Nữ tài xế đó chính là chị Châu Mỹ Huỳnh (42 tuổi, TP.Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp), người đã gắn bó gần 30 năm trên những chuyến xe khách chạy ngang dọc các tỉnh miền Tây Nam bộ. Trong đó chị có 15 năm làm lơ xe, mà tài xế chính cũng là cha ruột của mình.
Video:
15 tuổi đã theo cha làm lơ xe
Sau chuyến chở khách vào buổi sáng từ Cao Lãnh đến Sài Gòn, chị hẹn tôi tại bến xe miền Tây, nơi hãng xe của chị đặt bến bãi. Khoảng 10 giờ sáng, chiếc xe 45 chỗ vừa cập bến, hành khách lần lượt xuống xe, chị bấm còi rồi ra hiệu với tôi: “Chờ chị một chút, chị mới chạy xe từ Cao Lãnh lên tới”.
Thế là người đàn bà nhỏ nhắn ngồi sau vô lăng nhanh tay đánh lái, đưa mắt nhìn trước rồi nhìn sau, cho xe vào bãi một cách gọn gàng, ngay ngắn.
Khi xe đã yên vị, công việc cũng tạm xong, chị Huỳnh cũng nhanh chóng rời khỏi xe, rồi nói: “Đó mới là hành trình chở khách đi từ Cao Lãnh lên Sài Gòn. Đến 5 giờ chiều tôi lại ra bến, tiếp tục chở khách từ TP.HCM về Cao Lãnh cho đến tối mịt mới về được nhà”.
Cứ như thế, mỗi ngày trôi qua, công việc lái xe khách của chị cũng đã “ngốn” hơn 14 năm cuộc đời. Vì vậy, cái máu lái xe này đã “bám rễ” vào người chị Huỳnh lúc nào không hay.
Chị kể, khoảng thời gian những năm 80, khi chị vừa mới 15 tuổi đã thay mẹ theo cha làm lơ xe rong ruổi khắp các tỉnh miền Tây Nam bộ. Những ngày đầu làm lơ xe, đối với chị bất tiện đủ điều. Là phụ nữ nhưng chị phải thường xuyên leo trèo lên mui xe. Có khi chạy lăng xăng đó đây để “bắt khách”, hoặc phải tự tay sửa chữa cho chiếc xe của mình.
Trong những ngày theo cha, chứng kiến cảnh cha ngồi cầm vô lăng đánh lái trên các cung đường, chị thầm ngưỡng mộ trong lòng và ao ước một ngày được ngồi lái xe như cha.
“Có lần xe về tới Sa Đéc, tôi đợi lúc ba về nhà thì lén lấy xe ra tự chạy thử vòng vòng quanh bến chứ đâu dám chạy xa. Mà lúc mới ngồi lên thấy xe ớn ớn, thấy xe bự hơn cái lộ. Nhưng mà lúc chạy rành rồi thấy nó dễ lắm”, chị Huỳnh chia sẻ.
Chưa kể, nhiều lần chị nói dối gia đình, xin qua nhà bạn chơi trong một tháng. Nhưng nào ngờ, đó là lần chị trốn đi học lái xe ở tận Vĩnh Long. Khi chị Huỳnh cầm tấm bằng lái xe mà chị được cấp về nhà khoe, cả gia đình mới “té ngửa”.
Cũng kể từ đó chị Huỳnh đã chính thức thay thế cha ngồi lái xe chở khách. Tuy vậy, lần đầu chở khách, chị Huỳnh gặp phải sự phản ứng từ một vài hành khách đi xe chỉ vì tài xế là phụ nữ.
Chị Huỳnh kể lại ngày đầu tiên mà mình lái xe: “Ngày đầu cầm lái, tôi cảm thấy vui lắm, mà cũng hơi run. Chuyến đó là tôi chạy xe 35 chỗ, tuyến Sa Đéc – Hồng Ngự, có một ông khách thấy tôi sợ quá đòi trả vé không đi nữa. Tôi nói lại, là con gái thì sao, miễn người ta chạy xe được thì thôi! Cái nào nam làm được thì nữ cũng làm được, chú đừng có sợ”.
Nghề lái xe khách đối với phụ nữ luôn có những lần “cười ra nước mắt”
PHẠM HỮU
Trong lần đầu cầm lái, chị Huỳnh gặp phải sự phản ứng từ một vài hành khách đi xe bởi vì tài xế là một phụ nữ
Hay như chuyện cách đây không lâu, người chủ mới nhập loại xe giường nằm về bến, do thiếu tài xế nên bố trí chị Huỳnh trực tiếp cầm lái. Khi khách đã đầy xe, chị bước lên vô lăng, nhiều hành khách thấy chị hoảng hồn không ai dám nằm ngủ. Nhưng một lúc sau, xe chạy “êm”, khách cũng yên tâm.
Theo nghề vì đam mê
Đối với chị Huỳnh, công việc lái xe khách là một đam mê bất tận. Nó luôn mang đến cho chị nhiều niềm vui trong cuộc sống. Vì theo chị: “Nghề nào cũng là nghề, tôi đam mê cái nào thì theo đuổi cái ấy”.
Để giữ lửa nghề bền lâu, những khi kết thúc công việc về nhà, nữ tài xế này hầu như buông bỏ hết, không nghĩ đến nghề xe nữa. Miễn cứ đến giờ là tự động lên xe và lái.
Cách đây vài tháng, chị Huỳnh bị bệnh gai cột sống vì ngồi quá nhiều, phải nghỉ lái xe đến 4 tháng. Cung đường từ TP.HCM về Cao Lãnh cũng thường xuyên vắng bóng chị. Thế nhưng khi dưỡng bệnh ở nhà, chị cũng nhận được vài niềm vui nho nhỏ từ đồng nghiệp của mình nhắn lại.
Trong thời gian chạy xe, chị Huỳnh cũng “nổi tiếng” từng ngày vì có nhiều người nhớ đến, luôn nhắc đến chị trong những lần đi xe. Trong đó có những hành khách, những người ở trạm thu phí, hoặc có khi là CSGT hỏi thăm, gọi điện khi chị vắng bóng một thời gian dài trên những cung đường quốc lộ.
Chị Huỳnh kể: “Anh em tài xế cùng hãng khi dừng ở các trạm CSGT để mấy ảnh kiểm tra giấy tờ, thì được mấy ảnh hỏi thăm sao dạo này không thấy bà Huỳnh chạy xe nữa”.
Dù có mệt nhọc, khó khăn nhưng chị Huỳnh không bao giờ bỏ nghề lái xe đường dài
PHẠM HỮU
Phạm Hữu