Ma túy đã khiến nhiều gia đình ở vùng giáp biên giới này tan nát, nhiều người đã phải lìa đời khi còn quá trẻ, để lại bao nỗi đau thương, tang tóc.
Trước vấn đề nan giải trên, người chiến sĩ biên phòng mới chân ướt, chân ráo lên cửa khẩu Cầu Treo công tác Phạm Văn Thông đã đứng ra thành lập “Câu lạc bộ tình thương”, với mục đích “gom” toàn bộ những thành phần nghiện, hư hỏng về tham gia câu lạc bộ, qua đó giúp họ làm lại cuộc đời.
Khi đã lên với núi rừng, anh Thông khắc ghi câu nói “Đồn là nhà, biên giới là quê hương”. Anh lấy vợ người dân tộc Mán Thanh, sống tại địa phương nên có cơ hội hiểu rõ hơn con em cũng như phong tục, tập quán địa phương. Từ đó, anh tìm tòi, nghiên cứu đưa ra nhiều phương pháp sáng tạo trong việc phòng chống tệ nạn, phát triển sản xuất.
Gia đình anh Phan Xuân Quốc, xóm Đá Mồng, xã Sơn Kim II có cuộc sống vô cùng khó khăn, con cái thiếu ăn, thiếu mặc. Anh Thông chỉ cho họ thấy lợi thế về đất vườn, đất rừng, thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Trong một thời gian ngắn, họ đã thay đổi cách nghĩ, cách làm, mạnh dạn vay vốn đầu tư trồng được gần 5 ha keo nguyên liệu, hàng trăm gốc cây ăn quả và phát triển chăn nuôi. Bình quân mỗi năm thu về gần 200 triệu đồng, giàu phất lên lúc nào không hay.
Gia đình chị Hoàng Thị Hiên, cùng xóm Đá Mồng, xã Sơn Kim II cũng không ngoại lệ. Con cái nheo nhóc, chồng ốm đau, cái nghèo bủa vây. Nghe lời chỉ bảo của anh Thông, chị quyết vay vốn làm ăn kinh tế, tập trung ở cây trồng, vật nuôi. Sau 5 năm, chị đã thu về 150 triệu đồng/năm từ chăn nuôi, hoa quả trong vườn. Hai đứa con của chị giờ đi học không phải cuốc bộ, ăn đói, mặc rét.
Những gì anh làm cho bà con ai cũng thấy tiến bộ và phát triển. Người ta bảo, anh đã “hồi sinh vùng đất chết”. Chưa dừng tại đây, anh tiếp tục “dạo bộ” đến từng gia đình có con em nghiện ngập, nói cho họ biết vấn nạn nhức nhối, đau đớn thể xác, tốn kém tiền của của thứ chất trắng. Câu lạc bộ đã thu hút, tập hợp được 37 thành viên, chủ yếu là người nghiện ma túy, nhiễm HIV. Câu lạc bộ đi vào hoạt động rất sôi nổi, có kết quả và được nhiều người ủng hộ.
Anh Phạm Quang Minh ở xóm Khe Năm, xã Sơn Kim I, một thời đắm chìm trong men say ma túy, rồi bị nhiễm HIV. Tưởng chừng quãng đời u tối của anh sẽ chấm dứt, mọi tương lai, dự định trở về con số không. Nhưng với sự gần gũi, cảm thông của thiếu tá Thông, anh Minh đã từ bóng tối bước ra ánh sáng, làm lại cuộc đời. Anh mạnh dạn vay vốn, quy hoạch trồng được gần 3 ha keo, nhận khoanh nuôi, bảo vệ hơn 2 ha rừng tự nhiên.
Trung tá Nguyễn Ngọc Lợi, chính trị viên Đồn biên phòng cửa khẩu Cầu Treo, nói về thiếu tá Thông: “Cái nhất của Thông là nói đi đôi với làm, có những cách rất sáng tạo trong làm ăn. Anh đã tham mưu cho Đảng ủy, chỉ huy đồn trong việc phối hợp địa phương thu gom người nghiện hút trên địa bàn, tạo công ăn, việc làm cho họ, hỗ trợ họ lúc ốm đau, qua đời, giảm bớt gánh nặng cho gia đình, địa phương”.
“Cái tôi thấy được ở bản thân mình là biết lắng nghe tâm tư, gần gũi quần chúng nhân dân, nắm bắt được nguyện vọng của dân. Do cũng từng là kỹ sư nông nghiệp nên tôi có chút kinh nghiệm trong chăn nuôi, trồng trọt, giờ có cơ hội thì truyền lại cho bà con nhân dân”, anh Thông chia sẻ và nói: “Tôi luôn mong muốn biến đất rừng, sỏi đá này thành “đất vàng”, thành vùng đất sinh lợi cho bà con nông thôn”.
Tr.Hoa – T.Mạnh
Thanh Niên