Giáo dục - Đào tạo

Người nói hộ nỗi lòng giáo viên, học sinh và phụ huynh

Đó là thầy giáo Lê Văn Vỵ (Hương Sơn – Hà Tĩnh), người đã viết hàng chục bài phản biện về VNEN trên báo. Thầy đã dành cho PV Tầm nhìn cuộc trao đổi vào sáng chủ nhật ngày 02/10/2016.

“Tôi chỉ là người nói hộ”

Học sinh lớp 7B  trườngTHCS Nam Hà biểu quyết gần 100% bỏ chương trình VNEN

PV: Thưa thầy, nhiều ý kiến cho rằng: Thầy là người đã nói hộ nỗi lòng của giáo viên, phụ huynh và học sinh về mô hình trường học mới VNEN, thầy có vui không ạ?

Thầy giáo Lê Văn Vỵ  (L.V.V.): Vui ư? Rất ít! Buồn, rất buồn là bởi vì, tôi tiếp xúc với nhiều giáo viên từ Kỳ Anh ra Nghi Xuân, từ thành phố Hà Tĩnh lên Hương Sơn, hầu hết họ thấy mô hình VNEN không phù hợp với nước mình, nhưng  không dám lên tiếng vì sợ ông Sở, ông Phòng và sợ cả ông bà Giám hiệu.

“Thầy thì chẳng sao, còn chúng em đang an lành, họ thuyên chuyển cái là bất an, nên “im lặng là vàng”. “Họ còn ong ve cấm like, cấm bình luận về những bài của thầy phản biện về VNEN. Vừa rồi thầy Trần Quốc Thường – Hiệu trưởng trường THCS Nguyên Biểu, cô Ánh Tuyết – Phó Hiệu trưởng trường THCS Bình Thịnh, Đức Thọ  đã bị trên nhắc nhở trong cuộc họp vì dám like, bình luận trong bài viết phản biện VNEN  đấy!”. Chao ơi! Nghe mà  giận, nghe mà thương, mà xa xót!

Nhưng không phải tất cả giáo viên sợ, nhiều bạn đã bằng nhiều cách trao đổi, gửi tư liệu, thông tin của người trong cuộc cho tôi và tôi hiểu, họ tin cậy vào tôi nói lên nỗi lòng của họ.

Không chỉ giáo viên mà một số lãnh đạo Phòng GD&ĐT đã dũng cảm nói lên sự  thật, thẳng thắn phản biện. Tôi chia sẻ quan điểm với Nhà giáo ưu tú Trần Quang  Cảnh – Trưởng phòng GD&ĐT Thạch Hà, tôi đồng quan điểm với thầy giáo  Hoàng Hồ – Phó phòng GD&ĐT Hương Khê, nhất là những bài viết phản biện khách quan, chính xác của thầy đăng trên facebook cá nhân. Và càng ngày, tôi nhận được tiếng nói chia sẻ nhiều hơn.

Như vậy, tôi chỉ là người thu thập, xử lý thông tin và chia sẻ thông tin với bạn đọc mà thôi.

Thầy Trần Quốc Chỉnh – Hội trưởng Hội cha mẹ HS trường THCS Nam Hà, Thành phố Hà Tĩnh: “ Nếu không dừng chương trình VNEN, chúng tôi cho con nghỉ học”.

PV: Nhưng thầy là người đầu tiên phản biện về VNEN, viết hàng chục bài về VNEN và quyết liệt đi đến cùng, lý do nào để thầy kiên trì, dẻo dai như vậy?

