Việc tái khởi động mỏ sắt Thạch Khê đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều do lo ngại về ô nhiễm môi trường cũng như hiệu quả đầu tư.
Mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á vẫn hấp dẫn nhà đầu tư
Liên quan tới số phận mỏ sắt Thạch Khê, trao đổi với báo chí mới đây, ông Trương Thanh Hoài – Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) cho biết, hiện có nhiều nhà đầu tư quan tâm tới dự án này, trong đó có nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành thép như Tập đoàn Hoà Phát, Tập đoàn Hoa Sen.
Tuy nhiên, theo ông Hoài, vướng mắc là các nhà đầu tư mong muốn nắm cổ phần chi phối trong khi quan điểm của Bộ Công Thương là không để nhà đầu tư nào nắm phần chi phối nhằm nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp.
“Cổ đông có năng lực yếu kém dứt khoát không kéo dài thời gian mà yêu cầu bán lại cho cổ đông khác. Còn về việc Tập đoàn Than Khoáng sản (TKV) có góp vốn thêm hay không thì hiện Bộ Công Thương đang xem xét báo cáo thêm. TKV hiện hàng tồn kho nhiều, năng lực tài chính tương đối khó khăn nếu họ giải quyết được khó khăn sẽ xem xét”, ông Hoài cho hay.
Ngoài ra, lãnh đạo Vụ Công nghiệp nặng cũng cho biết thêm rằng, việc chỉ đạo tạm dừng triển khai dự án khai thác và chế biến quặng mỏ sắt Thạch Khê năm 2011 do 2 vấn đề, bao gồm việc thẩm định lại thiết kế kỹ thuật và tái cơ cấu cổ đông để huy động các cổ đông có năng lực, thẩm định lại thiết kế kỹ thuật. Hội đồng thẩm định Bộ Công Thương đã thành lập bên cạnh đó, thuê tư vấn Đức thẩm tra lại dự án.
“Cũng tiếc rằng trong thời gian vừa qua, một số luồng ý kiến cho rằng làm chưa kỹ khâu thẩm định nhưng thực ra là làm rất kỹ rồi, có tư vấn nước ngoài thẩm tra và Hội đồng thẩm định của Bộ Công Thương, gồm hầu hết các chuyên gia đầu ngành về môi trường biển, môi trường, chuyên gia mỏ đầu ngành, địa phương, Ủy ban môi trường Quốc hội đều tham gia hội đồng đã thông qua rồi, kết quả thẩm định rồi”, ông nói.
Ông cũng cho biết, trước kiến nghị của Hà Tĩnh mới đây, Bộ Công Thương dự kiến vào làm việc tại Hà Tĩnh, giải trình rõ những vấn đề Hà Tĩnh đang băn khoăn, lo ngại đến khi nào có sự đồng thuận của địa phương về các vấn đề liên quan đặc biệt vấn đề an toàn môi trường.
Trước đó, hồi tháng 7/2015, sau khi Chính phủ có văn bản đốc thúc việc góp vốn, thay vì tiếp tục tìm nguồn tiền góp vào dự án để khỏi bị giảm tỷ lệ sở hữu ban đầu cổ đông của TIC lại tuyên bố sẽ không thực hiện góp vốn. Một cổ đông chính là Tổng công ty thép Việt Nam (Vinasteel) cũng tạm thời chưa tiếp tục góp vốn do lo ngại thực trạng của CTCP sắt Thạch Khê và khó khăn nội tại của Vinasteel, đồng thời cân nhắc những rủi ro tiềm ẩn, tiến độ và hiệu quả kinh tế của dự án đầu tư khai thác mỏ quặng sắt này.
Kể từ khi triển khai (năm 2008) đến nay, các thủ tục pháp lý trong công tác thẩm định dự án, thiết kế kỹ thuật, giải phóng mặt bằng, bảo vệ môi trường, đấu nối hạ tầng giao thông đã được chấp thuận. Tổng giá trị vốn điều lệ các cổ đông cần góp là 2.033 tỷ đồng, tương ứng với 30% vốn giai đoạn 1. Tuy nhiên, tổng vốn góp mới được khoảng 1.809 tỷ đồng, trong đó TKV đã góp đủ giá trị huy động là 1.076 tỷ đồng, các đối tác khác chưa góp đủ hoặc không thực hiện nghĩa vụ góp vốn theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Có thể hoàn vốn sau 7, 8 năm?
