Ông Phạm Nhật Vượng và bà Phạm Thu Hương
Trên con đường thành công của ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Vingroup, không thể thiếu dấu ấn của người vợ đã đồng hành và chia sẻ mọi khó khăn, thử thách cùng ông, đó là bà Phạm Thu Hương.
Năm 1993, ông Vượng và bà Hương quyết định bắt đầu một cuộc sống mới ở thành phố Kharkov (Liên Xô cũ) và mở một cửa hàng ăn mang tên Việt Nam Thăng Long. Họ chọn những ngõ ngách có đông người Việt sinh sống và gặp khá nhiều khó khăn vì tình hình khủng hoảng kinh tế lúc đó.
Bà Phạm Thu Hương cùng người chồng tỷ phú của mình trong lễ trao giải thưởng VinFuture 2023. (Ảnh: Thanh Lâm/TN) |
Nhưng ông Vượng và bà Thu Hương không từ bỏ khát vọng kinh doanh. Họ tận dụng cơ hội từ khó khăn, nhập khẩu sản phẩm từ Việt Nam để bắt đầu kinh doanh mì ăn liền. Dù phải mạo hiểm vay vốn từ bạn bè và ngân hàng nhưng họ đã thành công với thương hiệu Mivina, một trong những sản phẩm nổi tiếng nhất của Technocom.
Năm 2009, ông Vượng quyết định bán Technocom để tập trung vào việc phát triển Vingroup ở trong nước. Bà Thu Hương đã chia sẻ niềm tin và ủng hộ quyết định táo bạo này.
Với những thành công vang dội trên nhiều lĩnh vực, vợ chồng ông Vượng ngày càng trở nên nổi tiếng, giàu có và quyền lực.
Hiện ông Phạm Nhật Vượng trở thành tỷ phú USD đầu tiên của Việt Nam và cũng là tỷ phú giàu nhất Việt Nam. Còn bà Thu Hương không chỉ là vợ của tỷ phú mà còn là một nữ doanh nhân tài giỏi, uy tín và có tầm nhìn riêng.
Sức ảnh hưởng của vợ chồng ông Phạm Nhật Vượng tại thị trường Việt Nam đến nay không hề nhỏ khi sở hữu những doanh nghiệp hàng đầu trong mọi lĩnh vực kinh tế, từ bất động sản, bán lẻ, du lịch, đến y tế, giáo dục...Đặc biệt là VinFast - thương hiệu ô tô đầu tiên của người Việt - tạo được tiếng vang trên toàn cầu.
Ông Trần Đình Long và bà Vũ Thị Hiền
Hành trình lập nghiệp của ông Long và bà Hiền bắt đầu từ những ngày khó khăn và thách thức khi ông Long còn là một doanh nhân trẻ, tìm kiếm cơ hội trong thị trường kinh doanh đầy cạnh tranh khốc liệt. Ông đã bắt đầu sự nghiệp của mình với việc sản xuất và kinh doanh những sản phẩm thép nhỏ. Và niềm đam mê cùng lòng kiên nhẫn đã giúp ông xây dựng nên Tập đoàn Hòa Phát vững mạnh ngày nay.
Trong thời kỳ đầu nhiều khó khăn và rủi ro, bà Hiền là người đồng hành, chia sẻ gánh nặng cùng ông, giúp ông Long vượt qua những thử thách để đến với thành công. Hiện nay, Hòa Phát đã trở thành một trong những tập đoàn hàng đầu Việt Nam, với nhiều lĩnh vực kinh doanh như sản xuất thép, kinh doanh bất động sản...
Bà Vũ Thị Hiền cũng là một trong những cổ đông lớn tại Hòa Phát. Tuy nhiên, bà Hiền không tham gia lãnh đạo hay điều hành tại Hòa Phát và cũng chưa từng lộ diện. Bà Hiền sở hữu khoảng hơn 11.000 tỷ đồng trên thị trường chứng khoán.
Ông Hồ Hùng Anh và bà Nguyễn Thị Thanh Thủy
Ông Hồ Hùng Anh và bà Nguyễn Thị Thanh Thủy bắt đầu kinh doanh từ lĩnh vực thủy sản, họ đã cùng nhau đối mặt với nhiều thử thách và rủi ro.
Hành trình sự nghiệp của ông Hồ Hùng Anh không ngừng chuyển động và phát triển. Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy không chỉ là người vợ đồng hành mà còn là một phần quan trọng trong việc đưa ra các quyết định chiến lược cho các công ty trong tập đoàn.
Ông Hồ Hùng Anh và Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy. (Ảnh: Forbes Vietnam) |
Ông Hồ Hùng Anh hiện là Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank). Trên sàn chứng khoán, vị tỷ phú và vợ đang nắm giữ số cổ phiếu lớn với tổng giá trị gần 30.000 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Đăng Quang và bà Nguyễn Hoàng Yến
Ông Nguyễn Đăng Quang là Chủ tịch Hội đồng quản trị Masan Group. Ông Quang sinh năm 1963, có mặt trong danh sách tỷ phú thế giới của Forbes từ năm 2019. Ông Quang có bằng tiến sĩ vật lý hạt nhân, là cựu du học sinh khởi nghiệp từ Đông Âu vào những năm 1990 với ngành hàng thực phẩm, sau đó quay về Việt Nam kinh doanh.
Masan Group niêm yết trên thị trường chứng khoán từ năm 2009 và trở thành một trong những công ty tư nhân có giá trị vốn hóa cao nhất thị trường. Masan Group cũng là một trong các công ty tư nhân huy động vốn quốc tế lớn nhất tại Việt Nam để phát triển theo chiến lược M&A, đặc biệt hướng vào các thương hiệu trong ngành hàng tiêu dùng.
Ở cương vị lãnh đạo Masan Group, ông Quang hoạch định chiến lược và đưa ra các quyết định giúp công ty này phát triển.
Trong khi đó, bà Nguyễn Hoàng Yến, vợ ông Quang hiện là Phó Tổng Giám đốc Masan Consumer, công ty thành viên của Masan Group hoạt động trong lĩnh vực hàng tiêu dùng. Bà Yến phụ trách mảng hoạt động thu mua nguyên liệu đầu vào của công ty. Gia đình ông Quang đang sở hữu trực tiếp và gián tiếp hơn 25% cổ phần của Masan Group.
Hiện ông Nguyễn Đăng Quang đang sở hữu khối tài sản trên sàn chứng khoán Việt khoảng 21.000 tỷ. Còn bà Nguyễn Hoàng Yến cũng nắm khoảng 3.200 tỷ trên sàn chứng khoán. Bà Yến chọn lối sống thầm lặng phía sau những thành công to lớn của chồng. Tuy vậy, ông bà vẫn là cặp vợ chồng doanh nhân nghìn tỷ ở Việt Nam.
Tác giả: CÔNG HIẾU (tổng hợp)
Nguồn tin: Báo VTC News