Thầy L.V.V.: Vì tôi thấu hiểu được nỗi  lo sợ của phụ huynh. Anh Trần Quốc Chỉnh – Hội trưởng Hội cha mẹ học sinh trường THCS Nam Hà; nguyên là giáo viên Ngữ văn, trường THPT Phan Đình Phùng có con học ở lớp 7C, nhiều lần than vãn với tôi: “ Có cách gì cứu con chúng tôi với ông ơi! Chứ ai đời, chương trình VNEN thí điểm mà chưa có kết luận gì cả, họ triển khai ào ào. Con tôi càng học càng đần. Mỗi lần giở sách con thấy  mấy từ Chương trình thí điểm in đậm ngoài bìa sách là tôi sởn gai ốc, nổi da gà, hoang mang vô cùng. Người ta làm thí nghiệm khoa học, thử nghiệm lên chuột, lên thỏ, còn thứ “vắc xin” VNEN chẳng biết độc hại thế nào họ tiêm đồng loạt lên con em chúng tôi. Hoảng sợ quá. Chúng tôi 155 phụ huynh đã làm đơn tập thể gửi lãnh đạo các cấp, kiến nghị bỏ chương trình VNEN, nếu không bỏ, chúng tôi cho con nghỉ học”. Mà không chỉ một phụ huynh Nam Hà Thành phố Hà Tĩnh, mà phụ hynh Hương Khê, Cẩm Xuyên, Thị xã Hồng Lĩnh đều lên tiếng. Họ điện thoại cho tôi, trao đổi với tôi, và tôi có sứ mệnh viết lên nỗi lòng của họ.

Họ sợ là đúng vì chương trình thí điểm VNEN ở Hà Tĩnh có mấy điều lạ. Một là năm 2012, cả nước có 1447 trường nằm trong Dự án GPE VNEN, Hà Tĩnh chỉ có 1 trường Tiểu học Cẩm Quan, Cẩm Xuyên. Nghệ An tỉnh bạn có 73 trường, được hỗ trợ 48 tỷ để triển khai thí điểm, còn Hà Tĩnh không có đồng nào, mà triển khai VNEN theo tốc độ “ngựa phi nước đại”, cấp 15 “siêu bão”, làm ào ào, làm lấy được như ma ám, ma đuổi.

Này nhé, năm 2012, trường Cẩm Quan thí điểm VNEN. Sau 1 năm chưa có bất cứ kết luận khoa học, khách quan nào đã nhân rộng thêm 12 trường, và một năm sau đã lên 36 trường. Năm 215, có 129/267 trường tiểu học nhân rộng VNEN, năm 2016, Sở GD&ĐT chỉ đạo triển khai đại trà 100% trường . Không phải chỉ tiểu học; mà năm 2015, THCS  đã có 64 trường, hài hước nhất là THPT có 16 trường đập bục giảng, tính kê bàn “theo mâm”  kiểu VNEN. Đúng là một kiểu làm giáo dục “bốc hỏa”.

Cách “tổng tiến công” “thừa thắng xông lên “ ấy, đã khiến các cơ sở giáo dục rơi vào thế bị động. Nhiều bất cập, nhiều bi hài diễn ra trong thời gian ngắn thí điểm VNEN, nào là bất cập về CSVC, về thiết bị, về sách giáo khoa, về tập huấn đội ngũ mà nhất là phụ huynh phải còng lưng gánh thêm 1 khoản ngân sách để làm thí điểm VNEN. Một số trường phải vay nợ để làm VNEN.

Điều lạ thứ hai  là sách thí điểm mà bán đại trà với giá cao ngất ngưởng. Nông dân phải bán hàng tạ lúa mới mua nổi 1 bộ sách, và sách chỉ có 1 nguồn cung cấp, không có bán ở đại lý, nên mua sách khó hơn mua hàng cấm. Sách VNEN độc quyền xuất bản, độc quyền phát hành, chỉ một cửa.  Chuyện “đồng tiền tươi” là thật, không “vờ” một tí nào!

Và những bài viết của tôi chủ yếu nói về những bất cập này.  Để có được thông tin chính xác đến bạn đọc tôi lặn lội đến cơ sở không quản nắng mưa, tôi gặp gỡ trao đổi ngay cả với Bác sĩ để có thông tin ngồi học “theo mâm” có khiến học sinh bị vẹo cổ lác mắt không? Và những thông tin ấy  nhận được phản hồi tích cực từ phía độc giả.

“Câu hỏi này, nên để dành cho Tiến sĩ Trần Trung Dũng – Giám đốc Sở”

PV: Nhưng chương trình VNEN chắc có những điều tích cực tiến bộ, chứ đâu phải là xấu cả, thưa thầy?

