Pháp luật

Nguyên giám đốc ngân hàng “tạm ứng” 10 tỷ đồng rồi “quên trả”

Khi còn làm giám đốc, Hiền rút 10 tỷ đồng của ngân hàng để tiêu xài cá nhân rồi không có khả năng chi trả. Để bù vào số tiền mình đã tiêu, Hiền nhờ Trưởng ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận 1 cho mượn 4 tài khoản trị giá hơn 10,7 tỷ đồng của ban này.

Ngày 31/7, TAND TPHCM mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự liên quan đến Ngân hàng Dầu khí Toàn Cầu – Chi nhánh TPHCM (viết tắt là GPBank TPHCM)

Trong vụ án này, bị cáo Lê Thị Minh Hiền (sinh năm 1977, nguyên Giám đốc GPBank TPHCM) bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Bị cáo Lê Quốc Cường (sinh năm 1960, nguyên Trưởng ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận 1) bị truy tố về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ; Bị cáo Huỳnh Thị Cúc (sinh năm 1970, nguyên Thủ quỹ Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận 1) bị truy tố về tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Bị cáo Lê Thị Minh Hiền, nguyên Giám đốc GPBank TPHCM

Bị cáo Lê Quốc Cường, nguyên Trưởng Ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận 1.

Theo cáo trạng, GPBank TPHCM trực thuộc GPBank, 100% vốn tư nhân. Từ tháng 3/2009 đến ngày 15/7/2010, GPBank bổ nhiệm Lê Thị Minh Hiền làm giám đốc GPBank TPHCM.

Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận 1 là đơn vị sự nghiệp công lập có thu trực thuộc UBND quận 1. Từ tháng 2/2006 đến tháng 4/2013, Lê Quốc Cường được bổ nhiệm làm trưởng ban.

Trong thời gian từ tháng 10/2009 đến ngày 15/7/2010, Hiền đã nhiều lần chỉ đạo Nguyễn Quốc Huy (Thủ quỹ GPBanhk TPHCM) lấy tiền quỹ cho Hiền tạm ứng sử dụng cá nhân. Việc tạm ứng được Hiền ghi vào sổ để theo dõi. Thời gian đầu Hiền trả lại tiền vào quỹ đều đặn, nhưng sau đó thưa dần.

Khoảng 18h ngày 15/7/2010, GPBank tiến hành kiểm kê quỹ tiền mặt để bàn giao chức giám đốc chi nhánh từ bà Hiền cho ông Nghiêm Tiến Sỹ. Việc kiểm kê cho thấy có 14 tỷ đồng nhưng trong sổ sách lên tới 24 tỷ đồng, lượng tiền mặt thực tế thiếu hụt so với sổ sách là 10 tỷ đồng.

Theo lời khai của Nguyễn Quốc Huy (thủ quỹ cũ), số tiền chênh lệch này do bà Hiền đã tạm ứng quỹ sử dụng trước đó. Lúc này, Hiền bàn bạc với giám đốc mới, thống nhất chỉ đạo Huy ghi vào phần ghi chú là chứng từ chưa hoạch toán 10 tỷ đồng, Hiền đã đứng ra nhận trách nhiệm sử dụng tiền quỹ và hứa khắc phục.

Thời điểm trên, Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận 1 có 4 tài khoản tại GPBank TPHCM với số tiền gửi 10,7 tỷ đồng.

Để hợp thức hóa số tiền thiếu hụt, Hiền đã nhờ Cường đứng ra vay 10,5 tỷ đồng tại GPBank TPHCM cho Hiền mượn giải quyết việc cá nhân thì Cường đồng ý.

Khoảng 18h ngày 20/7/2010, Hiền đến GPBank TPHCM đưa cho ông Nghiêm Tiến Sỹ giấy đề nghị đóng 4 tài khoản của Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận 1 với số tiền hơn 10,7 tỷ đồng.

Sau đó, ông Sỹ chỉ đạo ông Nguyễn Thanh Phú (Phó giám đốc) lập phiếu chi tiền mặt, rút hơn 10,7 tỷ đồng chuyển đến Agribank Chợ Lớn. Nhưng thực chất chỉ thao tác trên chứng từ và chỉ có 279 triệu đồng tiền mặt được chuyển đến Agribank Chợ Lớn.

Cũng trong tối ngày 20/7/2010, Hiền đã đến Agribank Chợ Lớn đặt vấn đề cho công ty TNHH Cường Nguyễn vay 10,5 tỷ đồng trong thời hạn 7 ngày, tài sản đảm bảo là 10,7 tỷ đồng tại tài khoản tiền gửi của Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận 1 vừa mở tại đây.

Agribank Chợ Lớn làm thủ tục nhận trên giấy tờ số tiền 10,7 tỷ này và giải ngân cho công ty Cường Nguyễn số tiền 10,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là thao tác trên giấy tờ chứ thật sự không có đồng tiền mặt nào được giao dịch.

Tại phiên tòa hôm nay, bị cáo Cường khai nhận mình không đứng tên tài khoản nào tại Agribank Chợ Lớn và không biết số tiền của Ban bồi thường giải phóng mặt bằng được chuyển đến Agribank Chợ Lớn. Bị cáo Cường cũng khẳng định mình không hề làm thủ tục tất toán 4 tài khoản với số tiền 10,7 tỷ đồng gửi lại GPBank TPHCM.

Còn ông Nguyễn Thanh Phú (Phó giám đốc GPBank TPHCM) trình bày, ông có nhận được giấy yêu cầu tất toán 4 tài khoản của Ban bồi thường giải phóng mặt bằng do Giám đốc Sỹ đưa cho. Việc làm thủ tục tất toán 4 tài khoản này là do ông Sỹ chỉ đạo làm, mặc dù các giấy tờ chưa đủ để có thể làm thủ tục tất toán nhưng ông Sỹ vẫn chỉ đạo làm.

Xét thấy lời khai của những người liên quan có nhiều mâu thuẫn, nhiều nội dung trong vụ án chưa được làm rõ nên HĐXX quyết định nghị hội ý. Khi trở lại làm việc, chủ tọa phiên tòa tuyên bố tạm hoãn phiên tòa, trả hồ sơ điều tra bổ sung, làm rõ một số vấn đề liên quan.

Tác giả: Xuân Duy

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP