Cơ quan điều tra tống đạt lệnh bắt tạm giam bị can Phan Quốc Việt, TGĐ Công ty Việt Á cuối 2021 - Ảnh: GIANG LONG |
Trong gần 5 tháng qua, Cơ quan điều tra Bộ Công an, Cơ quan điều tra Bộ Quốc phòng và công an các địa phương đã khởi tố hơn 30 người liên quan đến vụ Công ty Việt Á nâng khống giá kit xét nghiệm COVID-19, trong đó có 3 quan chức cấp vụ thuộc Bộ Y tế, Bộ Khoa học và công nghệ và 8 giám đốc CDC các tỉnh thành.
Kể từ khi cuộc điều tra công bố những kết quả ban đầu với việc khởi tố, bắt tạm giam những nhân vật thuộc Công ty cổ phần công nghệ Việt Á (gọi tắt là Công ty Việt Á), rất nhiều giám đốc trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của các tỉnh thành trước khi bị bắt đều khẳng định "không nhận một đồng nào từ Việt Á".
Chỉ đạo quyết liệt, điều tra triệt để
Nhìn lại chuỗi sự việc, có thể thấy cuộc điều tra của cơ quan chức năng diễn ra quyết liệt, nhanh chóng và triệt để.
- Ngày 18-12-2021, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) khởi tố vụ án "thổi giá" kit xét nghiệm COVID-19 xảy ra tại Công ty Việt Á và các đơn vị, địa phương có liên quan. C03 đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam Phan Quốc Việt - tổng giám đốc Công ty Việt Á; Vũ Đình Hiệp - phó tổng giám đốc Công ty Việt Á; Hồ Thị Thanh Thảo - thủ quỹ Công ty Việt Á...
- Ngày 26-12: Bộ Khoa học và công nghệ thông tin kit xét nghiệm Việt Á được nhận gần 19 tỉ đồng kinh phí từ ngân sách để nghiên cứu.
- Ngày 30-12: Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng đưa vụ Việt Á vào diện theo dõi, chỉ đạo.
- Ngày 31-12: Ba lãnh đạo cấp vụ bị khởi tố gồm: ông Nguyễn Minh Tuấn - nguyên vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và công trình y tế, Bộ Y tế; Nguyễn Nam Liên - vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế) và ông Trịnh Thanh Hùng - phó vụ trưởng Vụ Khoa học và công nghệ các ngành kinh tế kỹ thuật, Bộ Khoa học và công nghệ.
- Ngày 8-3-2022: Có thông tin chính thức về việc Cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam: thượng tá Hồ Anh Sơn - phó giám đốc Viện nghiên cứu y dược học quân sự, Học viện Quân y; đại tá Nguyễn Văn Hiệu - trưởng phòng trang bị, vật tư thuộc Học viện Quân y.
Ban Bí thư cũng quyết định kỷ luật bằng hình thức cách chức đối với tất cả chức vụ trong Đảng nhiệm kỳ 2015 - 2020 và 2020 - 2025 với trung tướng Đỗ Quyết (giám đốc Học viện Quân y) và thiếu tướng Hoàng Văn Lương - phó giám đốc Học viện Quân y.
Nhiều lãnh đạo CDC đã nhúng chàm
Cuộc điều tra đã đưa đến kết quả là nhiều lãnh đạo các CDC, Sở Y tế các tỉnh thành bị khởi tố, bắt tạm giam dù trước đó không ít người còn hùng hồn trả lời với truyền thông rằng "không nhận một đồng tư túi nào".
- Tỉnh Hải Dương: ông Phạm Duy Tuyến (giám đốc CDC) và ông Nguyễn Mạnh Cường - nguyên kế toán trưởng CDC. Ông Tuyến bị C03 cáo buộc nhận hối lộ 27 tỉ đồng từ Công ty Việt Á.
- Tỉnh Bắc Giang: Trước khi bị bắt, ông Lâm Văn Tuấn - giám đốc CDC Bắc Giang - trả lời báo chí khẳng định "không nhận một đồng nào từ Công ty Việt Á, quá trình đấu thầu thực hiện đúng quy định". Kết luận điều tra ban đầu xác định ông Tuấn cùng hai người khác đã thỏa thuận nhận hoa hồng 44 tỉ đồng từ Việt Á.
- Tỉnh Nghệ An: Ông Nguyễn Văn Định (giám đốc CDC) và bà Nguyễn Thị Hồng Thắm (kế toán trưởng CDC) bị tạm giam. 10 ngày trước khi bị bắt, ông Định lên báo khẳng định bản thân "minh bạch, làm đúng trình tự, quy trình, thủ tục trong các gói thầu cung cấp vật tư kit xét nghiệm với Công ty Việt Á".
- Tỉnh Bình Dương: ông Nguyễn Thành Danh - giám đốc CDC; ông Trần Thanh Phong - phó phòng tài chính kế toán CDC; bà Lê Thị Hồng Xuyên - nguyên phụ trách phòng thí nghiệm CDC; ông Tiêu Quốc Cường - kế toán trưởng, phó phòng tài chính Sở Y tế Bình Dương.
- Thừa Thiên Huế: ông Hoàng Văn Đức (giám đốc CDC) và Hà Thúc Nhật - kế toán trưởng của CDC. Trước khi bị bắt, trả lời báo chí, ông Hoàng Văn Đức khẳng định "không nhận từ Công ty Việt Á một đồng nào".
- Tỉnh Nam Định: ông Đỗ Đức Lưu - giám đốc CDC; ông Vũ Ngọc Tuyên - kế toán trưởng; bà Vũ Khánh Vân (trưởng phòng kế hoạch nghiệp vụ) và bà Phạm Thị Nga - trưởng khoa dược, vật tư y tế. Trước khi bị bắt, ông Đỗ Đức Lưu từng khẳng định "không nhận một đồng hoa hồng nào" trong cả 4 hợp đồng ký kết với Công ty Việt Á.
Tuy nhiên, cơ quan điều tra xác định Công ty Việt Á đã chi hoa hồng hơn 3 tỉ cho giám đốc và các cán bộ CDC Nam Định.
- Tỉnh Bình Phước: Ông Nguyễn Văn Sáu - giám đốc CDC Bình Phước - bị kỷ luật cách chức. Trả lời báo chí, ông Sáu cho biết từng được Công ty Việt Á tặng quà và đã nộp lại quà này cho cơ quan chức năng.
- Tỉnh Hà Giang: Thanh tra tỉnh công bố kết luận cho biết ông Nguyễn Trần Tuấn (giám đốc CDC) cùng bà Phan Thị Nga (trưởng khoa xét nghiệm) và bà Tô Minh Huệ (kế toán trưởng) thừa nhận có nhận 770 triệu đồng tiền mặt của Việt Á.
Việt Á chi hoa hồng gần 800 tỉ đồng Kết quả điều tra xác định Công ty Việt Á đã cung ứng kit xét nghiệm cho CDC và các cơ sở y tế khác của 62 tỉnh thành với doanh thu gần 4.000 tỉ đồng. Điều đáng nói, Phan Quốc Việt lợi dụng tình hình dịch bệnh COVID-19 căng thẳng để "bắt tay" với giám đốc CDC một số địa phương nâng khống giá bộ xét nghiệm COVID-19 để hưởng lợi bất chính số tiền lớn. Kết quả điều tra đến nay xác định Phan Quốc Việt đã "bắt tay" với các đối tác nâng khống giá kit xét nghiệm lên khoảng 45%, số tiền Việt Á thu về trong vụ này là trên 500 tỉ đồng. Theo lời khai của bị can Việt, số tiền đã chi hoa hồng cho các "đối tác" là gần 800 tỉ đồng. Kết quả điều tra cũng cho thấy việc cấp phép đăng ký lưu hành tạm, cấp phép đăng ký lưu hành chính thức sản phẩm kit xét nghiệm COVID-19 của Bộ Y tế có sai phạm. Mặt khác, việc hiệp thương giá sản phẩm kit xét nghiệm COVID-19 với Công ty Việt Á tại Bộ Y tế cũng có dấu hiệu sai phạm và đang được C03 làm rõ. |
Tác giả: THÂN HOÀNG
Nguồn tin: Báo Tuổi Trẻ