Thầy L.V.V.: Vâng, về nguyên lý là như vậy, chẳng có cái gì hay hoàn toàn hoặc dở hoàn toàn. Nhưng điều đáng nói là chúng ta làm “thí điểm”  hời hợt, hình thức, không có quy trình thí điểm, không có phương pháp khoa học làm thí điểm, không có kết luận nào khách quan mà vội vàng nhân rộng thì  quá ẩu. Vì vậy, cho nên, khi chưa có một khảo sát, đánh gía  toàn diện, khoa học thì mọi ý kiến về hay dở đều chủ quan, vu vơ.

Nhưng gần đây phụ huynh học sinh có cách đánh giá VNEN rất hay, rất đáng tin cậy. Tại Hương Khê, phụ huynh học sinh lớp 7 trường Chu Văn An đã truyền nhau cách kiểm tra chất lượng học của con bằng cách lấy một số bài tập trong sách giáo khoa đã học, rồi bố mẹ canh cho con làm bài, sau đó gửi thầy giáo chấm, thì “tóa đóm” vì con làm không được bài. Không tổ chức được bài văn, kỹ năng viết sút kém, về toán kỹ năng giải bài tập sa sút, cho nên đã làm đơn khiếu kiện tập thể lên các cấp có thẩm quyền bỏ chương trình VNEN.

Tại trường THCS Cẩm Trung, (huyện Cẩm Xuyên) năm học 2015-2016 có 8 lớp 6, nhà trường lựa chọn những em khá xếp vào 2 lớp 6A1 và 6A2 học chương trình thí điểm VNEN. Đầu năm học mới 2016, nhà trường khảo sát 8 lớp 6 lên lớp 7, kết quả bất ngờ 2 lớp học sinh học chương trình VNEN kết quả thấp hơn nhiều 6 lớp học chương trình truyền thống khiến cho phụ huynh vào năm học mới được 2 tuần vẫn làm đơn bỏ chương trình VNEN, khiến cho tình hình sau khai giảng khó ổn định được.

PV: Có lẽ vì thế mà Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Khánh đã có Thông báo số 230/TB-UBND về việc dừng triển khai đại trà chương trình VNEN và sau đó giao cho Sở GD&ĐT kiểm điểm các  tập thể cá nhân trong việc triển khai đại trà chương trình VNEN?

Đồng chí Đăng Quốc Khánh- Ủy viên dự khuyến Ban chấp hành Trung ương Đảng; Phó Bí thư Tỉnh ủy; Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh trao đổi với thầy giáo Lê Văn Vỵ về GD trong đó có mô hình trường học mới  VNEN

Thầy L.V.V.: Vâng, đây là một quyết định kịp thời, sáng suốt, ngăn chặn một cách làm ẩu, ảnh hưởng đến cả một thế hệ học sinh được dư luận vô cùng đồng tình, ủng hộ, tán thưởng. Gần đây đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã dành cho tôi thời gian gần  hai tiếng trao đổi những vấn đề về giáo dục, trong đó có VNEN. Tôi thật sự vui mừng vì đồng chí Chủ tịch tỉnh rất am hiểu giáo dục đào tạo và đặc biệt quan tâm, chăm lo đến  GD&ĐT, thấy được vị trí “quốc sách hàng đầu” của GD&ĐT.

Nhưng điều đáng quan ngại là Sở GD&ĐT chưa thấy hết được tác hại trầm trọng của việc triển khai đại trà VNEN. Trong một số công văn chỉ đạo chuyên môn gần đây tôi vẫn thấy biểu hiện của của sự bao biện thái quá cho VNEN (điều này tôi sẽ tiếp tục trong một số bài báo tiếp theo).

