vòng để ra thị xã Hồng Lĩnh cũng phải đi vòng xa hơn.

Trước tình trạng đó, UBND xã đã họp bàn, lấy ý kiến của nhân dân và có văn bản đề xuất lên Sở GTVT Hà Tĩnh theo 2 phương án. Thứ nhất, nếu làm được cầu mới trong vòng 6 tháng thì người dân chấp nhận phải đi vòng để chờ cầu mới mà không phải làm cầu tạm. Thứ hai, nếu chậm hơn 6 tháng thì làm cầu tạm để người dân qua lại canh tác, giao dịch, tránh bị chia cắt lâu dài.

Sau đây là một số hình ảnh về cầu Cơn Độ bị sập chưa được khắc phục mà PV Báo Lao Động ghi lại…

Clip cầu Cơn Độ bị sà lan đâm gãy đôi vẫn đang gây chia cắt khiến người dân lo lắng:

Trần Tuấn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP