Dòng Sự kiện

Nguyên Bộ trưởng Trần Xuân Giá khai gì về ‘bầu’ Kiên

Mặc dù không giữ chức vụ chủ chốt trong bộ máy lãnh đạo Ngân hàng ACB, nhưng tiếng nói của Nguyễn Đức Kiên luôn được xem là quyết định.

“Bầu” Kiên tức Nguyễn Đức Kiên là cổ đông góp vốn lớn nhất khi ACB thành lập vào năm 1993. Từ 1994 – 2008, “bầu” Kiên là Phó chủ tịch Hội đồng quản trị. Năm 2008, sau khi nhận thấy pháp luật quy định vị trí Phó chủ tịch HĐQT không được vay vốn từ chính tổ chức tín dụng, hạn chế tham vọng sở hữu chéo những Ngân hàng TMCP và hạn chế nhiều hoạt động kinh doanh riêng, Nguyễn Đức Kiên đã chủ động rút khỏi HĐQT.

Xét xử vụ bầu Kiên
Ông Trần Xuân Giá – Ảnh: Hà Anh

Và sau nhiều lần được tham vấn, “bầu” Kiên lập Hội đồng sáng lập, quyết định rời khỏi HĐQT. Tuy nhiên trước đó, “bầu” Kiên cũng kịp đề nghị HĐQT ra Nghị quyết thành lập và phê chuẩn quy chế làm việc của Hội đồng sáng lập do mình làm Phó chủ tịch.

Hội đồng sáng lập được phép tham dự các cuộc họp của Thường trực HĐQT và Ban lãnh đạo, được cho ý kiến về mọi hoạt động kinh doanh trong toàn ngân hàng, được báo cáo và cung cấp đầy đủ tài liệu liên quan đến hoạt động kinh doanh của ACB.

Với tư cách là Phó chủ tịch Hội đồng sáng lập, “bầu” Kiên vẫn là người có ảnh hưởng và chỉ đạo, quyết định hầu hết các hoạt động của ACB.

Tại cơ quan công an, ông Trần Xuân Giá khai nhận, từ năm 2008, mặc dù Nguyễn Đức Kiên không tham gia HĐQT Ngân hàng ACB nhưng vẫn là người có ảnh hưởng và chỉ đạo, quyết định nhiều hoạt động của ngân hàng.

Theo lời khai của ông Trần Xuân Giá, ngày 22.3.2010, Thường trực HĐQT Ngân hàng ACB có họp bàn về chủ trương ủy thác cho nhân viên Ngân hàng ACB dùng tiền và USD gửi vào các tổ chức tín dụng. Trong cuộc họp này có một số ý kiến, cụ thể ông Trần Mộng Hùng – Chủ tịch Hội đồng sáng lập, đề nghị giảm bớt lãi suất huy động để giảm số tiền huy động của dân, vì thời điểm đó Ngân hàng ACB đã huy động được nhiều tiền của dân nhưng không cho vay được mà lại phải trả lãi. Tuy nhiên, “bầu” Kiên đã thể hiện quyền lực của mình bằng cách gạt đi. Sau đó Lý Xuân Hải (nguyên Tổng giám đốc ACB) phải xoa dịu Kiên bằng cách đề xuất phương án ủy thác cho nhân viên Ngân hàng ACB gửi USD và tiền vào các tổ chức tín dụng. Phương án này được thường trực HĐQT thông qua, giao cho Tổng giám đốc thực hiện.

Ngoài ông Trần Xuân Giá thì các ông Lý Xuân Hải, Lê Vũ Kỳ và Trịnh Kim Quang đã khai tại cơ quan điều tra về tầm ảnh hưởng của “bầu Kiên” trong Ngân hàng ACB.

Hà Anh – Thiên Minh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP