Dù ăn mặc sành điệu và đẹp đến mấy nhưng không phù hợp với môi trường thì cũng trở nên lố bịch. Hình ảnh “váy ngắn” tới chùa cũng đã làm mất đi ý nghĩa của việc đi chùa của nhiều bạn trẻ.
Hiện tượng nhiều phụ nữ, cô gái trẻ vào chùa mặc váy ngắn, quần áo hở hang vẫn diễn ra phổ biến hiện nay. Dòng chữ ở tấm biển “Đề nghị quý khách lưu tâm: không mặc quần áo ngắn vào chùa” vẫn bị chị em phụ nữ “phớt lờ”.
Nhức mắt “váy ngắn” đi chùa – Ảnh: Vitalk. |
Một trong những quy ước, khuyến cáo của nhà Phật đối với du khách, Phật tử là “Khi vào chùa cần mặc quần áo dài, kín cổ, đi khẽ. Tránh mặc áo ngắn tay, áo sát nách, áo may ô, quần soóc, váy ngắn… Đối với Phật tử thì phải mặc áo lễ khi đến điện thờ Phật trong chùa”.
Có những người đi lễ chùa mặc váy ngắn nhưng có thêm tất đủ dầy để che đi màu da chân thì vẫn được mọi người dễ dàng chấp nhận.
Đi lễ chùa là một nét đẹp văn hóa trong đời sống tâm linh của người dân Việt. Mùng một, ngày rằm hàng tháng, đặc biệt vào những dịp lễ, Tết có rất nhiều người đi chùa lễ Phật. Những ngày đầu xuân năm mới này, dòng người đi lễ các đền chùa lúc nào cũng đông nghịt khách đến cầu may mắn. Tuy nhiên, những hình ảnh không được đẹp về “váy ngắn lên chùa” lại rất dễ gây phản cảm.
Khách đi lễ chùa năm nay đã có nhiều tiến bộ như không mang đồ lễ mặn hay vàng mã, hạn chế việc rải tiền lẻ lên ban thờ Phật nhưng bên cạnh đó vẫn còn đó những hình ảnh không được đẹp như việc váy ngắn lên chùa.
Liên quan đến chuyện “váy ngắn” đi chùa, một phóng viên đã chia sẻ câu chuyện, trong một lần phỏng vấn thượng tọa Thích Minh Hiền, Phó ban Văn hóa Trung ương giáo hội phật giáo Việt Nam, đang phỏng vấn, thì có một cô gái cũng là phóng viên đến phỏng vấn Thượng tọa theo lời hẹn từ trước. Thế nhưng khi cô gái này bước vào ghế ngồi thì Thượng tọa đứng dậy, bỏ sang bàn khác, rồi bảo cô gái: “Mời cô về thay quần áo khác rồi đến đây thì tôi mới trả lời. Đến phỏng vấn chư Tăng mà mặc váy ngắn thế kia là bất kính”.
K.L