Trước nhiều lo ngại về hiệu quả đầu tư tại dự án mỏ sắt Thạch Khê, tại lần trả lời báo chí này, ông Hoài cho rằng, hiện giá quặng sắt thực tế rất cao, trên thị trường khoảng 80 USD/tấn. Mặc dù dự báo cũng khó nhưng khi lập tính toán hiệu quả của dự án, chủ đầu tư đưa vào mức giá thấp khoảng 44 USD thì dự án có thể hoàn vốn trong 7-8 năm.
“Trên thực tế phương án thiết kế kỹ thuật hiện nay so với 2009 khác hẳn. Theo tính toán như vậy sẽ có hiệu quả đầu tư. Vấn đề là để minh bạch hồ sơ, Bộ Công Thương sẽ mời Hội đồng thẩm định và làm việc với các bên liên quan. Cái gì chưa rõ sẽ tiếp tục làm rõ trên tinh thần đặt vấn đề môi trường, an toàn lên hàng đầu, sau đó mới tính tới hiệu quả kinh tế”, ông Hoài nói.
Trước đó, trao đổi với báo chí, ông Hoài cũng cho biết sẽ cần khoảng 7.000 tỷ đồng để tái khởi động mỏ sắt Thạch Khê. Theo ông Hoài, mỏ sắt Thạch Khê hiện là mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á với trữ lượng lên tới 544 triệu tấn, trị giá khoảng 35 tỷ USD. Việc “tái khởi động” mỏ sắt này sẽ đáp ứng được nhu cầu nguyên liệu cho nhà máy thép trong nước.
Trong một động thái khác, TKV vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp tục triển khai dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê trong năm 2016 và cho hoãn tiền nộp thuế cấp quyền khai thác khoáng sản trong giai đoạn xây dựng cơ bản (năm 2017, 2018).
Trao đổi về vấn đề này, GS Lê Ái Thụ – Chủ tịch Hội Địa chất kinh tế Việt Nam thẳng thắn: “Trong bối cảnh hiện nay, có nên tái khởi động dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê hay không? Nếu mà ngồi trao đổi thì có nhiều vấn đề, để đầu tư khai thác đến khi ra được thép thì mất nhanh nhất cũng phải vài năm nữa. Tại thời điểm hiện nay, giá quặng sắt rẻ thì việc khai thác quặng sắt trong nước cũng không thuận lắm đâu”.
“Riêng mỏ sắt Thạch Khê, từ 5-10 năm nữa không nên tiến hành đầu tư làm gì cả. Lý do là điều kiện khai thác, công nghệ hiện nay làm tổn thất quặng rất lớn, ô nhiễm môi trường và hiệu quả kinh tế rất thấp vì chưa đảm bảo. Dừng đầu tư tiếp mỏ sắt Thạch Khê thì sẽ tốt hơn”, ông Thụ nói.
Theo ông Thụ, nếu tiếp tục thực hiện dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê sẽ gây ô nhiễm môi trường lớn hơn mà hiệu quả “không mang tới gì cả”. Bên cạnh đó, chi phí vận chuyển không nhỏ, lấy quặng sắt lên được mặt đất đã quá tốn kém chứ chưa nói tới là vận chuyển tới Ninh Thuận hay đâu đó để sản xuất thép.
Còn theo ông Nguyễn Văn Sưa – Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép (VSA) nói: “Đây là bài toán phức tạp, mấy chục năm nay vẫn là vấn đề nhức nhối. Thạch Khê là mỏ sắt trữ lượng lớn, chất lượng hàm lượng sắt cao 62% nhưng nhược điểm là hàm lượng kẽm cao so với các loại quặng khác. Ngoài ra, vị trí đặc biệt, điều kiện khai thác địa chất khó khăn nên việc khai thác đã được chú ý từ lâu nhưng chưa tiến triển được mấy. Do đó, phải phân tích điều kiện thực tiễn cụ thể trước khi triển khai”.
Phương Dung