Đầu giờ chiều nay (15/1), PV trong vai thương lái đi mua gỗ sưa cùng một sơn tràng có tiếng ở xã Xuân Trạch tiến vào Vực Trô, nơi người dân địa phương vừa tìm thấy cây sưa hàng chục tỷ đồng.
Lán trại Kiểm lâm Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng đóng chốt phía ngoài đường vào nơi người dân vừa phát hiện cây sưa hàng chục tỷ đồng
Băng qua cánh đồng lạc để tiến vào điểm “nóng”, chúng tôi quan sát thấy hai lán trại tạm bợ của lực lượng Kiểm lâm Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng cùng lực lượng chốt chặn. Thấy người lạ, một kiểm lâm chạy ra can ngăn.
Từ lán trại đến điểm cây sưa vừa được tẩu tán cách chừng hơn 1km
...
Sau khi nhận diện ra cánh nhà báo, vị kiểm lâm này mới cho chúng tôi tiến sâu thêm. Qua trao đổi nhanh, một vị kiểm lâm đang canh gác ở đây cho hay: “Chúng tôi túc trực ở đây đã gần 1 tháng nay nhưng không phát hiện động tĩnh gì về việc người dân cưa xẻ, tẩu tán gỗ sưa”.
Lối vào lán trại thứ hai
“Nghe có nhiều người bảo đó không phải là gỗ sưa, nhưng khi đốt mùn cưa đó lên khoảng 30 phút thì lại nghe mùi thơm của gỗ sưa. Bởi thế, thực hư như thế nào chúng tôi cũng không biết”, một vị kiểm lâm khác nói.
Clip hiện trường, nơi người dân đi câu cá phát hiện cây sưa hàng chục tỷ đồng
Chúng tôi tiếp tục tiến vào khu vực suối Vực Trô – nơi cây sưa vừa được tẩu tán. Có mặt tại hiện trường, dù trời rét như cắt da cứa thịt nhưng vẫn có hàng chục người dân địa phương đang cầm cuốc, xẻng, thanh sắt xoắn sắc nhọn lặn hì hục dưới nước với hy vọng mót được chút rễ cây gỗ sưa còn sót lại.
Vừa lặn dưới khúc suối sâu chừng 2m lên, người run bần bật, một sơn tràng nói trong tiếc nuối: “Khu vực ni trước đây ngày mô chúng chả vô đây hái củi, chăn bò, nhưng số mình đen nên không gặp. Mấy bữa bi biết tin họ (ông Lê – PV) trúng huê (sưa) hàng chục tỷ nên cũng chạy vô xem có miếng rớt chi nữa không”.
Hiện trường nơi người dân đi câu cá phát hiện cây sưa
Nói rồi sơn tràng này chỉ tay xuống dòng suối và bảo: “Những vết đen nằm lợn cợn dưới suối là phần gỗ sưa đã bị mục”.
PV quan sát xung quanh nhưng không còn nhìn thấy mùn cưa gỗ sưa. “Sau khi xẻ sưa ra từng phách, tẩu tán gỗ ra khỏi rừng, nhóm người này đã xóa dấu vết hiện trường”, một sơn tràng mót gỗ sưa khác cho hay.
Những vết lợn cợn dưới lòng suối được nhóm sơn tràng này cho biết là phần gỗ sưa đã bị mục
Chiều xuống, núi rừng Phong Nha – Kẻ Bàng rét tê buốt, nhóm sơn tràng địa phương này ra về trong vô vọng và tỏ ra bực dọc: “Bọn ni nó ăn cả giày lẩn tất, được sưa hàng chục tỷ mà vét hết không còn chút chi nữa”.
Đốt củi mót gỗ sưa
Liên quan đến vụ việc, trước đó, trao đổi với PV Dân trí, ông Lê Thanh Tịnh, Giám đốc Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng xác nhận: “Chúng tôi có nhận được thông tin người dân tìm thấy cây sưa ở suối Vực Trô, nhưng địa điểm đó ngoài phạm vi quản lý của vườn nên không triển khai lực lượng truy tìm dấu tích cây sưa đó”.
Ông Tịnh còn cho biết thêm, địa điểm người dân tìm sưa thuộc phần đất và phạm vi quản lý của Hạt Kiểm lâm huyện Bố Trạch.
Đặng Tài