BBC hôm 20/6 đưa tin 4 phạm nhân mang quốc tịch nước ngoài đã trốn khỏi nhà tù Kerokoban trên đảo Bali, Indonesia bằng đường hầm dài khoảng 16 m. Cuộc vượt ngục được NYTimes ví là “liều lĩnh như phim hành động Hollywood”. Song, tờ báo này cũng hé lộ những bí ẩn mà lẽ ra “chỉ xuất hiện trong phim”, đang diễn ra phía sau song sắt các nhà tù ở Indonesia.
5 cai ngục trông giữ gần 1.400 phạm nhân
Dù cảnh sát đã mở rộng phạm vi điều tra, 2 trong số các phạm nhân trốn thoát vẫn ngoài vòng pháp luật. Giới chức Indonesia nhận định thế lực ngầm có thể đã “chống lưng” cho 2 tên này trong và sau cuộc vượt ngục táo tợn.
Cận cảnh đường hầm vượt ngục của các phạm nhân. Ảnh: Reuters. |
Đó là hồi chuông cảnh tỉnh đến hàng trăm trại giam khác ở Indonesia, nơi số lượng phạm nhân đang trong tình trạng quá tải. Thậm chí, quản ngục còn tiếp tay cung cấp ma túy, gái mại dâm cho họ.
Tình trạng ngày càng đáng báo động khi cán bộ trại giam còn nhận tiền bôi trơn, tạo điều kiện giúp họ trốn thoát. “Thật buồn vì nó phản ánh chính xác sự rối loạn an ninh trong nhà tù”, Leopold Sudaryono, tiến sĩ chuyên ngành nghiên cứu tội phạm học Đại học Quốc gia Australia khẳng định
Ông nhận định sự việc như “giọt nước tràn ly”, cho thấy điều kiện cơ sở vật chất tại hệ thống nhà tù Indonesia không đảm bảo để phục vụ những nhiệm vụ cơ bản nhất. "Vụ vượt ngục mới đây cho thấy các nhà tù không đủ khả năng thực hiện những chức năng như đảm bảo môi trường an toàn, cải tạo giáo dục và cung cấp các dịch vụ cho phạm nhân", Sudaryono chia sẻ.
Bên cạnh đó, I Wayan K. Dusak, người đứng đầu Cơ quan quản lý Nhà tù Indonesia, thừa nhận trong một cuộc phỏng vấn rằng các cai ngục ở nhà tù Kerobokan không hoàn thành tốt nhiệm vụ và gọi họ là “những tên lính gác kém cỏi”.
Shaun Edward Davidson , một trong số những phạm nhân tham gia cuộc vượt ngục. Ảnh: AAP. |
Tuy nhiên, ông cũng có lưu ý rằng các nhà tù đang quá tải trầm trọng. Kerobokan được thiết kế để giam giữ 323 tù nhân. Điều đáng nói là vào đêm xảy ra vụ tẩu thoát, chỉ có 5 quản ngục đang làm nhiệm vụ trông giữ gần 1.400 người.
“Thường thì, cứ một quản ngục sẽ giám sát 20 phạm nhân, nhưng với việc số lượng tù nhân quá tải như hiện nay thì mỗi quản ngục phải trông coi 65 tù nhân. Chúng tôi đang rất đau đầu về số lượng và đạo đức của quản ngục. Họ không được đào tạo bài bản, luôn mang bên mình súng mà lại không biết sử dụng chúng”, NYTimes trích lời Sudaryono.
Vào tháng 5, hàng trăm tù nhân đã đào thoát khỏi một nhà tù quá tải trên đảo Sumatra. Chưa dừng lại ở đó, trận lũ lụt lịch sử vào tháng 6 khiến bức tường quanh nhà tù này sụp đổ, là cơ hội “ngàn năm có một” cho hàng chục tù nhân tẩu thoát.
'Lương thấp nên phải nhận tiền bôi trơn'
Ông Dusak cho rằng cũng giống như Philippines, cuộc chiến chống ma túy do Tổng thống Joko Widodo phát động gia tăng đáng kể số người bị kết tội liên quan đến ma túy, gây sức ép lên hệ thống nhà tù vốn đã xập xệ từ lâu. “Khoảng một nửa số tù nhân của nước này là tội phạm ma túy”, ông Dusak nói.
Theo dữ liệu của Tổng cục điều tra Indonesia, gần 29.000 người Indonesia đang phải chịu án tù dài hạn vì tội đánh bắt cá trái phép hay chơi bài ăn tiền.
Kerobokan được thiết kế để giam giữ 323 tù nhân. Ảnh: NYTimes. |
Một số chuyên gia đang vận động chính phủ đưa các tội phạm ma túy vào trung tâm cai nghiện thay vì giam giữ họ trong tù. Ở Indonesia không có các phòng giam riêng biệt phân chia mức độ nguy hiểm của tù nhân. Vì vậy, tội phạm giết người, buôn bán ma túy, trộm cắp sẽ ở chung với nhau.
Các chuyên gia cũng đề nghị tăng ngân sách cho nhân viên trại giam. Tiền lương của quản ngục chỉ khoảng 300 USD/tháng cũng phần nào lý giải cho việc họ sẵn sàng nhận tiền hối lộ, "bôi trơn" từ tù nhân.
Trong cuốn "Khách sạn Kerobokan: Bí ẩn tại nhà tù khét tiếng nhất Bali”, tác giả Kathryn Bonella tiết lộ những phạm nhân nước ngoài đút tiền cho cai ngục để trao đổi ma túy, rượu bia hoặc vui vẻ với gái mại dâm.
Bà nói thêm: "Tôi không nghĩ rằng sẽ cải thiện được tình trạng hiện nay vì nhà tù ở Indonesia đang chật như nêm".
Tác giả: Thu Trang
Nguồn tin: Báo Zing