Theo tôi, hiện tại ngành Giáo dục, các thầy cô giáo và phụ huynh học sinh phải cộng tác chặt chẽ, cung cấp thông tin trung thực, chính xác cho Tổ công tác giám sát của Hội đồng nhân tỉnh. Gần một tháng nay, Hội đồng nhân dân tỉnh đã triển khai kế hoạch giám sát giáo dục, trong đó có chương trình thí điểm VNEN. Qua thông tin nắm được, tôi rất mừng vì cách làm cẩn trọng của Hội đồng và những kết quả thu được khá khách quan. Hy vọng, vào thời gian gần đây, sau khi có kết quả Giám sát, UBND tỉnh sẽ có quyết định cuối cùng.

PV: Vậy, theo thầy, hiện nay và tương lai  mô hình VNEN sẽ ra sao?

Thầy L.V.V.: Hiện tại, nhiều trường thí điểm chương trình VNEN, phụ huynh đã làm đơn gửi các cấp lãnh đạo cho dừng lại chương trình VNEN.  Sau một thời gian đấu tranh kiên quyết, trường THCS Chu Văn An (huyện Hương Khê), trường THCS Cẩm Trung (huyện Cẩm Xuyên) buộc phải dừng chương trình VNEN, học chương trình truyền thống. Một số trường như THCS Nam Hồng ( thị xã Hồng Lĩnh); THCS Nam Hà (thành phố Hà Tĩnh) đã vào học tuần thứ 3 nhưng phụ huynh vẫn làm đơn tập thể nói không với chương trình VNEN.

Và nhất là học sinh những trường thí điểm VNEN đã tự nguyện lặng lẽ chối bỏ hình thức ngồi “theo mâm” lựa chọn ngồi hàng ngang như trước đây. Tại những trường mà tôi khảo sát, học sinh các em chán cách tổ chức lớp, tổ chức học theo mô hình VNEN. Cụ thể các em đã bỏ cách gọi các chức danh: Chủ tịch Hội đồng tự quản, Trưởng ban đối ngoại học tập, rồi cách gọi các nhóm Chim sơn ca, nhóm Chăm chỉ, nhóm Vui vẻ (nhập ngoại từ Cô lôm bi a; bê nguyên xi vào Việt Nam) và lựa chọn cách gọi giản dị hơn, phù hợp với thực tế hơn: Lớp trưởng, Lớp phó, Tổ trưởng, tổ 1,2,3,4…

Ở  lớp 7, trường THCS Chu Văn An Hương Khê, trường THCS Cẩm Trung, Cẩm Xuyên, THCS Nam Hà, THCS Thạch Linh, thành phố Hà Tĩnh, THCS Nam Hồng, thị xã Hồng Lĩnh gần 100% học sinh giơ tay biểu quyết nói không với chương trình VNEN. Có thể nói chương trình thí điểm VNEN ở một số trường trên địa bàn Hà Tĩnh đã vỡ trận.

Tháng 6/2016, Dự án GPEVNEN đã kết thúc. Dự án đã giải ngân xong gần 2000 tỷ đồng. Theo tinh thần 4068 của Bộ GD&ĐT, Bộ đã  giao quyền tự quyết lựa chọn chương trình VNEN hay không tùy thuộc vào địa phương và trong đó có nội dung quan trong phải được sự đồng thuận của phụ huynh học sinh. Do vậy, ở đâu, phụ huynh không đồng thuận với VNEN thì sớm muộn cũng thất bại.

PV: Xin hỏi thầy câu cuối cùng: Tại sao Giáo dục Hà Tĩnh lại quyết liệt với VNEN như vậy?

Thầy L.V.V.: Điều này chỉ có Thánh thần biết. Mà câu hỏi này, nên để dành cho Tiến sĩ  Trần Trung Dũng – Giám đốc Sở. Có lẽ, Tầm nhìn nên  có bài phỏng vấn vị Tổng tư lệnh ngành, chứ tôi làm sao hiểu biết đến “tầm vĩ mô”?

PV: Trân trọng cảm ơn cuộc đối thoại thẳng thắn, chân thành của thầy, Kính chúc thầy sức khỏe, tiếp tục đồng hành cùng giáo dục cùng GV, phụ huynh học sinh, tiếp tục có những bài viết phản biện sắc sảo đáp ứng lòng mong mỏi của bạn đọc.

Hà Vy – Mai Nguyên (ghi) 

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP