Nông Thôn Hà Tĩnh

Nuôi tôm công nghệ cao trên cát: Hướng phát triển bền vững

Những năm gần đây, Hà Tĩnh xuất hiện nhiều mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao trên cát. Hiệu quả mang lại là niềm mơ ước của không ít người nuôi trồng thủy sản. Kết quả trong thời gian qua cho thấy đây là mô hình cần được nhân rộng nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương ven biển.

Những đầm tôm bạc tỷ


Nuôi tôm chính vụ cho hiệu quả đã khó, nuôi tôm vụ trái vụ trong điều kiện hết sức phức tạp, vào mùa mưa lũ lại càng khó hơn. Thế nhưng, vừa qua, đầm tôm he chân trắng vụ thu đông của anh Hồ Quang Dũng ở xã Xuân Phổ (Nghi Xuân) mang về cho thu nhập bạc tỷ. Nhiều người nuôi tôm ở Xuân Phổ vẫn đang còn lạ lẫm, kéo về đây xem anh nuôi tôm kiểu gì mà hiệu quả cao thế.


Anh Dũng cho biết, sau nhiều lần đi tìm địa điểm đầu tư, anh thấy Xuân Phổ có lợi thế rất lớn về nguồn nước, đường điện nên quyết định “dừng chân”. Việc đầu tiên là “ném” cả tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng nuôi tôm theo công nghệ mới của Thái Lan. Việc đào ao, lót bạt, xây dựng hệ thống đường điện, bơm nước biển… luôn được anh chú trọng.


Chỉ sau một thời gian tập trung đẩy nhanh tiến độ, anh đã xây dựng xong 9 ao nuôi và một ao chứa lắng với diện tích trên 3 ha. Vào thời điểm nuôi tôm trái vụ, đa số người dân nuôi tôm không dám đầu tư vì sợ mưa lũ. Vậy mà tại đầm tôm của anh vẫn tiến hành thả hàng triệu con tôm giống. Gần 3 tháng chăm sóc, anh tiến hành thu hoạch 4 ao, đạt năng suất 20 tấn tôm/ha, thu về gần 2 tỷ đồng.


Cách đây vài năm, Công ty Công nghệ Việt Mỹ – Hà Tĩnh triển khai dự án nuôi tôm trên cát tại xã Thạch Trị, huyện Thạch Hà. Tuy nhiên, dự án “đầu xuôi, đuôi…không lọt” này đã ảnh hướng đến tâm lý đầu tư nuôi tôm trên cát của nhâng dân địa phương. Để chứng minh rằng nuôi tôm trên cát thật sự mang lại hiệu quả cao, chị Nguyễn Thị Hạnh đã mạnh dạn thuê lại một phần diện tích rồi tiếp tục đầu tư bài bản, đảm bảo môi trường vùng nuôi. Với diện tích 20 ha, gia đình chị Hạnh đã đầu tư nuôi tôm thẻ chân trắng với sản lượng 14 tấn/ha/năm. Riêng vụ thu đông 2010, chị đưa vào nuôi 15 ha, thu gần 17 tấn tôm/ha. Sau 4 năm nuôi tôm, bình quân mỗi năm gia đình chị thu lãi hơn 3 tỷ đồng.


Được biết, hiện nay nghề nuôi tôm thẻ chân trắng tại Hà Tĩnh đang phát triển khá nhanh, với diện tích hơn 1.000 ha nhưng chủ yếu nuôi tôm trên các ao đất. Còn nuôi tôm trên cát chỉ được 40 ha tại các huyện Kỳ Anh, Thạch Hà và Nghi Xuân.


Xu hướng phát triển trong chiến lược NTTS


Theo các chủ đầm nói trên, nuôi tôm theo công nghệ cao thực sự mang lại hiệu quả cao về kinh tế, và có tính bền vững. Thứ nhất, tôm được nuôi quanh năm, đặc biệt vụ thu đông tuy có dài hơn, kỹ thuật nuôi phức tạp hơn nhưng giá bán lại cao hơn nhiều so với chính vụ. Nhẩm tính mỗi năm 3 vụ, năng suất khoảng 15 tấn/ha với giá bán bình quân 90 nghìn đồng/kg thì mỗi ha sẽ đạt trên 4 tỷ đồng/năm. Thứ hai, nuôi tôm theo công nghệ cao được lót bạt cả đáy và xung quanh bờ nên hạn chế được lượng nước thất thoát; trong quá trình nuôi dùng vi sinh, hầu như không thay nước nên hạn chế được lây lan dịch bệnh từ nguồn nước và ít chịu ảnh hưởng của bão lũ. Tuy nhiên, nuôi tôm he chân trắng có lót bạt trên cát cần được đầu tư một cách bài bản, quy mô, đồng thời phải áp dụng các tiến bộ KHKT trong quá trình nuôi hết sức nghiêm ngặt.


Ông Lê Đức Nhân – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Tĩnh cho rằng: Nuôi tôm theo công nghệ cao là xu hướng phát triển tất yếu trong chiến lược phát triển NTTS của tỉnh. Hà Tĩnh có khoảng 3.000 ha diện tích đủ điều kiện để nuôi tôm công nghệ cao. Hiện nay, một số xã trên địa bàn các huyện Cẩm Xuyên, Nghi Xuân và Thạch Hà đang hình thành gần 50 ha diện tích nuôi tôm theo kiểu này. Đến năm 2015, Hà Tĩnh sẽ nhân rộng và phát triển khoảng 300 ha nuôi tôm trên cát với năng suất 10 tấn/ha thì sản lượng tôm trên cát sẽ gấp 3 lần tổng sản lượng tôm hiện nay.


Để nuôi tôm trên cát phát triển bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế cao, UBND tỉnh cần có chính sách đầu tư quy hoạch vùng nuôi tôm lâu dài; chính quyền địa phương phải xem nuôi tôm trên cát là một hướng sản xuất mới, mang lại giá trị kinh tế cao, giải quyết việc làm cho người lao động, khai phá được tiềm năng đất hoang hóa ven biển. Mặt khác, cần phải quy hoạch vùng nuôi tập trung, tránh đầu tư dàn trải, đồng thời xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết, thu hút các doanh nghiệp, cá nhân có vốn, kỹ thuật vào nuôi tôm theo hướng bền vững.


Hữu Trung

Baohatinh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP